Hà Nội không còn phát triển 'quay lưng' với sông Hồng

09/10/2024 09:14 GMT+7

Thực trạng phát triển 'quay lưng' với sông Hồng ở Hà Nội đã không còn tồn tại. Thời gian vừa qua, nhiều quận, huyện ven sông Hồng ở phía đông bắc Hà Nội đã và đang chuyển mình mạnh mẽ.

Huyện lên quận tạo động lực thúc đẩy kinh tế

Khi hay tin H.Gia Lâm phấn đấu lên quận, ông Nguyễn Văn Bảo (52 tuổi, trú xã Phù Đổng) mong ngóng địa phương sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp, khu đô thị để người dân trong khu vực có công việc, thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống.

Ông Bảo hy vọng, việc Gia Lâm lên quận sẽ có cả "danh" và "thực", như vậy đời sống người dân sẽ được cải thiện, trẻ em sẽ được học tập ở môi trường giáo dục có cơ sở vật chất tốt hơn.

Hà Nội không còn phát triển 'quay lưng' với sông Hồng- Ảnh 1.

Nhiều quận, huyện ven sông Hồng đã và đang "chuyển mình" mạnh mẽ

ẢNH: KHẮC HIẾU

Mới đây, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng. Theo kế hoạch, ngoài H.Gia Lâm, vào quý 4/2024 hoặc quý 1/2025, H.Đông Anh sẽ được phê duyệt đề án thành lập quận. Với các huyện Thanh Trì và Hoài Đức, phấn đấu được phê duyệt đề án thành lập quận vào quý 4/2025.

Tại H.Đông Anh, Dự án thành phố thông minh bắc Hà Nội với tổng vốn đầu tư khoảng 94.348 tỉ đồng đã được công bố triển khai. Ngoài ra, Dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia với tổng quy mô lên tới 90 ha đã được khởi công, kỳ vọng khi hoàn thành, công trình sẽ trở thành điểm đến, điểm nhấn mỹ thuật, đủ năng lực tổ chức sự kiện chính trị, văn hóa quốc tế và trong khu vực. Dự án này còn được coi là động lực mới để phát triển thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Để kết nối đồng bộ giữa công trình Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia với các khu vực lân cận, lãnh đạo Hà Nội khẳng định sẽ đẩy mạnh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị và hệ thống cầu bắc qua sông Hồng, như cầu Tứ Liên, đường Vành đai 3 phía bắc thành phố, đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô và các tuyến đường sắt đô thị liên quan. Từ đó giúp khai thác hiệu quả giá trị công trình, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội thủ đô.

Hà Nội không còn phát triển 'quay lưng' với sông Hồng- Ảnh 2.

Hạ tầng những huyện được đưa lên quận đã và đang được đầu tư đồng bộ

ẢNH: KHẮC HIẾU

Theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, hiện tỷ lệ đô thị hóa ở Hà Nội theo chương trình phát triển đô thị mới chỉ đạt 49% mục tiêu đề ra nên đời sống người dân vẫn có sự chênh lệch lớn.

Việc phát triển 5 huyện lên quận sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Khi đẩy lên thành quận, ông Nghiêm cho rằng, kinh tế đô thị sẽ phát triển và sẽ thuận lợi trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm.

"Đặc biệt là người dân có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có thu nhập tương ứng với thu nhập quận. Đặc biệt, Chính phủ đã định hướng đến 2030, Hà Nội phải đạt đủ tiêu chí của đô thị đặc biệt, trong đó có 7 nhóm tiêu chí chính và nhiều chỉ tiêu mới buộc Hà Nội phải có quyết tâm phấn đấu mạnh hơn nữa", ông Nghiêm phân tích.

Sông Hồng là biểu tượng phát triển của Hà Nội

Có thể thấy, thực trạng phát triển "quay lưng" với sông Hồng đã không còn tồn tại. Cụ thể, ở phía đông bắc, Q.Long Biên, H.Gia Lâm của Hà Nội và H.Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đã và đang chuyển mình rất mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Hà Nội không còn phát triển 'quay lưng' với sông Hồng- Ảnh 3.

Hà Nội định hướng sông Hồng sẽ là biểu tượng phát triển của thủ đô

ẢNH: KHẮC HIẾU

Ngược lên phía bắc sông Hồng, các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh cũng đang có nhiều thuận lợi để đẩy mạnh đô thị hóa. Ưu thế nổi bật nhất dễ nhận thấy tại 3 huyện này là định hướng "thành phố phía bắc trong thành phố". Về hạ tầng, nơi đây có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và nhiều tuyến giao thông đã được đầu tư khá đồng bộ như trục Nhật Tân - Nội Bài, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai...

Hiện Hà Nội có 9 cầu qua sông Hồng gồm Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà. Trong số này có 6 cây cầu ở các quận nội thành Hà Nội. Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội sẽ có tổng 18 cây cầu bắc qua sông Hồng mới, đáp ứng nhu cầu giao thông của thủ đô cũng như kết nối liên vùng; tạo điều kiện thuận lợi kết nối liền mạch giữa các trung tâm kinh tế - chính trị; giữa các vùng địa phương và đô thị vệ tinh.

Thời gian tới, thành phố dự kiến sớm khởi công 4 cây cầu vượt sông Hồng gồm Thượng Cát, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở. Ngoài ra, sẽ có thêm các cây cầu bắc qua sông Hồng như Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Phú Xuyên…

Hà Nội không còn phát triển 'quay lưng' với sông Hồng- Ảnh 4.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ sớm khởi công 4 cây cầu bắc qua sông Hồng

ẢNH: KHẮC HIẾU

KTS Đào Ngọc Nghiêm nhìn nhận, việc xây dựng thêm những cây cầu không chỉ giúp giảm áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô mà còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn đất đai phong phú để tái cơ cấu kinh tế, hình thành và phát triển các khu dân cư mới. Những cây cầu không chỉ mang lại lợi ích về giao thông mà còn giúp cân bằng cho sự phát triển.

Đề cập đến phân khu sông Hồng, ông Nghiêm lưu ý, thời gian tới cần tiếp tục phát triển hai bên sông Hồng, biến sông Hồng thành không gian trung tâm cảnh quan về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, vì theo quy hoạch chung, đó là biểu tượng phát triển của Hà Nội.

Do đó, Hà Nội không chỉ phát triển trục ngoài đê sông Hồng mà cả bên trong, vì khu vực này có các huyện lên quận trong thời gian tới và quỹ đất trống rất nhiều.

"Đối với các quy hoạch phân khu sông Hồng, thành phố cần rà soát lại, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 để bố trí lại dân cư, biến các khu đất bãi thành trung tâm văn hóa, trung tâm xanh của Hà Nội", ông Nghiêm gợi mở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.