|
Bãi rác Nam Sơn quá tải
21 giờ 15 tối 10.4, cả trăm chiếc xe tải chở rác của các xí nghiệp, công ty môi trường đô thị trong nội đô, nối đuôi nhau, nhằm hướng quốc lộ 35 thẳng tiến về bãi rác Nam Sơn (nằm trên địa bàn 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tuyến đường 35 liên xã vốn ít xe vận tải hàng hóa, hành khách qua lại, dân cư thưa thớt, nhưng chúng tôi liên tục phải đánh lái tránh những ổ trâu, ổ gà. Một lái xe chở rác với gần chục năm hành nghề cho biết mỗi ngày có tới một nghìn lượt xe rác nặng tới hai, ba chục tấn quần thảo trên đường 35 suốt từ sáng tới tối, như thế mặt đường không xấu, không xuống cấp, không xuất hiện ổ trâu, ổ chó... mới là chuyện lạ.
Dưới cơn mưa phùn tầm tã suốt ba ngày, hàng trăm chiếc xe tải chở rác quần thảo trên đoạn đường dẫn lên đỉnh đổ rác. Ô đổ rác số 7 ngập bùn đất, bùn cao ngập quá mắt chân. Trước cảnh tượng này, chẳng còn cách nào khác, tôi phải mượn bác công nhân đôi ủng, gửi chiếc xe máy ngoài cổng bảo vệ và vẫy một chiếc chở rác... xin đi nhờ. Cách đỉnh đổ rác ô số 7 hơn trăm mét, gần chục chiếc xe tải chở rác chậm chạp nhích từng vòng bánh.
“Lại tắc đường, lại phải đợi rồi mới được đổ đây. Bảo giữa phố phường thủ đô, tắc đường thì dân tình họ còn tin, đằng này, toàn xe chở rác chuyên dụng lên bãi đổ rác với nhau mà cũng tắc đường, nói chẳng ai tin. Mấy năm trước đổ dưới ô số 1, 2, 3... rác ít, xe ít nên cứ băng băng mà chạy, rồi chỉ cần đánh cua, ghé “đít” trút đánh ào cái là về. Giờ mỗi năm rác lại nhiều hơn, xe chở rác cũng vì thế mà đông hơn, trong khi các ô sắp hết đất để chôn lấp nên cứ phải lên cao dần, đường càng khó đi, phải tránh nhau, tắc đường là điều đương nhiên”, lái xe Hải phân bua với tôi trong lúc đợi tới lượt trút rác.
Theo ông Cao Xuân Thìn, Phó giám đốc Khu liên hợp chất thải Nam Sơn, ô chôn rác số 7 một nửa đã được sử dụng hết, chỉ còn lại phần diện tích 3,025 ha, trong khi chiều cao tới đỉnh so với mặt đất đo được là 35m. “Khủng” tới vậy, nhưng ông Thìn lại lo lắng: “Cũng chỉ tầm hai tháng nữa là ô đổ rác này sẽ phải đóng cửa, không thể chôn thêm rác”. Trước đó, các ô 1, 2, 4, 5 được coi là “khủng” cũng đều đóng cửa khi rác chôn đạt tới độ cao 39m, nghĩa là cũng chỉ còn 4m nữa để “khai tử” ô 7.
Giai đoạn đầu khi mới đưa vào hoạt động (đầu những năm 2000), lượng rác trung bình một ngày được đưa tới Nam Sơn để chôn lấp chỉ là 1.126 tấn, đến năm 2010 lượng rác trung bình đã là 3.372 tấn/ngày. Và cũng tại thời điểm bãi rác Nam Sơn đưa vào khai thác, nhà chức trách dự tính Nam Sơn có thể chứa rác trong vòng 25 - 30 năm, lượng rác tiếp nhận tối đa là 3.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nay lượng rác hằng ngày đều vượt 4.200 tấn.
Ông Thìn cho biết, Khu liên hợp chất thải Nam Sơn được thiết kế với 9 ô chôn, lấp rác thải với tổng diện tích lên tới 83,3 ha nhưng tới thời điểm hiện tại chỉ còn lại 8,435 ha làm nơi chứa rác thải cho toàn thành phố. Cụ thể ô số 9 rộng 5,41 ha và 1/2 diện tích của ô 7 là 3,025 ha. "Nếu bãi rác không kịp thời được mở rộng diện tích, thì chỉ hết năm 2011, nhiều khả năng bãi rác Nam Sơn sẽ “đóng cửa”, ông Thìn nói.
Dân khốn khổ
Ông Cao Xuân Thìn cho biết mỗi ô được sử dụng để chôn lấp rác tại Nam Sơn được đào sâu 9m so với mặt đường, trước khi tiến hành đầm nén đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đáy các hố chôn rác được trải, tráng một lớp vải địa kỹ thuật (nhập ngoại), tiếp theo là một lớp đất sét 50 cm lại được đầm, gạt phẳng trước khi một lớp cát, sỏi được rải lên để nhằm lọc kỹ hơn nước từ rác thải, trước khi thoát ra hồ lưu chứa. Hiện tại, ở đây có một nhà máy xử lý nước rác thải.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thọ, một người dân xóm 20, xã Nam Sơn, sống cách bãi rác khoảng 100m, môi trường xung quanh khu vực bãi rác đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. “Ở đây quanh năm hôi thối, nước sinh hoạt có mùi, giếng đào đầy ắp nước nhưng chẳng hộ nào dám múc lên để dùng, mà phải thuê thợ về khoan giếng. Trong khi ruồi nhặng bay từng đàn, chưa hết, suốt đêm máy ủi, xe tải bên bãi rác hoạt động ầm ầm nên cuộc sống của người dân vô cùng căng thẳng”, ông Thọ nói. Cũng theo ông Thọ, gần chục năm nay, lượng rác chôn ở Nam Sơn ngày một nhiều, năng suất cây màu giảm rõ rệt, khiến cuộc sống nhà nông càng khó khăn hơn.
Cô Nguyễn Thị Hoàn, một hộ dân khác trong xóm, nhà cách tường rào, và mương chứa nước thải đen ngòm của bãi rác Nam Sơn không quá 100m, cho biết: “Nếu kinh tế đủ mạnh thì tôi cũng chuyển đi từ lâu rồi”. Theo cô Hoàn, con suối Cầu Lai bao nhiêu năm được dùng để cung cấp nước tưới tiêu đã bị ô nhiễm trầm trọng. Có thống kê cho biết từ khi có bãi rác, tỷ lệ những người mắc bệnh về tai mũi họng tăng 70%, đường ruột tăng 15%, người dân trong xã mắc bệnh cúm, hô hấp cũng tăng nhiều. Còn theo Trưởng xóm 19, 20, ông Vũ Tuấn Lực, do không chịu nổi cảnh ô nhiễm, đã có trên 10 trong tổng số 88 hộ dân trong xóm phải chuyển nhà đi nơi khác sinh sống.
Hà An
Bình luận (0)