(TNO) Năm 2015, Hà Nội còn 33 điểm úng ngập. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội chiều nay 19.5, liên quan đến vấn đề thoát nước mùa mưa và phòng chống thiên tai tại Hà Nội.
Cảnh mưa là ngập trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân
|
Theo đó, đầu năm 2015, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng đã yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên (TNHH MTV) thoát nước Hà Nội, Ban duy tu các công trình đô thị rà soát và thống nhất với Thanh tra giao thông vận tải, Công an thành phố về danh mục 33 điểm úng ngập trên địa bàn 12 quận.
Hà Nội chỉ đạo đến hết quý 2.2015 phải giải quyết xong 10 điểm ngập, gồm: Vĩnh Hưng, Quan Nhân, Kim Hoa, Đức Giang, Hoàng Mai, Tây Mỗ, Thợ Nhuộm, Tây Sơn, Cự Lộc, Châu Văn Liêm. Trong đó, 5 điểm được giao cho Sở Xây dựng Hà Nội, 5 điểm giao cho Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội.
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết, công ty được giao khắc phục 5 điểm: Tây Mỗ, Thợ Nhuộm, Châu Văn Liêm, Thái Hà, Tây Sơn và Phạm Văn Đồng. 4 điểm sẽ hoàn thành trước ngày 5.6. Đường Phạm Văn Đồng có 5 đoạn úng ngập đang được khắc phục, cuối tháng 6 sẽ hoàn thành.
Cũng theo ông Hùng, đối với lưu vực sông Tô Lịch, một số tuyến mương đang hoàn chỉnh, còn lưu vực sông Nhuệ, hệ thống bơm điều tiết chưa có, hạ tầng chưa được đầu tư, với lượng mưa 310mm/2 ngày, tình hình ngập úng sẽ vẫn còn tiếp diễn trong mùa mưa năm nay.
Nhiều trường hợp vi phạm luật Đê điều
Thông tin khác được đưa ra trong cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ tại Thành ủy Hà Nội chiều nay, đó là năm nay, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xử lý các trường hợp vi phạm luật Đê điều; luật Phòng chống, thiên tai; Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Trước câu hỏi của phóng viên: Đến nay thành phố đã xử lý được bao nhiêu trường hợp vi phạm các luật trên? Ông Hà Đức Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: "Vấn đề này rất nhức nhối tại nhiều địa phương, có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Khi thành phố, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn mở rộng các tuyến đê, những tuyến đê này lại thuộc vào đất của dân".
Theo ông Trung, nếu giải quyết theo luật Đê điều, người dân phải được di dời, nhưng theo kế hoạch phòng chống lũ chi tiết, kinh phí di dời dân lên đến 73.000 tỉ đồng (tương đương với 3,5 tỉ USD), con số này quá lớn, do đó chưa thể giải quyết. Ông Trung dẫn ra ở Thường Tín hiện vẫn có trường hợp vi phạm, người dân vẫn xây dựng trong hành lang an toàn đê điều.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Để phòng chống thiên tai hiệu quả, việc phòng quan trọng, không chỉ có sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước, mà cần có sự vào cuộc của toàn dân”,
Ông Phong đề nghị báo chí đẩy mạnh thông tin những sai phạm luật Đê điều, luật Phòng chống thiên tai, để các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết thấu đáo.
Bình luận