Hà Nội nghiên cứu xây đập để 'hồi sinh' sông Tô Lịch

09/01/2025 20:04 GMT+7

Cùng với dự án khẩn cấp để 'hồi sinh' sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng nghiên cứu phương án xây dựng đập dâng trên sông Tô Lịch để đồng bộ với dự án bổ cập nước từ sông Hồng.

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi họp nghe báo cáo về công tác triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Hà Nội nghiên cứu xây đập để 'hồi sinh' sông Tô Lịch- Ảnh 1.

Nước sông Tô Lịch có màu xanh khi được bổ cập thử nghiệm nước từ hồ Tây

ẢNH: KHẮC HIẾU

Kết luận thể hiện, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thống nhất phương án xây tuyến ống dẫn nước vào đầu sông Tô Lịch, tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.

Vị trí trạm bơm thu nước tại sông Hồng phải đảm bảo cao độ an toàn khi có lũ và chất lượng nước về sông Tô Lịch.

Giao Sở Xây dựng phối hợp với Văn phòng UBND TP.Hà Nội trao đổi với Văn phòng Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan để báo cáo Thủ tướng chấp thuận triển khai đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Trước đó, Sở Xây dựng báo cáo thành phố phương án xây dựng trạm bơm công suất 3 - 5 m3/s tại P.Phú Thượng (Q.Tây Hồ). Nước từ trạm bơm, theo đường ống đi dọc đường nội bộ trong vùng bãi sông, xuyên qua đê sông Hồng (gầm cầu Nhật Tân, đường An Dương Vương).

Tại đoạn xuyên qua đê dài khoảng 45 m, thành phố sẽ xây dựng cống hộp và lắp đường ống bên trong cống hộp. Vị trí qua đê sẽ có 2 đường ống để dự phòng cho việc nâng công suất trạm bơm lên 5 m3/s.

Sau khi xuyên qua đê, tuyến ống đi qua đảo giao thông, chạy dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại nút giao Hoàng Quốc Việt. Từ đê đến điểm đầu sông Tô Lịch dài khoảng 5,3 km.

Trên đường ống đi song song với đường Võ Chí Công có đầu chờ chia nước để dẫn theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây.

Trong kết luận, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu việc xây dựng đập dâng (đập chữ T; tại vị trí ngã ba sông Tô Lịch gần chùa Long Quang, H.Thanh Trì) đồng bộ với dự án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Đập dâng này nhằm giữ nước cho sông Tô Lịch vào mùa khô, ngăn nước hỗ trợ tiêu thoát nước cho sông Nhuệ vào mùa mưa bão.

Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, có hàng trăm cửa xả nước thải, mỗi ngày nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Để xử lý nước thải 2 bên sông, Hà Nội đã phê duyệt dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng chậm tiến độ và mới vận hành thử nghiệm vào tháng 12.2024 vừa qua.

Để nhanh chóng "hồi sinh" sông Tô Lịch, Hà Nội đang xây dựng dự án khẩn cấp nhằm bổ cập nước sông Hồng vào dòng sông Tô Lịch và đặt mục tiêu vào ngày 2.9, dòng sông này sẽ trở thành "dòng sông thơ mộng". Dự án khẩn cấp có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 550 tỉ đồng, đã được TP.Hà Nội báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.