Hà Nội lại lo ngập lụt

07/05/2017 07:11 GMT+7

Thông tin dự báo thời tiết bất thường, nhiều mưa bão trong mùa mưa năm nay ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội, cùng với gần 20 điểm ngập úng chưa giải quyết xong, khiến thành phố lại đối mặt với nỗi lo lụt lội.

Còn 18 điểm ngập
Ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH thoát nước MTV Hà Nội (Công ty thoát nước), cho biết năm 2015 Hà Nội có 20 điểm ngập úng, sang năm 2016 giảm xuống còn 18 điểm. Trong đó, có 11 điểm thuộc khu vực các quận nội thành như: ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; đường Cao Bá Quát, Thụy Khuê, Minh Khai, Nguyễn Khuyến, Giải Phóng, Trường Chinh...; 3 điểm ở Q.Long Biên là phố Ngọc Lâm, Cố Linh, Hoàng Như Tiếp; 2 điểm ở Q.Hà Đông là: ngã ba Quang Trung - Phan Đình Giót, ngã ba Ba La (mới tiếp nhận từ đơn vị quản lý ở Q.Hà Đông); 2 điểm ở khu vực tả sông Nhuệ là đường Phạm Văn Đồng, phố Hoa Bằng.
Cũng theo ông Hùng, năng lực tiêu úng của hệ thống thoát nước Hà Nội hiện nay chỉ hoạt động tốt, nếu vũ lượng 50 mm/2 giờ. Tuy nhiên, nếu mưa từ 50 - 100 mm/2 giờ, khả năng xuất hiện những điểm ngập úng sẽ cao, điển hình là tại những điểm kể trên. Còn nếu mưa to trên 100 mm/2 giờ, dồn dập trong thời gian ngắn, hệ thống thoát nước của TP.Hà Nội sẽ quá tải, phát sinh nhiều điểm ngập úng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước TP.Hà Nội, dự án thoát nước Hà Nội đã hoàn thành giai đoạn 2 vào tháng 12.2016, đáp ứng được tiêu thoát nước của những trận mưa dưới 100 mm/2 giờ. Tuy nhiên, dự án này chủ yếu tiêu úng cho 4 quận nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch (Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) và một số khu vực lân cận; các khu vực Q.Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông... đều không nằm trong phạm vi điều tiết của dự án. Vì vậy, vẫn tồn tại một số điểm ngập úng trong nội thành như: ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; đường Cao Bá Quát, Thụy Khuê, Minh Khai... Ông Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: Hệ thống mang tính thoát nước chung, còn tại một số điểm có địa hình đặc trưng thì khó đảm bảo hết ngập úng, không thể “phủ sóng” hết. Giai đoạn 3 của dự án thoát nước Hà Nội mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, còn chờ gọi vốn, chưa biết khi nào có thể triển khai. “Nếu mưa to, vượt công suất thoát nước, TP.Hà Nội sẽ vẫn có nhiều điểm ngập úng. Tuy nhiên, mức độ ngập sẽ không sâu, kéo dài như trước đây, tức là mức độ ngập sẽ giảm xuống”, ông Hùng đánh giá.
Do chưa được đầu tư đồng bộ ?
Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, cho biết hệ thống thoát nước đô thị Hà Nội trải rộng trên địa bàn 12 quận với diện tích khoảng 230 km2, gồm 3 lưu vực thoát nước chính. Trong đó, chỉ có lưu vực sông Tô Lịch (nội thành cũ 77,5 km2) được đầu tư xây dựng và cải tạo đồng bộ, cải thiện thoát nước và vệ sinh môi trường. Lưu vực Tả Nhuệ (58 km2) chưa được đầu tư đồng bộ, nên mùa mưa thường xảy ra úng ngập do mực nước sông Nhuệ dâng cao. Tương tự, lưu vực Long Biên cũng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay tình trạng ngập úng nghiêm trọng nhất là ở khu vực phía tây thành phố. Hệ thống thoát nước tại các khu đô thị ở Q.Hà Đông, Q.Nam Từ Liêm, Q.Bắc Từ Liêm đều dẫn ra sông Nhuệ. Trong khi đó, lưu vực Tả Nhuệ là nơi chưa có hệ thống thoát nước đô thị đồng bộ, hoặc chỉ có hệ thống thoát nước mưa của các khu đô thị hoặc thoát nước bằng hệ thống nông nghiệp nên khả năng tiêu thoát hạn chế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì tình trạng ngập úng không phải chỉ do việc đầu tư. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, nhận xét hệ thống thoát nước của TP.Hà Nội đã “có vấn đề” hàng chục năm nay. Sau nhiều nỗ lực, tốn kém tài chính của các cấp chính quyền, nhưng đến nay, chưa giải quyết triệt để được ngập úng mà nguyên nhân là việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước có vấn đề. Một số chuyên gia cũng đánh giá hệ thống thoát nước của Hà Nội quá tải từ thời kỳ 1995 - 2005 khi cấp dự án đô thị tràn lan vào vùng trũng ngập, san ruộng, lấp kênh mương, khu vực bán ngập. Các công trình mới mọc lên làm mất không gian thoát nước của thành phố, gây ngập úng nhiều. Bên cạnh đó, lượng lớn ao hồ, kênh mương ở Hà Nội bị lấn chiếm xây công trình, mất đi nhiều diện tích chứa nước.
Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để ngập úng ở Hà Nội, ngoài đầu tư hệ thống cống hóa, mở rộng kênh mương, nạo vét những hồ hiện có, đào thêm hồ điều hòa, kết nối đồng bộ hạ tầng thoát nước để nâng cao năng lực tiêu thoát. Về lâu dài, cần tính đến xây dựng những tuyến đường ngầm dưới lòng đất để khi mưa lớn sẽ làm nơi chứa nước giúp hệ thống tiêu thoát trên mặt đất nhanh. Khi nước rút, tuyến đường ngầm này sẽ lại thành đường đi, nhiều thành phố trên thế giới đã có công trình kiểu này.
Sẽ công bố sơ đồ các điểm ngập úng
Để ứng phó với mùa mưa năm nay, Công ty thoát nước Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp chống ngập cho 4 khu vực tập trung nhiều điểm ngập úng. Cụ thể, với 11 điểm ngập úng trong khu vực các quận nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch, công ty đã cải tạo, nâng cao khả năng điều tiết của cụm công trình đầu mối Yên Sở. Đồng thời, cải tạo cống Đõ qua đường Thụy Khuê, đẩy nhanh cống hóa mương ven đường này để tăng cường khả năng tiêu úng cho lưu vực sông Tô Lịch. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án tại hồ Linh Quang, phố Đội Cấn để nâng cao năng lực tiêu thoát nước tại khu vực này. Với điểm ngập úng ở phố Minh Khai, nguyên nhân xác định là còn 50 m2 chưa thi công xong của dự án mương Vĩnh Tuy, đã đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
Công ty thoát nước Hà Nội cũng đã đôn đốc theo thỏa thuận đối với các chủ đầu tư một số công trình liên quan đến hệ thống thoát nước: hồ điều hòa Nhân Chính, hồ trong khu đô thị Mễ Trì - Vinhome Green Bay, hồ điều hòa Phùng Khoang... để giải quyết 2 điểm ngập úng tại lưu vực tả sông Nhuệ. Điểm ngập úng ở phố Hoa Bằng sẽ được giải quyết sau khi Q.Cầu Giấy thực hiện xong công trình cải tạo đường thoát nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.