Phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ KH-ĐT phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức ngày 9.1, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay toàn quốc đã cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; đã phê duyệt hoặc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch vùng, đang hoàn thiện trình 5 quy hoạch vùng.
Đặc biệt, toàn quốc đã hoàn thành thẩm định xong 59/63 quy hoạch tỉnh, trong đó đã phê duyệt 50/63 quy hoạch tỉnh; còn 4 địa phương chưa hoàn thành thẩm định quy hoạch gồm Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, TP.HCM. "Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố lớn, quan trọng của cả nước, việc lập quy hoạch rất phức tạp, đòi hỏi phải làm kỹ lưỡng", ông Dũng nói.
Đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch, GS - TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH kinh tế quốc dân, cho biết dự thảo quy hoạch thủ đô đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Phát triển kinh tế đô thị lấy dịch vụ làm trụ cột và động lực tăng trưởng, phát triển tổng hợp các dịch vụ trên nền tảng không gian số. Theo đó, khu vực lõi của đô thị trung tâm sẽ phát triển các trung tâm thương mại và dịch vụ đời sống phục vụ người dân đô thị kết hợp phục vụ khách du lịch và vãng lai.
Đáng chú ý, quy hoạch định hướng phát triển trung tâm tài chính khu vực phía bắc và của Việt Nam. "Cụ thể, Trung tâm tài chính Hoàn Kiếm giai đoạn đến năm 2030 là nơi đặt trụ sở các tổ chức tài chính lớn với dịch vụ tài chính số làm trung tâm, hệ thống thông tin kết nối, hệ thống đăng ký, kết nối thông tin giao dịch…", ông Cường thông tin thêm.
Đặt hàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, theo ông Cường, quy hoạch thủ đô xác định có 13 tuyến đường bộ cao tốc, 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 168 km, 38 tuyến đường tỉnh với 390 km.
Quy hoạch định hướng phát triển tổng 14 bến xe khách, hiện đã có 6 bến đang khai thác; 8 bến xe tải, hiện đã có 1 bến khai thác. Đối với cầu vượt sông, quy hoạch xác định có 18 cầu vượt sông Hồng (6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư); sông Đuống có 4 cầu đã được hình thành.
Với hệ thống đường sắt, quy hoạch định hướng phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị, 2 tuyến tàu điện một ray (Monorail) và 4 tuyến đường sắt quốc gia kết nối.
Quy hoạch 5 trung tâm logistics lớn bao gồm: trung tâm logistics gắn với sân bay Nội Bài và khu vực phía bắc thành phố; trung tâm logistics đầu mối đường sắt ga Ngọc Hồi; trung tâm logistics hạng II tại cảng Phú Xuyên (cảng sông) hoặc khu vực ga Phú Xuyên (ga đường sắt); trung tâm logistics đường bộ; trung tâm logistics đường thủy nội địa tại Giang Biên.
GS - TS Hoàng Văn Cường cho biết, khuyến khích đầu tư tư nhân là một trong những khuyến nghị nổi bật về cơ chế, chính sách để thực hiện quy hoạch. Cụ thể như đặt hàng cho tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông và vận hành.
Nhà nước thực hiện di dời giải phóng mặt bằng, đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch; cho phép tư nhân đầu tư vào khai thác, quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử theo phương thức đối tác công - tư (PPP)…
Bình luận (0)