Như trong lò lửa
|
|
Nắng nóng kéo dài đến hết 5.6
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết nắng nóng ở miền Bắc và ven biển Trung bộ bắt đầu từ ngày 31.5 với nhiệt độ trong khoảng 35 - 37 độ C. Từ ngày 1.6, nắng nóng gay gắt xuất hiện và đến ngày 2 và 3.6 thì nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiều nơi 40 độ C. Dự báo, đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến hết ngày 5.6. P.Hậu
|
|
|
Trong các ngày từ 1 - 3.6, ngay từ 7 giờ sáng, các trạm khí tượng tại Hà Nội đã đo được nhiệt độ đến 33 độ C, sau đó cường độ nắng nóng liên tục gia tăng, với nhiệt độ từ 35 độ C trở lên duy trì trong khoảng 10 - 18 giờ hằng ngày.
Trong đó, nhiệt độ lúc 13 giờ ngày 3.6 tại Hà Đông (Hà Nội) là 41,5 độ C đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ từng ghi nhận ở khu vực này trong suốt 45 năm qua (năm 2008 là 40,8 độ C). Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu đo trong lều khí tượng, còn thực tế nhiệt độ ngoài trời cao hơn nhiều.
Dù nghe thông tin khuyến cáo nên hạn chế ra đường hoặc có biện pháp phòng chống nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nhiều người lao động, vì công việc mưu sinh vẫn phải bám trụ làm việc trên đường.
Ông Nguyễn Văn Hương (ngụ tại ngõ 77, đường Xuân La, P.Xuân La, Q.Tây Hồ, Hà Nội; chuyên vận chuyển thuê bằng xe ba gác) cho biết để chống nóng khi đi trên đường, xe lúc nào cũng phủ bạt phía sau, trên nóc xe bọc vải và liên tục phải xối nước tạo độ ẩm làm mát. Nhưng đi trên đường vào giờ trưa chỉ mươi phút là vải bạt đã khô cong.
Có showroom bán vật liệu xây dựng, đồ nội thất trên đường Lạc Long Quân (Q.Tây Hồ, Hà Nội), để chống nóng, chị Nguyễn Phương Hoa phải dùng đường ống bơm nước thường xuyên. Lần đầu tiên vào lúc 8 - 9 giờ sáng bơm cho vỉa hè sũng nước cho đến 11 - 12 giờ bơm thêm lần nữa để vỉa hè lúc nào cũng duy trì ẩm ướt, tạo thành "hành lang" cách nhiệt với mặt đường nhựa bên ngoài. Trung bình mỗi ngày, máy bơm vận hành bơm nước từ 4 - 5 lần. Và cách chống nóng hiệu quả của chị Hoa cũng được nhiều hộ kinh doanh lân cận áp dụng.
Ghi nhận trên tuyến các tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), nắng nóng khiến nhiều tuyến phố không có người đi bộ qua lại. Đường phố vắng vẻ như sáng sớm ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, dù những ngày bình thường, các tuyến phố này là điểm đến vui chơi đông đúc của khách du lịch. Dưới cái nóng như thiêu đốt, nhiều du khách nước ngoài đã "trốn" nóng trong quán cà phê, nhà hàng có máy lạnh.
Còn trên các tuyến phố Hàng Bông, Lãn Ông, Hàng Da, nhiều hộ kinh doanh cũng ngán ngẩm vì kinh doanh ế ẩm do vắng khách, người dân cũng ngại ra đường dù các chủ hộ đã liên tục bơm nước, lắp đặt thêm quạt phun sương làm mát. Còn trên phố Đinh Liệt và chợ Hàng Bè, nhiều cửa hàng bán hoa tươi phải dùng bông ướt phủ lên bề mặt để giữ cho hoa không bị khô héo.
Nắng nóng cũng khiến thị trường các sản phẩm làm mát tăng nhiệt. Ghi nhận tại siêu thị điện máy PiCo trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), gian hàng bán điều hòa và các loại quạt phun sương luôn đông khách lựa chọn sản phẩm.
Trung bình mỗi ngày, siêu thị này bán ra trên dưới 100 chiếc quạt. Còn tại quầy bán điều hòa nhiệt độ, khách đặt mua điều hòa phải chờ 1 - 2 ngày mới có thợ lắp đặt do đội thợ đang phải làm việc hết công suất nhưng không kịp phục vụ khách hàng.
Cửa hàng trên phố Hàng Bè (Hà Nội) quây vải, bạt kín mít để tránh nóng Ảnh: Ngọc Thắng
|
Tăng cường chống nóng cho người bệnh
|
|
Nhiệt độ xấp xỉ 40 độ C, cộng với hiệu ứng gió Lào khiến TP.Vinh (Nghệ An) trở nên oi bức, ngột ngạt. Người dân phải mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính râm, găng tay kín mít khi ra đường; nhiều người đã tìm tới các công viên, hàng cây xanh ven đường để tránh nắng nóng; có người mang theo cả chiếu, võng... để ngủ trưa. Để tránh nắng, người dân phải làm việc khẩn trương từ sáng sớm để kết thúc trước khi nắng nóng gay gắt xuất hiện. Ông Trần Văn Nam (53 tuổi, ngụ xã Nghi Phú, TP.Vinh), cho biết bình thường tổ thợ xây của ông bắt đầu làm việc lúc 6 giờ 30. Tuy nhiên, 3 ngày qua, ông Nam cùng nhóm thợ phải thức dậy từ trước 4 giờ sáng để kịp cơm nước rồi vào TP làm việc từ lúc 5 giờ.
Phan Ngọc
|
|
|
Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư Trần Minh Điển cho biết nắng nóng gay gắt khiến lượng bệnh nhi đến khám tăng từ 10 - 15% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày, khoa khám bệnh của BV tiếp nhận từ 3.200 - 3.500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các bệnh lý sốt do vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, BV này đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh và tổ chức đón tiếp từ 5 giờ sáng. Các bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhi từ 7 giờ.
Còn tại BV đa khoa Xanh Pôn, lượng bệnh nhi cũng tăng nhẹ từ 5 - 7%. Phó giám đốc Nguyễn Văn Thường cho biết đáng lưu ý là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân là do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hòa liên tục, chênh lệch nhiệt độ khiến cơ thể không thích ứng kịp.
Tại BV Lão khoa T.Ư, chỉ trong hai ngày Hà Nội nắng nóng gay gắt, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám cũng gia tăng, mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 lượt bệnh nhân. Các bệnh chủ yếu như: đường hô hấp, tai biến mạch máu não…
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại rau quả tươi để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt cần tránh ra trời nắng từ 10 giờ đến trước 16 giờ, là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Ngoài ra, nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời không được để chênh lệch quá lớn, tốt nhất nên bật ở mức từ 25 - 27 độ C.
Một số công nhân làm việc bên đường Phạm Hùng nghỉ ngơi dưới gầm đường trên cao Ảnh: Minh Chiến
Bình luận (0)