Hà Nội ru mình thời miên viễn

19/02/2021 11:02 GMT+7

Với tôi, Hà Nội là một phần ký ức thời miên viễn, những năm tháng sinh viên, yêu và thương Hà Nội đến cháy lòng.

Đội mưa lên Hà Nội

Em ơi đừng lên, nước như thế này nó sẽ cuốn em đi mất. Lời anh nói nhẹ như không. Tôi buông sách bút, lặng lẽ đội mưa lên với Hà Nội. Trận lụt lịch sử năm 2008, một con nhóc gầy gò, xiêu vẹo trong mưa bão. Gió thổi, mưa quật. Chẳng sợ. Cảm giác có gì đó cứ nâng bước chân cô sinh viên nhỏ bé.
Hai bên đường, cây cối lay lắt. Những người xe ôm nép mình vào quán. Không thấy bóng một ai. Chợt một chiếc taxi vù qua, đi nhanh không một dấu vết. Nước bắn lên quần áo. Chiếc ba lô ướt nhẹp. Tiếng điện thoại lại tinh tinh vang lên. Anh nói rồi, em đừng lên, là anh lo cho em thôi không phải là anh không nhớ em. Tôi bỏ điện thoại vào túi, tiếp tục cuộc chinh chiến.
Một chiếc xe ôm vù qua, rồi chợt quay lại. Ê, có đi không. Giờ này không có ai chạy xe đâu, lên đi rồi chú chở tới Hà Nội. Tôi rụt rè. Giá nhiêu chú? Lấy mày sáu chục thôi, biết sinh viên mà. Tôi vội vàng leo lên xe. Suốt dọc đường, chỉ có bóng hai chú cháu. Gió hun hút thổi. Chú bảo chú chỉ chở lên tới đầu đường thôi, còn lại cháu tự lo nhé, nước thế này chú không dám chạy vô. Tôi vâng dạ, ừ à.
Cho đến khi tận mắt thấy một màu trắng xóa trên đường Giải Phóng, thì điều anh nói tôi mới thực sự tin. Hà Nội hào hoa của tôi ơi, bây giờ đang là nước cuồn cuộn chảy. Tôi học theo những người đi đường, bấu víu vào lan can. Cứ vậy nhích dần, nhích dần từng chút một. Con đường Giải Phóng rộng lớn là thế, nay ngập băng trong nước. Đi qua bến xe Nước ngầm, qua tới con đường rẽ vào Trường Chinh thì anh xuất hiện. Anh bảo, nếu nói gan và lì số hai là em, thì nhất định không ai là số một. Tôi cười hì hì. Hà Nội năm đó chuẩn bị vào thu.

Những ngày lụt

Anh đưa tôi đi một vòng, qua đường Láng Hạ, lên Ngã Tư Sở. Rồi lại đi ngược về Ô Chợ Dừa, vòng vào con ngõ nhỏ Hoàng Văn Thái. Chợ vắng hoe, không một bóng người.
Chúng tôi ngồi trên một căn gác nhỏ, nhìn xuống đường. Lần đầu tiên Hà Nội có những chiếc thuyền. Rồi người đi buôn, rao bán rau, thịt trên phố. Thấy cứ ngồ ngộ, thương thương đến lạ. Những người thân quen, luôn miệng câu chưa bao giờ, chưa bao giờ thấy Hà Nội như thế.

Người Hà Nội đi câu một ngày lụt trên bãi sông Hồng

Ảnh Lưu Quang Phổ

Đường Trường Chinh chật hẹp. Vài người thong thả ngồi câu cá. Có những tiếng xì xầm. Hôm qua nắp cống bật, có người bị cuốn trôi. Hôm kia thì điện bị chạm. Có bé mới mười mấy tuổi bị giật. Những tin như thế cứ rỉ vào tai mấy người đi đường. Tôi nghe xon xót ở ngực.
Màng nhện giăng lối. Đúng kiểu bập bùng sau bão giông. Tôi chẳng biết cái câu “Hà Nội không vội được đâu” xuất phát từ thời điểm nào. Nhưng có lẽ trận lũ lịch sử đó, nếu ai đã từng ở Hà Nội thời điểm đó, chắc phải nhích từng bước chân một để về tới nhà, nước ngập tới rốn. Có cái vui. Cũng có cái buồn.
Mưa giăng ngập lối. Suốt một tuần ròng, chúng tôi chỉ đi bộ. Qua mấy con ngõ. Nghe mưa rơi trên đầu. Hà Nội xao xác. Mấy đứa ngồi túm tụm. Đánh bài ăn kẹo. Không gian chật hẹp của những phòng trọ ở Hà Nội ngày bão đầy ắp những tiếng cười. Mấy ngày sau đó, người muốn đi qua đường phải nhờ xe cẩu, xe cứu hộ chạy qua một quãng dài, chở xe đi hết đoạn nước mới có thể lên tiếp tục cuộc hành trình. Giá cả tăng vù vù. Thời điểm ấy, một bó rau muống mười nghìn thì quả đúng cắt cổ. Mấy con lợn được xẻo thịt ra, bỏ lên thuyền rao rổn rảng.

Ký ức

Chẳng phải Hà Nội vẫn luôn hào hoa trong mắt khách viễn du. Một Hà Nội thâm trầm nghìn năm lịch sử. Cổ kính rêu phong, hoài niệm. Nhưng với tôi, Hà Nội là một phần ký ức thời miên viễn. Chính là những năm tháng sinh viên, yêu và thương Hà Nội đến cháy lòng.
Tôi yêu những bản nhạc không lời về Hà Nội. Hoặc những ca khúc hát về Hà Nội do cố ca sĩ Quang Lý thể hiện. Cứ như những lời tha thiết, gọi nhớ về thành phố chiều nao. Có những buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, tôi dậy sớm, pha một tách cà phê, nhấm nháp hơi ấm nóng. Mùi thơm phà vào. Bật chiếc máy lên và nghe nhạc về Hà Nội. Cứ như thế, tự đi hết các mùa trong năm. Chờ khi tiếng ngân dài của đoạn “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ” bài hát Hà Nội ngày trở về của nhạc sĩ Phú Quang vang lên, để lòng lại cồn cào đến lạ.
Có thể mỗi người, đến Hà Nội và yêu thành phố này một cách khác nhau. Nhưng có lẽ đến một lần rồi, sẽ nhớ mãi khôn nguôi, day dứt, khắc khoải một niềm thương nhớ. Mà không hiểu nổi, mình thương nhớ, nhớ thương bởi điều gì. Chỉ khi nhắc thôi, không khỏi thổn thức muốn tìm về.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.