Hà Nội chấm dứt việc học sinh phải 'nhịn' vì nhà vệ sinh trường quá bẩn

11/08/2016 16:58 GMT+7

Từ năm học tới, nhà vệ sinh trường học phải sạch và học sinh phải có nơi để rèn luyện kỹ năng sống là những “đề bài” cần phải giải quyết của giáo dục Thủ đô.

Sáng nay 11.8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu phải thành lập trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh toàn thành phố; trồng cây xanh cho các trường và đặc biệt nhấn mạnh tới việc cải tạo nhà vệ sinh trường học để học sinh không còn phải nhịn đi vệ sinh như hiện nay.
Ông Chung cho rằng, các trường đã có thể yên tâm về việc dạy kiến thức, nhưng có những vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, kỹ năng sống của học sinh thì còn rất đáng lo ngại, do chưa được quan tâm đúng mức. "Chúng ta đừng “tô vẽ mãi màu hồng” mà cần phải nhìn thẳng vào những vấn đề như vậy, thành phố sẽ cùng với ngành giáo dục - đào tạo giải quyết triệt để", ông Chung nhấn mạnh.
Cải tạo nhà vệ sinh, trồng 28 nghìn cây xanh
Ông Chung cho biết, sẽ trồng hơn 28.000 cây xanh, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp tại 2.622 trường học trên toàn thành phố. “Các thầy cô có thể chọn trồng cây bàng hoặc cây phượng và  thành phố sẽ trồng theo lựa chọn đó ở tùy từng trường”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, cá nhân ông đã nhận được nhiều phản ánh từ phụ huynh về việc học sinh phải nhịn đi vệ sinh ở trường, do khu vệ sinh trường học không đảm bảo. Để khắc phục vấn đề này, dự án cải tạo hệ thống nhà vệ sinh trường học đã được khởi động với việc đặt hàng hệ thống toilet riêng cho học sinh. Cùng với đó, hệ thống nước sạch trong trường học cũng được đầu tư, nhằm đảm bảo đủ nước uống hàng ngày cho các em. “Thời gian tới, dứt khoát trường học của Hà Nội phải có nước sạch, có khu vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho học sinh”.
Cũng tiếp mạch lo lắng về sức khỏe học đường, ông Chung đặt câu hỏi: “Các thầy cô suy nghĩ gì khi có tới 1/4 học sinh phải đeo kính? Trước đây, thời chúng tôi đi học, các thầy cô rất quan tâm tới việc ngồi học đúng tư thế, còn bây giờ phải nói là chúng ta đang thất bại khi tỉ lệ học sinh, đặc biệt là học sinh nội thành phải đeo kính ngày càng cao. Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh vào trách nhiệm, ý thức của giáo viên trong vấn đề này, bởi nếu không, 5 - 10 năm nữa, chúng ta sẽ phải trả giá. Nếu muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao, đây là việc cần phải được coi trọng từ bậc phổ thông chứ không thể chờ đến đại học”.
Thành lập trung tâm dạy kỹ năng sống
Lo ngại về việc học sinh lứa tuổi phổ thông có những biến động mạnh về tâm sinh lý mà không được giáo dục kịp thời, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã hợp tác với một nhóm chuyên gia đến từ nhiều nước để xây dựng một trung tâm giáo dục kỹ năng sống, được đầu tư bài bản và xây dựng trên một khuôn viên rộng khoảng 5 - 6 ha, để học sinh được rèn luyện thể lực, kỹ năng sống. Việc xây dựng sẽ được triển khai trong năm nay, để năm 2018 đi vào hoạt động.
Với trọng trách giáo dục 1,7 triệu học sinh, chiếm 1/4 dân số Thủ đô, sức lan tỏa, ảnh hưởng của nhà trường rất rộng. Do vậy, ông Chung đề nghị ngành giáo dục phát động phong trào và biến chính những học sinh của mình trở thành những tuyên truyền viên về an toàn giao thông, về giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác bừa bãi…
"Sắp tới, Hà Nội sẽ phối hợp với Trường ĐH Cambridge đầu tư vào trường THPT Chu Văn An và THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam để áp dụng chương trình chuẩn của họ song song với chương trình trong nước, giúp học sinh Thủ đô ra trường là có thể hoà nhập với thế giới mà không mất thêm 2 năm”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.