Hà Nội sắp có cá cược đua ngựa?

04/03/2019 08:07 GMT+7

Bộ KH-ĐT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa tại H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội, với điểm đáng chú ý là có nội dung cá cược đua ngựa.

Vốn đầu tư được xã hội hóa tuyệt đối

Theo tờ trình, quy mô dự án được thực hiện trên diện tích 125 ha, với tổng vốn đầu tư gần 9.600 tỉ đồng (tương đương 420 triệu USD). Trong đó, riêng hạng mục trường đua ngựa, dự án này có vốn đầu tư gần 350 triệu USD, xây dựng trên 99,5 ha gồm SVĐ đua ngựa, khán đài với sức chứa 30.000 người. Cùng với đó hệ thống khách sạn 3 sao với 200 phòng, văn phòng cho thuê, nhà hàng; khu biệt thự du lịch nghỉ dưỡng với quy mô 30 căn biệt thự. Bên cạnh đó còn có tổ hợp trung tâm thương mại và hội nghị… Dự án được đề xuất bởi liên danh hai nhà đầu tư Tổng công ty du lịch Hà Nội và Global Consultant Network (Hàn Quốc).
Nếu được phê duyệt, doanh nghiệp (DN) sẽ tiến hành thực hiện đầu tư từ quý 4/2019 và hoàn thành vào đầu năm 2024, được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, việc xây dựng trường đua (giai đoạn 1) sẽ được thực hiện trong 24 tháng để đi vào hoạt động vào quý 3/2021 với tổng chi phí hơn 7.950 tỉ đồng. Giai đoạn 2 dành cho các hạng mục khách sạn, trung tâm thương mại.
Về cơ cấu góp vốn và tiến độ, nhà đầu tư sẽ bỏ ra trên 2.700 đồng, phần còn lại được vay từ các tổ chức tín dụng. Trong đó, trên 1.900 tỉ sẽ được góp trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Số hơn 800 tỉ còn lại được huy động góp toàn bộ bằng tiền mặt theo tiến độ dự án và trong số này, phía đối tác VN có trách nhiệm góp 15% bằng tiền mặt nhưng sẽ được nhà đầu tư Hàn Quốc góp thay. Về tiến độ giải ngân, với hạng mục đua ngựa (7.950 tỉ) được giải ngân từ cuối 2018 đến quý 3/2021.
Theo các hồ sơ mà UBND TP.Hà Nội gửi kèm, khả năng góp vốn của nhà đầu tư được chứng minh bằng thư hỗ trợ tài chính của Tập đoàn Charmvit với số tiền hơn 113 triệu USD kèm theo xác nhận của các ngân hàng. Cùng với đó là ý định thư cho vay của một chi nhánh tại Hà Nội thuộc Ngân hàng Shinhan Bank với hạn mức đến 360 triệu USD. Tuy nhiên, khi thẩm định, Bộ KH-ĐT đề nghị UBND TP.Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư làm việc với các ngân hàng để cụ thể hóa bằng các hợp đồng tín dụng trong trường hợp dự án được chấp thuận.

Tín hiệu vui cho những dự án đang “đắp chiếu”

Dự án xây dựng trường đua ngựa tại Sóc Sơn không phải dự án mới, bởi chủ đầu tư đã được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm từ hơn chục năm trước. Tuy nhiên, sau đó do khung pháp lý chưa hoàn thiện nên dự án bị dừng lại suốt từ năm 2007 và chỉ khởi động lại từ cuối năm ngoái, sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.Hà Nội đến 2020, định hướng đến 2030.
Đây cũng không phải là dự án đầu tiên về đua ngựa, đua chó xét trên cả nước bởi thực tế, có một vài DN đã mở trường đua như tại Vũng Tàu (năm 2001), tại TP.HCM (năm 2004) hay Lâm Đồng (2017).
Nhiều năm trước, trường đua ngựa Phú Thọ tại TP.HCM đã phải đóng cửa vĩnh viễn mà một trong những lý do cơ bản là không thể kinh doanh cá cược hợp pháp (Chính phủ mới chỉ cho phép thực hiện cá cược thông qua Nghị định 06 ban hành đầu năm 2017).
Hiện tại, trường đua ngựa Madagui (Lâm Đồng) cũng đang tạm… “đắp chiếu” vì vẫn chưa thể xin được giấy phép hoạt động trường đua ngựa có cá cược. Nhà đầu tư của trường đua này đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng cải tạo, san lấp mặt bằng và đã xây dựng hẳn một hệ thống chuồng nuôi ngựa, nhập cả ngựa đua ở nước ngoài về, tổ chức tour kết hợp giải trí với du lịch, đưa hẳn công nghệ tiên tiến của thế giới về đặt cược đua ngựa để sẵn sàng thí điểm tổ chức. Tuy nhiên vì vài yếu tố pháp lý nên vẫn... nằm chờ trong hơn 2 năm qua.
Ông Hoàng Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đua ngựa Thiên Mã Madagui (Lâm Đồng), cho biết: “Tờ trình của Bộ KH-ĐT về trường đua ngựa tại Sóc Sơn là một tín hiệu rất mừng cho cả các DN khác như chúng tôi vì nếu Chính phủ phê duyệt thì dự án tổ chức trường đua ngựa có cá cược tại Madagui cũng sẽ tiến tới được cho phép. Về vốn đầu tư, công ty chúng tôi sẽ bỏ ra 1.055 tỉ đồng - hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu được nêu trong Nghị định 06 là DN phải cần 1.000 tỉ đồng”.
Ông Bảo chia sẻ thêm về doanh thu, Madagui dự kiến lũy tiến hằng năm để đến năm thứ 10 đạt con số gần 208 triệu USD. Còn nộp ngân sách, đến năm thứ 10, sẽ nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) khoảng 7,332 triệu USD, thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 14,350 triệu USD, thuế thu nhập DN khoảng gần 2,3 triệu USD - tổng cộng của riêng năm thứ 10 là gần 24 triệu USD và nộp ngân sách trong 10 năm vào khoảng 145 triệu USD.
Nếu được Chính phủ sớm phê duyệt giấy phép, trường đua Madagui sẽ tiến hành cá cược thông qua các hình thức: cá cược tại trường đua, qua điện thoại, ngoài trường đua với khoảng hơn 70 đại lý. “Chúng tôi vẫn đang rất sốt ruột chờ đợi giấy phép vì còn phải thông qua một số bộ có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ Công an”, ông Bảo nói.

Doanh thu hàng nghìn tỉ đồng

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho biết khi dự án đua ngựa ở Sóc Sơn (Hà Nội) đi vào hoạt động, doanh thu bình quân từ hoạt động đặt cược, tham quan, nghỉ dưỡng sẽ đạt khoảng 4.800 tỉ đồng/năm và số nộp ngân sách hằng năm trên 1.500 tỉ đồng. Còn số tiền thu từ cho DN thuê đất thực hiện dự án trong 50 năm là 403 tỉ đồng. Đó là chưa kể tác dụng thúc đẩy thị trường bất động sản, dịch vụ ăn theo khu giải trí cũng như giải quyết việc làm cho người dân.
Với đề xuất đáng chú ý nhất là tổ chức đặt cược đua ngựa, Bộ KH-ĐT cho biết, mục tiêu này không thuộc danh mục đầu tư cấm kinh doanh, nhưng thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, yêu cầu đặt ra là DN phải đáp ứng các điều kiện đầu tư đặt cược đua ngựa theo quy định tại Nghị định 06 năm 2017 về đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế. Bộ KH-ĐT khẳng định, trong hồ sơ nhà đầu tư đã có phương án hoạt động trường đua lẫn đặt cược, bao gồm hệ thống điều hành cuộc đua, kế hoạch quản lý ngựa đua, tổ chức cuộc đua, thể chế giải thưởng, kế hoạch mua ngựa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.