Trước đó, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Hà Nội đã lập chuyên mục lấy ý kiến về hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn TP.Hà Nội trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội.
|
|
Về chất lượng thông tin, hơn 10% ý kiến cho rằng thông tin loa phường là hữu ích, còn 89,94% cho hay không hữu ích. Tuy nhiên, theo Sở TT-TT, kết quả này chỉ là một trong những kênh tham khảo. Sở cũng đã khảo sát, lấy ý kiến trực tiếp người dân tại các phường cũng như tham vấn ý kiến chuyên gia... trước khi tổng hợp báo cáo TP cuối tháng 3.2017.
Trên thực tế, việc bỏ hay giữ loa phường Hà Nội cũng có nhiều ý kiến trái chiều ngay trong cấp lãnh đạo TP và sở ngành. Một bên cho rằng loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử còn một bên cho rằng nên duy trì loa phường do tính chất thiết yếu. Trước Hà Nội rất lâu, TP.HCM cũng đã gần như vắng bóng loa phường tại các quận nội thành, chỉ duy trì hệ thống loa phát thanh tại các huyện vùng ven. Loa phường Hà Nội - một phần của lịch sử - rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Nếu không bỏ loa phường thì việc duy trì như thế nào cho hiệu quả, không lãng phí, có chất lượng về mặt thông tin là điều Hà Nội cần tính kỹ.
Theo Thông báo 221 của UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo TP đã thống nhất nội dung đánh giá hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh cấp phường, xã (hệ thống loa phường) thời gian qua của Sở TT-TT Hà Nội. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống loa phường và chỉ đạo của T.Ư liên quan công tác truyền thông, UBND TP yêu cầu Sở TT-TT hoàn thiện kế hoạch nâng cao hiệu quả, đổi mới hoạt động của đài truyền thanh phường, xã, thị trấn và thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác tuyên truyền với tên gọi: Đề án sắp xếp lại và nâng cao chất lượng việc sử dụng loa truyền thanh phường, xã, thị trấn.
Cụ thể, trước mắt giữ nguyên hệ thống loa phường tại các huyện, thị xã, giảm tối đa hệ thống loa tại các phường thuộc các quận. Mỗi phường giữ lại từ 5 - 10 loa tại các vị trí phù hợp, đảm bảo phục vụ trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và tuyên truyền các thông tin, chỉ đạo cần thiết của T.Ư và TP, báo cáo lại TP sau 3 tháng sử dụng. Đặc biệt, TP yêu cầu phải sắp xếp lại vị trí đặt loa, tránh đặt loa gần trường học, bệnh viện, các cơ quan ngoại giao, khu người cao tuổi, người nước ngoài sinh sống, khu nhà cao tầng...; thời gian, thời lượng, nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Đừng ôm đồm thông tin
Dưới góc độ một người gắn bó với Hà Nội, nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng TP đã quyết giữ lại loa phường thì việc cần tính tới là sử dụng sao cho minh bạch và hiệu quả. Loa phường mỗi năm tốn bao nhiêu tiền gần như không ai hay, chỉ biết qua thông tin lãnh đạo TP nói mỗi loa phường tốn vài chục triệu đồng để duy trì một năm. Vì thế, nếu tiếp tục giữ loa phường, cần khảo sát chính xác hệ thống loa trong nội thành đang hoạt động bao nhiêu phần trăm, duy trì bộ máy tốn bao nhiêu tiền. “Tôi cho là loa phường tê liệt tới 80 - 90% vì nhiều loa trong các ngóc ngách hỏng rất lâu rồi, như loa gần nhà tôi ở Q.Hoàng Mai đã hỏng mấy năm nay. Loa phường tồn tại thì phải minh bạch, có thể người dân vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với quyết định giữ lại loa phường, nhưng người dân có quyền được biết 1 năm tốn kém bao nhiêu, hiệu quả ra sao”, ông Tiến chia sẻ.
Theo nhà văn, sự tiếp cận thông tin của người dân, nhất là khu vực nội thành đã khác xưa rất nhiều, từ báo in, truyền hình, đài phát thanh, đặc biệt là internet. Vì vậy, việc tiếp sóng từ đài truyền thanh quốc gia phát thông tin hay những chương trình ca nhạc kéo dài, vào giờ giấc không phù hợp là hoàn toàn lãng phí, gây ức chế, vì người dân đã nghe đài truyền thanh rồi thì cần gì nghe loa phường cũng với nội dung đó. Loa phường tại các quận nội thành chỉ nên giữ yếu tố quan trọng nhất là các thông báo nội bộ liên quan trực tiếp đến người dân sinh sống tại phường đó như lịch tiêm chủng, tuyển quân, cắt điện...
Còn PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho biết nguyện vọng của ông và mong muốn của rất nhiều người là bỏ loa phường. “Việc TP yêu cầu điều chỉnh lại thông tin, vị trí đặt loa cũng như giảm bớt số loa là nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tiếp nhận ý kiến từ người dân. Nhưng đó chỉ là trước mắt, về lâu dài vẫn cần phải bỏ loa phường”, ông nói.
Ông Huy cũng cho rằng loa phường chỉ nên thông tin những nội dung sát sườn, thiết thực với đời sống của người dân tại địa bàn đó. Những thông tin chung về thời sự chính trị hãy để lại cho các phương tiện truyền thông khác như báo, đài, internet. Loa phường ôm đồm quá nhiều những bản tin chung trong khi mọi người đã biết cả rồi là lãng phí; việc tiết giảm thông tin sẽ giảm được cả thời gian phát cũng như chi phí liên quan.
Bình luận (0)