Chất vấn về hoạt động phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại HĐND TP.Hà Nội chiều 9.7, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (huyện Ứng Hòa) nêu thực tế nhiều vụ cháy nổ tại các cơ sở karaoke làm chết nhiều người, nhưng trong 526 cơ sở đã bị tạm dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC, 323 cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động lén lút, tập trung nhiều ở ngoại thành.
Do đó, đại biểu Hương đề nghị Chủ tịch UBND các huyện Đông Anh, Thạch Thất và Mê Linh giải trình về trách nhiệm quản lý địa bàn của mình.
Là người đầu tiên trả lời chất vấn, ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, không đề cập thẳng vào câu hỏi, mà trình bày về việc thời gian qua, địa phương đã tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở trên.
Cũng theo ông Kiên, trên địa bàn có hơn 60 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có hơn 40 cơ sở đã dừng kinh doanh hoàn toàn; 20 cơ sở đang cải tạo, chuyển đổi để xin giấy phép hoạt động lại, nhưng hoàn toàn không hoạt động.
“Theo báo cáo của Công an thành phố thì 76 cơ sở của Đông Anh vẫn lén lút hoạt động. Con số này không chính xác hay sao?”, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đặt câu hỏi.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh vẫn tiếp tục nói về việc “liên tục thành lập đoàn kiểm tra và xử lý nghiêm” và khẳng định “sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm”, chứ không thừa nhận hay phủ nhận.
Thẳng thắn hơn, ông Nguyễn Doãn Hoàn Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, cũng đề cập đến “tăng cường quản lý, kiểm tra” nhưng thừa nhận “một số cơ sở lén lút hoạt động là có”.
Theo lãnh đạo huyện này, 6 tháng đầu năm nay, huyện đã xử phạt 16 cơ sở với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, nhưng các cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động chui. “Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất biện pháp thu giữ phương tiện, như vậy mới có thể triệt để giải quyết việc đình chỉ rồi vẫn hoạt động trái phép”, ông Hoàn nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, ông cũng vừa phải trả lời chất vấn HĐND huyện về việc này, và trên địa bàn “hiện chỉ có 76 cửa hàng kinh doanh karaoke theo kiểu làng quê, không có vũ trường”.
“Tôi khẳng định là chỉ có 25 cửa hàng có hoạt động lén lút, chứ không đến 54 (như Công an thành phố thống kê)”, ông Trọng đính chính, và cho biết để xử lý dứt điểm tình trạng này, huyện có định hướng sẽ tuyên truyền trên loa truyền thanh của huyện, xã; đọc tên các cơ sở vi phạm trên loa.
“Ở nông thôn, đọc tên là cả làng biết ngay, để người dân biết mà không đến hát nữa. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, phạt tiền rồi mà không dừng thì sẽ tịch thu. Phải làm quyết liệt, vì ngoài an toàn PCCC thì an ninh trật tự cũng phức tạp”, ông Trọng nói.
61,4% các cơ sở karaoke đã đình chỉ vẫn lén lút vi phạm
Theo báo cáo của Công an TP.Hà Nội thì 61,4% các cơ sở đã bị đình chỉ vẫn lén lút vi phạm. Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết, trên toàn thành phố có hơn 1.600 điểm kinh doanh karaoke thì chỉ có hơn 500 điểm là đủ điều kiện, còn hơn 1.100 điểm không đủ điều kiện, và đều đã bị đình chỉ.
“Tại sao chỉ đình chỉ, vì theo quy định của pháp luật thì chưa rút được giấy phép. Sau vụ cháy tại cửa hàng karaoke 68 Trần Thái Tông, UBND thành phố đã tạm dừng cấp phép kinh doanh karaoke theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Dù tháng 6.2018, một số doanh nghiệp và quận, huyện đã có đề xuất cấp phép lại, nhưng xét thấy vi phạm vẫn nghiêm trọng, chỉ có 33% số cơ sở đảm bảo quy định, nên Thành ủy vẫn yêu cầu tiếp tục ngừng cấp phép”, ông Động cho biết.
Thừa nhận một số cơ sở bị đình chỉ lén lút quay lại hoạt động là có thật, ông Tô Văn Động cũng lưu ý hiện điều kiện cấp phép kinh doanh karaoke còn đơn giản hơn trước (giảm xuống còn 3 điều kiện so với 6 điều kiện trước kia), nên đề nghị phải tăng cường quản lý, không cấp phép cho các cơ sở không đảm bảo điều kiện và kiên quyết thu hồi giấy phép các cơ sở vi phạm.
Bình luận (0)