Hà Nội đặt mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030

23/12/2021 18:10 GMT+7

95% người nhiễm HIV biết bệnh của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con… là mục tiêu Hà Nội đề ra nhằm tiến tới chấm đứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo bà Lê Thị Thúy, Phó chi cục trưởng Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội), từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1991, đến nay Hà Nội đã có 30 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Thành phố cũng đã phát hiện được 30.000 ca nhiễm HIV/AIDS, trong đó, hơn 23.000 người còn sống; các xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã đều phát hiện người có HIV.

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể, Hà Nội đã đưa chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai từ năm 2009 ở Q.Nam Từ Liêm. Đến năm 2020, đã có 18 cơ sở trên địa bàn đang điều trị cho khoảng 5.000 bệnh nhân bằng các thuốc thay thế. Các xét nghiệm cũng cả cải thiện về kỹ thuật, mở rộng về quy mô. Nhiều phòng xét nghiệm cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV. Chương trình điều trị ARV được triển khai từ năm 2004 tại Bệnh viện Đống Đa, đến nay đã có 23 đơn vị cơ sở điều trị ARV (thuốc kháng HIV), điều trị cho gần 15.000 bệnh nhân.

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV

Thùy Chi

Để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 theo Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư, mới đây Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 50 về thực hiện vấn đề này.

Bà Thúy cho hay kế hoạch xác định 4 nhóm mục tiêu và 5 nhóm chỉ tiêu, như: đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, đặt mục tiêu tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030…

Đáng chú ý, kế hoạch đề ra 7 nhóm giải pháp thực hiện nội dung trên, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác phòng, chống HIV/AIDS; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường hợp tác quốc tế.

Về tổ chức thực hiện, Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, thực hiện kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhằm tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, bà Thúy cho rằng: “Trong thời gian tới, chúng ta cần phải đổi mới công tác truyền thông về HIV/AIDS và thực hiện tuyên truyền lợi ích của việc xét nghiệm HIV, lợi ích của việc điều trị ARV. Quan trọng nhất là chúng ta nâng cao giảm phân biệt, kỳ thị đối với người HIV, để họ có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội và sống tiếp cuộc sống bình thường như tất cả những người khác”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.