UBND TP.Hà Nội cho biết việc ban hành danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.
Theo danh mục được phê duyệt, Q.Hoàn Kiếm có duy nhất hồ Hoàn Kiếm; Q.Hai Bà Trưng có 9 hồ, ao; Q.Ba Đình có 11 hồ, ao; Q.Đống Đa có 15 hồ, ao; riêng H.Quốc Oai có số lượng lớn nhất lên tới 276 hồ, ao.
UBND TP.Hà Nội giao Sở TN-MT công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các đơn vị, địa phương; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.
Trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, Sở QH-KT được giao chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND quận, huyện, thị xã xem xét đánh giá sự phù hợp của giải pháp thiết kế đồ án với danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp được duyệt và các giải pháp hoàn trả (nếu có); tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét đồng thời trong quá trình phê duyệt đồ án.
Các đơn vị liên quan có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, đối chiếu danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp với quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt để tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thống nhất; kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm, sử dụng không đúng mục đích.
Đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao, đầm cần xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp…
Trước đó, từ giữa năm 2021, Bộ TN-MT đã có văn bản đề nghị các địa phương lập danh mục ao, hồ, đầm, phá không được san lấp theo luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, đến năm 2022, nhiều tỉnh, thành chưa thực hiện đề nghị này của Bộ TN-MT, điển hình là Hà Nội. Sau đó, Bộ TN-MT tiếp tục có văn bản "thúc" các địa phương thực hiện lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phê duyệt, công bố theo quy định tại khoản 7 điều 60 của luật Tài nguyên nước 2012.
Bình luận (0)