TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, có quan điểm phản đối quy định cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội.
Theo ông Thủy, taxi là loại phương tiện công cộng cao cấp, có thể luân phiên phục vụ nhiều cá nhân trong một ngày. Việc để taxi hoạt động còn giúp giảm bớt nhu cầu mua, sử dụng ô tô cá nhân.
Do đó, TS Thủy cho rằng cần nhìn nhận lại quy định cấm taxi vì "giao thông là mạch máu". "Trên thế giới không có quốc gia nào cấm taxi. Tôi cho rằng không nên "ngăn sông, cấm chợ" đối với taxi. Thay vào đó, cần quy hoạch hợp lý để taxi phát triển lành mạnh. Ví dụ, Hà Nội cần khoảng 20.000 - 30.000 taxi là đáp ứng đủ nhu cầu di chuyển cho người dân, cơ quan chức năng nên kiểm soát số lượng thay vì không quản lý được lại cấm", ông Thủy bày tỏ.
Cùng chung quan điểm taxi là loại phương tiện giao thông có tính chất công cộng, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, quy định cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ mà Hà Nội đang áp dụng tại nhiều tuyến phố là không phù hợp; thậm chí điều này đang là một trở ngại cho hoạt động kinh tế. Nhiều nước trên thế giới không cấm mà còn quy định làn đường ưu tiên dành cho xe buýt, taxi trong giờ cao điểm.
Theo ông Bình, tại các tuyến phố bị cấm taxi có thể có người cao tuổi khó đi lại, hoặc có thai phụ chuyển dạ… Khi đó, nhóm đối tượng này sẽ gặp bất tiện vì không thể gọi taxi đến đón tận nơi. Điều này đã làm mất tính công cộng của taxi.
Đề cập việc cấm taxi đi vào một số tuyến phố để giảm ùn tắc giao thông, ông Phan Lê Bình nhìn nhận quy định này có đem lại hiệu quả, nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn cho người dân; đồng thời ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Do đó, theo ông Bình, Hà Nội nên tạo điều kiện để taxi phát triển, kết hợp với biện pháp cấm xe cá nhân đi vào một số tuyến phố nhằm giảm ùn tắc. Khi đó, lực lượng chức năng có thể cấp phù hiệu riêng cho ô tô cá nhân của người sống ở tuyến phố bị cấm.
"Biện pháp này sẽ đáp ứng tính công cộng của taxi; không làm tăng ùn tắc giao thông và vẫn đảm bảo nhu cầu di chuyển bình thường của người có ô tô sống trong tuyến phố cấm xe cá nhân", ông Bình nêu quan điểm.
Hiệp hội Taxi Hà Nội mới đây đã có văn bản kiến nghị TP.Hà Nội gỡ bỏ biển cấm taxi trên địa bàn vì việc này không phù hợp. Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, taxi là phương tiện vận tải công cộng cần được ưu tiên.
Trước đề nghị trên, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết cơ quan này sẽ họp với các ngành chức năng và báo cáo UBND TP.Hà Nội.
Trước đó, TP.Hà Nội đã cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động trên 11 tuyến phố, gồm: Giảng Võ; Láng Hạ; Lê Văn Lương (theo khung giờ); Khâm Thiên; Hàng Bài (đoạn Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt); Hai Bà Trưng; Phủ Doãn (chiều Hàng Bông - Tràng Thi); Trần Hưng Đạo (từ 6 - 19 giờ, chiều Trần Khánh Dư - Trần Thánh Tông); Nguyễn Văn Cừ (từ ngã ba Hồng Tiến - Nguyễn Văn Cừ đến cầu Chương Dương và cầu Chương Dương từ 6 - 9 giờ chiều từ Long Biên - Hà Nội); Trường Chinh (từ Vương Thừa Vũ - Tôn Thất Tùng); Cầu Giấy - Xuân Thủy; ngõ 897 Giải Phóng…
Bình luận (0)