Hà Nội đã ‘vá lại’ hơn 400 m thân đê hữu Hồng

15/07/2023 20:26 GMT+7

Tính đến ngày 15.7, khoảng 2/3 đoạn thân đê hữu Hồng (từ chợ hoa Quảng Bá đến ngõ 464 Âu Cơ, Q.Tây Hồ, Hà Nội) đã được chủ đầu tư đắp hoàn trả.

Tối 15.7, một lãnh đạo Chi cục Phòng, chống thiên tai TP.Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) cho biết, để bảo đảm an toàn chống lũ cho đê hữu Hồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội (Ban QLDA) đang tiến hành đắp hoàn trả toàn bộ phạm vi đã đào xẻ thân đê, đoạn từ chợ hoa Quảng Bá đến ngõ 464 Âu Cơ.

Bão số 1 ở Biển Đông, Hà Nội đã ‘vá lại’ được 2/3 đoạn đê hữu Hồng - Ảnh 1.

Đơn vị thi công tiến hành đắp hoàn trả toàn bộ phạm vi đê đã đào hạ cao trình chống lũ

KHẮC HIẾU

“Hiện, đơn vị thi công đã đắp được 420/630 m thân đê hữu Hồng. Phía Ban QLDA đang cố gắng thực hiện đắp trả nốt 210 m thân đê trong thời gian sớm nhất để đảm bảo an toàn phòng, chống lũ”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Theo đại diện Ban QLDA, trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về việc triển khai thi công và công tác phòng, chống thiên tai dự án, nhà thầu thi công đã nghiêm túc tiếp thu dừng toàn bộ các hoạt động cắt xẻ thân đê từ ngày 15.6.

Bên cạnh đó, nhà thầu đã tiến hành đắp đến cao trình tối thiểu 14,5 m (cao hơn mực nước lũ thiết kế 13,7 m và mức báo động 3 là 11,5 m) và phủ bạt chống thấm HPDE để bảo vệ phần đắp; tạo rãnh thoát nước trong phạm vi thi công để tránh ảnh hưởng tới người dân.

Bão số 1 ở Biển Đông, Hà Nội đã ‘vá lại’ được 2/3 đoạn đê hữu Hồng - Ảnh 2.

Thân đê được phủ bạt chống thấm HPDE

KHẮC HIẾU

Dự kiến, đoạn thân đê từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Xuân Diệu (gần chợ hoa Quảng Bá) sẽ xong trước ngày 30.7; đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến nút giao Lạc Long Quân sẽ xong trước ngày 1.8 để đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ.

Trước đó, để đáp ứng yêu cầu chống lũ ngày càng cao, hạn chế ùn tắc giao thông, TP.Hà Nội đã giao Ban QLDA làm chủ đầu tư thực hiện giai đoạn 2 dự án xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, trong đó có hạng mục thay thế kết cấu đê làm bằng đất thành đê bê tông; yêu cầu hoàn thành các hạng mục đê bê tông cốt thép và cửa khẩu qua đê trước ngày 15.6.

Tuy nhiên, đến hạn, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành hạng mục nêu trên. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ 2023.

Bão số 1 ở Biển Đông, Hà Nội đã ‘vá lại’ được 2/3 đoạn đê hữu Hồng - Ảnh 3.

Một phần khu vực đê hữu Hồng được hạ cốt để đổ bê tông

NGUYỄN TRƯỜNG

Do đó, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã yêu cầu Ban QLDA làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm tiến độ thi công đê hữu Hồng, đoạn từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân (Q.Tây Hồ).

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đắp hoàn trả toàn bộ phạm vi đã đào xẻ thân đê hữu Hồng, có biện pháp bảo đảm an toàn chống lũ cho đê đoạn từ chợ hoa Quảng Bá đến ngõ 464 Âu Cơ.

Xem nhanh 20h: Bão số 1 hướng vào miền Bắc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay 15.7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 1. Đây là cơn bão đầu tiên trong năm 2023, có tên quốc tế là TALIM.

Lúc 13 giờ chiều nay 15.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ vĩ bắc; 118,1 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 880 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 1 mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10. Cơn bão này đang có hướng di chuyển vào đất liền nước ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.