Hàng chợ đến online đều “đội” giá
Vừa cho con gái đi học được 1 tuần, chị Diệp Chi (ở Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nhận được tin nhắn của cô giáo báo bạn cùng lớp con là F0. Tạm thời các bạn tiếp xúc gần với F0 ở nhà theo dõi sức khỏe. Chị Chi ra ngay hiệu thuốc gần nhà mua kit test về xét nghiệm thử, nhưng đi đến 4 hiệu thuốc mới mua được.
“Có hàng thì nhân viên kêu "cháy" kit test từ 2 ngày nay, nơi thì nói đến tối mới có kit mới về và chỉ có loại test dịch mũi về, còn hàng test nước bọt không có. Phải đến hàng thuốc thứ 4, tôi mới mua được kit test của Tây Ban Nha giá 83.000 đồng/kit”, chị Chi cho hay.
Tại nhiều nhà thuốc Hà Nội, giá kit test bị đẩy lên cao vì khan hàng |
T.Hằng |
Khảo sát thị trường ngày 22.2, tại các khu vực như đường Giải Phóng, Phương Mai, Tôn Thất Tùng - nơi tập trung nhiều cửa hàng thuốc, tình trạng chung là khan hiếm kit test, mỗi nơi một giá. Trong số hàng nhập ngoại từ châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc đến hàng châu Âu như: Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ,… bán chạy nhất là kit test của Hàn Quốc, được quảng cáo lấy dịch từ khoang mũi hiệu quả cao tới 99,36%. Tại một cửa hàng thuốc trên đường Giải Phóng, giá kit test Hàn Quốc 70.000 đồng/bộ, trong khi tại đường Phương Mai, tại một hiệu thuốc, nhân viên bán hàng nói do khan hàng nên giá tới 85.000 đồng/bộ.
Vừa báo khống giá kit test Covid-19, chủ tiệm thuốc Hà Nội bỗng 'mất trí nhớ' khi bị kiểm tra |
Chị Hà Liên, nhân viên văn phòng ở Q.Đống Đa (Hà Nội), cho hay: “Trước đây, công ty thường tổ chức test mỗi tuần 2 lần cho nhân viên. Tuần trước tôi vừa mua kit Trung Quốc giá 62.000 đồng/bộ. Tuần này, thấy hàng khan hiếm nên ngày 22.2 tôi ra mua thêm nhưng giá đã lên 75.000 đồng/bộ và chỉ mua được 2 hộp (50 kit). Tôi thắc mắc thì được nhân viên giải thích là giá nhà thuốc nhập vào đã trên 70.000 đồng/bộ. Chúng tôi buộc phải tính đến giải pháp cho nhân viên tự test ở nhà, những trường hợp F1 phải có kết quả âm tính mới được đi làm”.
Lo ngại ra hiệu thuốc phải xếp hàng, nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhiều người tìm mua kit test trên mạng xã hội. Điều đáng nói, dù là hàng xách tay, không có hóa đơn chứng từ nhưng kit test vẫn “cháy” hàng, “đội” giá. Đơn cử, bộ test Covid-19 của Pháp nơi bán giá 48.000 đồng, nơi bán 65.000 đồng; test nước bọt dùng cho cả người lớn lẫn trẻ em của Trung Quốc nơi bán 260.000 đồng/3 bộ, nơi bán 300.000 đồng/3 bộ.
Không chỉ các hàng thuốc bán lẻ cháy hàng, tại chợ thuốc Hapulico, đường Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) - chợ thuốc lớn nhất miền Bắc, cũng xảy ra tình trạng khan hiếm kit test, giá tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/bộ. Chỉ cách đây 1 tuần, giá kit test nhập ngoại từ Hàn từ 50.000 - 60.000 đồng/bộ, loại của Trung Quốc từ 40.000 - 50.000 đồng, thì sang tuần này giá đã tăng lên 70.000 - 80.000 đồng/bộ. Đắt nhất là kit test của Mỹ với 95.000 - 100.000 đồng/bộ. Loại trong nước sản xuất cũng có giá 45.000 - 55.000 đồng/bộ.
Chị M.T, chủ một cửa hàng tại chợ thuốc này, cho biết: “3 ngày nay, các quầy thuốc đều cạn kiệt nguồn hàng. Nhiều khách buôn chấp nhập mua với giá cao mà các cửa hàng đều không có. Nguyên nhân là do nhu cầu tăng đột biến, các cửa hàng thường lấy đến đâu bán đến đó, không dự trữ lớn. Việc Trung Quốc cấm biên cũng là một nguyên nhân dẫn đến nguồn hàng kit test khan hiếm. Số hàng mua trước tết đều đã bán sạch”.
Ngoài mặt hàng kit test, các thiết bị y tế khác như: máy đo nồng độ ô xy, nước xịt khuẩn, nước súc miệng… cũng trong tình trạng khan hàng.
Tăng cường xử lý hành vi găm hàng, nâng giá
Mặc dù các cửa hàng thuốc đều đã ký cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, song lợi dụng nhu cầu người dân tăng cao, vì lợi nhuận, một số người bán vẫn nâng giá hòng trục lợi. Trước tình trạng tái diễn “loạn” giá thiết bị y tế, ngày 22.2, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã ra văn bản hỏa tốc yêu cầu các đội QLTT tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế, trong đó có bộ kit test nhanh kháng nguyên Covid-19.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, qua công tác nắm bắt báo chí phản ánh và thông tin từ Bộ Y tế về việc trên thị trường giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao, Cục QLTT Hà Nội yêu cầu các đội QLTT bên cạnh tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống, hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19, cần giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế.
Lãnh đạo QLTT Hà Nội cho biết, trong thời gian này, QLTT sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và không tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, đồng thời tích cực tố giác các hành vi phạm tội.
Trước tình trạng trên, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đưa kit test và các mặt hàng, thiết bị, vật tư y tế phòng chống Covid-19 vào diện bình ổn giá. Bộ Y tế đề nghị các bộ: Nội vụ, TT-TT, KH-CN hỗ trợ thanh tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, lưu hành kit test, xây dựng quy trình và quy chuẩn đánh giá chất lượng kit test...
Dưới góc độ chuyên môn, TS Lưu Quang Thùy, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, không nên lo lắng đổ xô đi mua kit test. Để có kết quả chính xác, nên chọn mua loại kit test đã được Bộ Y tế cấp phép.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ đúng các bước theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất, đặc biệt lưu ý lấy mẫu đúng cách và thao tác đúng. Việc xét nghiệm không nhất thiết phải làm hàng ngày vì quá tốn kém, mỗi lần test nên cách nhau từ 3 - 5 ngày.
Bình luận (0)