Sáng 1.2, Sở GTVT Hà Nội tổ chức lễ khánh thành thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp ven sông Tô Lịch (nằm trên địa bàn 2 quận Đống Đa và Cầu Giấy, Hà Nội). Tuyến đường này được xây dựng, thiết kế dựa trên hạ tầng của tuyến đường đi bộ dọc bờ sông.
Theo phương án tổ chức giao thông của cơ quan chức năng, đoạn đường cho người đi bộ từ cầu Mọc (Q.Đống Đa) đến cầu Yên Hòa (Q.Cầu Giấy) sẽ trở thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ.
Trong đó, đường cho xe đạp tổ chức giao thông 2 chiều, với chiều rộng 3 m, được bố trí ở phía sát sông Tô Lịch. Đường đi bộ có chiều rộng 1 m, được bố trí sát phía đường Láng. Các loại xe đạp điện không được phép đi vào.
Trên tuyến đường ưu tiên cho xe đạp này, lực lượng chức năng đã bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng gần các điểm dừng, chờ xe buýt; 1 trạm xe đạp tại ga S8 của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Xe đạp trên tuyến này được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác, như đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... thông qua các nút giao (nút giao cầu Mọc, nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; nút giao đường Láng - Lê Văn Lương; nút giao cầu 361; nút giao cầu Cót; nút giao cầu Yên Hòa).
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo, đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn thủ đô nhằm tạo cho người dân thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung cũng như sử dụng phương tiện xe đạp công cộng để đi lại.
Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành, địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để tiếp tục tổ chức tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đối với những tuyến đường đủ điều kiện.
"Việc tạo thói quen cho người dân thủ đô sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân, đồng thời sẽ giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông thủ đô", ông Bảo chia sẻ thêm.
Là người sử dụng xe đạp là phương tiện di chuyển để đi làm trong thời gian hơn 1 năm qua, chị Dương Thị Mai Phương (49 tuổi; trú Q.Đống Đa) cho biết bản thân rất háo hức và chờ đợi ngày tuyến đường ưu tiên cho xe đạp ven sông Tô Lịch chính thức được đưa vào sử dụng.
Theo chị Phương, trước đây, khi chưa có làn đường ưu tiên dành cho xe đạp chị thường xuyên bị xe máy, ô tô chèn sát vào lề đường mỗi khi đi làm.
"Thời gian tới, tôi mong muốn TP.Hà Nội xây dựng thêm nhiều tuyến đường có làn ưu tiên cho xe đạp. Nếu thành phố làm được điều này thì người dân nội thành sẽ dần dần sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển chính vì vừa góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông lại thân thiện với môi trường, đồng thời rèn luyện được sức khỏe của bản thân", chị Phương chia sẻ.
Chi 10 tỉ làm 2 tuyến đường ưu tiên cho xe đạp
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất về việc lựa chọn 2 tuyến đường trên địa bàn để thí điểm làn ưu tiên cho xe đạp, với kinh phí khái toán gần 10 tỉ đồng.
Trong đó, tuyến thứ nhất được lựa chọn thí điểm là đường dọc theo sông Tô Lịch. Tuyến thí điểm thứ hai là đường xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Đề xuất này của Sở GTVT Hà Nội đã được UBND thành phố chấp thuận. Sau thời gian tổ chức thí điểm, Hà Nội yêu cầu Sở GTVT đánh giá, phân tích kỹ tồn tại, bất cập của phương án và điều chỉnh cho phù hợp nếu cần, đảm bảo giao thông ổn định, thuận tiện và hạn chế ùn tắc.
Theo Sở GTVT Hà Nội, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương tiến hành khảo sát, lấy ý kiến cộng đồng dân cư để xây dựng phương án thí điểm tuyến đường thứ 2 quanh công viên Hòa Bình.
Bình luận (0)