Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương:

Hà Nội cần xây 30 - 40 trường học/năm mới đáp ứng số học sinh gia tăng

17/10/2023 21:33 GMT+7

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương ví von rằng, ngành GD-ĐT như một con chim; một cánh là khối các trường tư, một cánh là khối các trường công. Nếu 2 cánh chim này đập loạn nhịp thì con chim đưa ngành giáo dục bay rất chậm.

Chiều 17.10, Thường trực HĐND TP.Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương: Ngành giáo dục 'như con chim' - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên giải trình chiều 17.10

KHẮC HIẾU

Cần xây thêm 30 - 40 trường học mỗi năm

Nêu vấn đề tại phiên giải trình, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao (Tổ Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tình trạng thiếu nhiều trường công lập ở các quận nội thành, nhất là các quận Đống Đa, Hoàng Mai đang tạo áp lực tuyển sinh đầu cấp. Bà Giao đề nghị lãnh đạo các sở, ngành các quận Hoàng Mai, Đống Đa cho biết giải pháp nào khắc phục tình trạng này?

Tham gia giải trình, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, cho biết Hoàng Mai là quận đông dân nhất thành phố với khoảng 700.000 người, trong đó hơn 100.000 cháu trong độ tuổi đi học. Mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 cháu.

Tình trạng dân số đông, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được đang tạo áp lực lên công tác tuyển sinh đầu cấp. Hiện quận và thành phố đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó có đẩy nhanh xây trường mới, khuyến khích đầu tư trường ngoài công lập.

"3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới được 23 trường học; tăng cường cải tạo, sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập, học sinh chiếm 19% số học sinh trên địa bàn, giúp giảm tải cho trường công lập trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, quận vẫn thiếu 43 trường học", ông Tâm nói.

Còn ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND Q.Đống Đa, cho hay quận có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp. Hiện một trường khoảng 60 lớp và trung bình số học sinh 40 - 60 học sinh/lớp. Quận đang cần 7 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

"Về giải pháp, tới đây quận sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới. Hiện, quận đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định; đồng thời có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định", ông Định nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương: Ngành giáo dục 'như con chim' - Ảnh 2.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng cần xây từ 30 - 40 trường học mỗi năm để đáp ứng số học sinh gia tăng

KHẮC HIẾU

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, Hà Nội lại tăng thêm trung bình từ 40.000 - 50.000 học sinh; đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới, kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30 - 40 trường học để đáp ứng số học sinh tăng.

Về giải pháp, ông Cương cho rằng cần kiên quyết thu hồi các dự án quây tôn, chậm tiến độ để xây dựng trường học. Đồng thời, đối với cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường cao đẳng, đại học thuộc diện di dời ra khỏi nội đô thì nên dành quỹ đất này xây dựng trường học.

Ưu tiên xây trường sau khi di dời cơ sở sản xuất không phù hợp

Tiếp tục phát biểu tại phiên chất vấn, ông Trần Thế Cương cho biết đã có ý kiến cần cân đối hài hòa giữa trường tư thục và công lập. Ví dụ như Q.Nam Từ Liêm có trường tư thục nhiều hơn công lập.

"Chúng tôi ví ngành GD-ĐT như một con chim; một cánh là khối các trường tư, một cánh là khối các trường công. Nếu 2 cánh chim này đập loạn nhịp thì con chim đưa ngành giáo dục bay rất chậm", ông Cương nói.

Sau cùng, ông Cương cho rằng đối với các khu đất trống, các địa phương thấy có thể xây được trường học thì có thể đề xuất với thành phố để thay đổi quy hoạch quỹ đất rồi đầu tư xây dựng trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương: Ngành giáo dục 'như con chim' - Ảnh 3.

Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại phiên họp giải trình

KHẮC HIẾU

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, qua báo cáo của UBND thành phố và nội dung phiên giải trình chiều 17.10, có thể thấy việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp và công nhận đạt chuẩn đối với các trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn còn nhiều tồn tại, vướng mắc, tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để đạt mục tiêu đề ra, Thường trực HĐND TP.Hà Nội đề nghị UBND TP.Hà Nội, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có các giải pháp khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư; yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương, nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học trên địa bàn. Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ì, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để giao UBND quận, huyện, thị xã lập dự án xây dựng trường học công lập.

"Tiếp tục chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô. Từ đó, dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội, trong đó ưu tiên xây dựng các trường học phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố còn thiếu 49 trường, tại 8 quận. Trong đó, Q.Hoàn Kiếm là địa phương thiếu nhiều trường học nhất với 11 trường, gồm 2 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 2 trường THCS.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.