Hà Nội: Những câu chuyện bên lề kỳ thi Cao đẳng

15/07/2007 15:53 GMT+7

Sáng nay, gần 300.000 thí sinh dự thi môn đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào Cao đẳng 2007 với môn thi tự luận do chính các trường ra đề. Không rầm rộ như kỳ thi ĐH trước đó vài ngày, nhưng trước cánh cổng trường thi, thì luôn có những nụ cười và nước mắt…

Thi Cao đẳng chỉ là một bước dự phòng?

9h45 phút, tại cổng trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội (CĐ SPHN) đã có thí sinh đi ra. Đó là Trần Tiến Công (Ngọc Hà, HN). Công cười nói: “Bài làm thi ĐH của em khá ổn, Toán và Lý em đều làm tốt. Em đã so sánh kết quả rồi nên cũng khá yên tâm. Nhưng do em đã đăng ký thi thêm vào Cao Đẳng Sư phạm nên cứ đi thi cho biết. Đề Toán sáng nay khá dễ nên em ra sớm”.

Cũng như Công, Nguyễn Hoài Nam (Thanh Oai, Hà Tây) dự thi vào trường CĐ Kinh tế - Công Nghiệp I  cho biết: “Em cũng đi thi dự phòng thôi, với lại chiều theo ý của bố mẹ. Học ĐH bây giờ còn khó xin việc chứ nói gì đến Cao đẳng!”.

Lo lắng cho con trong phòng thi - Ảnh: Tạ Hương

Không đồng tình với ý của Nam, một bác phụ huynh gần đấy đã nói ngay: “Cháu nghĩ thế là không đúng, học CĐ hay ĐH thì cũng phải học hành chăm chỉ, có tay nghề, sau này ra trường mới có việc làm. Bây giờ bằng cấp đâu quan trọng gì!”.

Vai đeo một chiếc balô nặng trịch, bác Đặng Thị Nguyệt (quê Vĩnh Phúc) vẫn đang ngóng con từ trong trường thi đi ra góp chuyện: “Cháu nhà tôi năm nay 21 tuổi rồi, 3 năm thi ĐH đều thiếu điểm, năm nay tôi khuyên nó chỉ thi Cao Đẳng cho vừa sức chứ cứ chạy theo ĐH mãi mà không đỗ thì cũng chán. Nghe nói, học CĐ xong vẫn có cơ hội học liên thông lên ĐH, mình cứ học tốt thì thiếu gì cơ hội học lên cao”.

Chính vì rất nhiều trường Cao đẳng hiện này có chính sách liên thông với các trường ĐH nên đã thu hút rất nhiều thí sinh dự thi. Hơn thế, tính chung thời gian học cả CĐ và ĐH bằng với thời gian học ĐH hoặc chỉ chậm hơn cùng lắm là 1 năm so với những thí sinh đỗ ngay vào ĐH.

Bạn Đỗ Việt Phương, thí sinh dự thi vào trường Cao đẳng GTVT, chia sẻ: “Em chọn trường CĐ GTVT vì sau 3 năm sẽ có cơ hội học liên thông lên ĐH. Em biết nếu đi thi vào ĐH ngay thì cánh cửa sẽ hẹp hơn nên lựa chọn con đường vòng này vì có nhiều cơ hội hơn”.

Và những ước mơ bị trì hoãn...

7h50 phút, trước cổng trường CĐ Du Lịch Hà Nội, một thí sinh đang cố xin bảo vệ cho vào thi nhưng vô vọng vì đã quá thời gian làm bài 20 phút! Cô bé đó bật khóc nức nở.

Mỗi người một tâm trạng sau khi thi xong - Ảnh: Tạ Hương

Gạt những giọt nước mắt và cả những giọt mồ hôi trên mặt, Ngoan (nhà ở Đông Anh, HN) dự thi vào trường CĐ Mẫu giáo TW I (địa điểm thi tại trường CĐ Du Lịch) nghẹn ngào: “Hôm qua em đến làm thủ tục thi nhưng em không mang đủ tiền nộp lệ phí vì cứ nghĩ lệ phí thi là 20.000 đồng. Nhưng lệ phí thi của trường này lại là 100.000 đồng. Bố mẹ em không muốn cho em đi thi mà bắt ở nhà làm ruộng, em phải trốn bố mẹ đi thi, nên không dám xin tiền. Hôm nay em mới vay tạm đứa bạn được tiền nhưng đến muộn quá, không kịp thi nữa rồi”.

Một phụ huynh ngồi gần đó cũng cho biết: “Trong giấy báo thi của trường này chỉ ghi đến làm hồ sơ và nộp lệ phí mà không ghi rõ lệ phí là bao nhiêu, nên hôm qua tôi đi làm thủ tục cho cháu cũng bất ngờ vì tiền lệ phí lên tới 100.000 đồng. Khổ thân cô bé, hiếu học mà lại gặp cảnh trớ trêu”...

Tại quán nước cổng trường CĐ SPHN, trong lúc các phụ huynh ngồi bàn tán xôn xao chuyện con mình, thì có một bác trung tuổi ngồi yên lặng, vẻ mặt buồn buồn. Lại gần hỏi chuyện, bác buồn rầu nói: “H. con bác sinh năm 1987, đã học được một năm ở trường Học viện Cảnh sát Nhân dân, nhưng năm vừa rồi, em bị tai nạn nên phải xin nghỉ học bảo lưu. Năm nay sức khỏe vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, nên nó quyết định không trở lại trường nữa mà thi trường khác, phù hợp với sức khỏe hơn. Em nó đăng ký thi vào khoa Hóa, ĐH Tự nhiên và thi thêm khoa Hóa của trường CĐ SPHN”.

Mọi người khi nghe xong câu chuyện đều động viên bố của cậu bé H. và tin rằng với sức học như vậy, H. nhất định sẽ thành công cho dù ở một ngành học khác.

Còn Ngoan, sau khi được sự chia sẻ của mọi người cũng đã bình tĩnh trở lại: “Cháu sẽ thi trung cấp, rồi có cơ hội sẽ học lên Cao đẳng, cháu sẽ không từ bỏ ước mơ của mình mà chịu ở nhà làm ruộng đâu!”. Mọi người đều gật đầu, ủng hộ quyết định của Ngoan.

Tạ Hương - Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.