Hà Nội sẽ giám sát chặt kỳ thi THPT quốc gia để kết quả công bằng nhất

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/06/2018 16:00 GMT+7

Trao đổi với phóng viên ngay trước kỳ thi THPT quốc gia 2018 , ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định quyết tâm thực hiện thật nghiêm túc kỳ thi này để đánh giá đúng về chất lượng dạy học.

Bài học sau sự cố lọt đề
Ông Chử Xuân Dũng cho biết: "Với khoảng 80.000 thí sinh dự thi, địa bàn thi trải rộng trên 30 quận, huyện, thị xã, chúng tôi đã tổ chức tập huấn kỹ lưỡng cho tất cả các lãnh đạo điểm thi, yêu cầu các lãnh đạo điểm thi triển khai tập huấn cho các giáo viên làm nhiệm vụ coi thi, kể cả danh sách chính thức và danh sách dự bị. Về công tác in sao đề thi, cơ sở vật chất điểm thi, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn tất".
Sau sự cố lọt đề thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn thành phố vừa qua, Hà Nội sẽ tăng cường giám sát như thế nào trong kỳ thi sắp tới, thưa ông?
Ông Chử Xuân Dũng: Sau sự cố lọt đề rất đáng tiếc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, chúng tôi coi đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc. Việc chỉ đạo, nhắc nhở, quán triệt dù đã tiến hành đầy đủ nhưng vẫn cần nhấn mạnh rất kỹ về ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ coi thi.
Bên cạnh đó, công tác an ninh, giám sát sẽ được tăng cường, việc nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ giám thị trong mỗi phòng thi sẽ được đặc biệt coi trọng. Không chỉ giám sát nghiêm túc thí sinh mà còn phải kiểm soát chặt chẽ từng hành vi của mỗi cán bộ, nhân viên trong phòng thi, điểm thi.
Theo tôi, bản thân mỗi thí sinh cũng chính là một cán bộ coi thi vì các cháu dùng kết quả đó để xét tuyển đại học. Do đó, mỗi việc làm thiếu chuẩn mực của giám thị sẽ đều được thí sinh phản ánh. Tôi nhớ năm ngoái, chỉ vì một đề thi trắc nghiệm bị nhầm mã đề, nhưng do thao tác, xử lý của giám thị chậm, đã ảnh hưởng đến giờ làm làm bài của một thí sinh. Sau kỳ thi, cha mẹ học sinh đã “theo kiện” tới 3 tháng, vì họ cho rằng con họ đã bị ảnh hưởng tâm lý thi cử, bị mất thời gian làm bài…
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội ẢNH TUỆ NGUYỄN
Với mỗi cán bộ và giám thị tham gia giám sát kỳ thi, ông có lưu ý gì?
Mỗi kỳ thi đều có những tình huống xảy ra khó có thể tiên lượng hết. Tuy nhiên, sự cố gắng tập trung và trách nhiệm của mỗi thành viên trong khi làm nhiệm vụ coi thi thì sẽ khắc phục được hạn chế, thiếu sót. Để sau đó chúng ta không phải giải quyết hậu quả.
Bản thân giám thị phải thấu hiểu trách nhiệm của mình vì mỗi sơ suất của một giám thị sẽ ảnh hưởng tới cả ngành GD-ĐT, tới thí sinh và giáo viên cả nước.
Tôi đề nghị lãnh đạo điểm thi nắm chắc các công việc điều hành, tổ chức học tập, quán triệt quy chế tới tất cả các cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại điểm thi của mình. Sau mỗi buổi thi, đều có chấn chỉnh, nhắc nhở, rút kinh nghiệm những điểm chưa tốt của buổi thi trước.
Tôi nhấn mạnh tới kỷ cương phòng thi bởi tất cả các sự cố hay gian lận thi cử đều xảy ra hầu hết trong phòng thi. Việc coi thi của giám thị cần được triển khai một cách nghiêm túc, có sự giám sát, theo dõi và phát hiện những tình huống vi phạm của học sinh.
Tôi tin rằng, nếu giám thị làm tròn trách nhiệm của mình theo đúng quy chế thì không một thiết bị tinh vi nào có thể qua mắt được giám thị ở các phòng thi. Làm thế nào để giám thị không nỡ, không dám và không muốn làm sai vì chính trách nhiệm và danh dự của mỗi người.
Bên cạnh giáo viên phổ thông thì còn có cả cán bộ, giảng viên đến từ các trường đại học. Tôi mong sự phối hợp đó sẽ ngày càng phát huy hiệu quả để chúng ta có một kết quả thi công bằng nhất.
Không có khái niệm coi thi nơi “lỏng”, nơi “chặt”
Thưa ông, Hà Nội có chỉ đạo và giám sát ra sao để tất cả các điểm thi đều thực hiện quy chế thi một cách nghiêm túc, công bằng nhất, tránh tình trạng điểm thi này thì coi lỏng, điểm thi kia thì coi chặt?
Chúng tôi không có khái niệm “coi lỏng, coi chặt”. Tôi khẳng định Hà Nội sẽ thực hiện quy chế thi một cách nghiêm túc nhất. Trước đây, khi Bộ GD-ĐT chưa yêu cầu bắt buộc tráo giáo viên, trộn học sinh giữa các trường thì Hà Nội đã triển khai điều này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nói điều đó để khẳng định, ý thức trách nhiệm với GD-ĐT của Hà Nội nói chung và với kỳ thi này nói riêng luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi sẽ kiên quyết không vì thành tích hay vì kết quả cao của học sinh mà làm bất cứ điều gì mà quy định không cho phép. Chúng tôi rất mong muốn tổ chức kỳ thi một cách khách quan nhất để qua đó đánh giá được chất lượng dạy học ở các nhà trường.
Như ông nói, Hà Nội quyết tâm làm nghiêm túc, nhưng dư luận cũng lo ngại, kỳ thi THPT quốc gia có 63 tỉnh, thành là 63 hội đồng thi do chính mỗi tỉnh thành đó chủ trì, nên có thể mức độ coi thi ở mỗi nơi có sự khác nhau. Vậy, ông có đề nghị gì để tất cả các hội đồng thi trên cả nước đều đảm bảo có một kết quả thi công bằng nhất, tránh “thiệt thòi” cho thí sinh ở những nơi thực hiện quy chế thi nghiêm túc nhưng ở nơi khác thì không?
Với sự chỉ đạo thống nhất của Bộ thì tôi tin và rất mong muốn tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều thực hiện nghiêm túc. Mỗi địa phương nỗ lực để tạo niềm tin với xã hội về kết quả đánh giá chất lượng giáo dục của chính ngành GD-ĐT. Không nên và không thể vì một đơn vị mà ảnh hưởng tới cả ngành GD-ĐT.
Ông có nhắn nhủ gì với thí sinh của Hà Nội trong kỳ thi này?
Các thí sinh hãy thật sự yên tâm, bởi từ khâu coi thi, chấm thi đều được Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, công bằng nhất. Do vậy, các em hãy tập trung tâm thế làm thật tốt bài thi của mình, tuyệt đối không vô tình hay cố ý nghĩ tới việc mang các vật dụng không được phép vào phòng thi hoặc các hành vi vi phạm quy chế thi.
Hiệu trưởng của giám thị làm lọt đề thi cũng bị xem xét trách nhiệm
Ông Chử Xuân Dũng cho biết, việc thầy giáo Nông Hoàng Phúc làm lọt đề thi vào lớp 10 của cả 2 môn văn và toán vừa qua đã khiến cả ngành GD-ĐT bị ảnh hưởng do ý thức quá yếu kém của một giám thị. Người dân có quyền suy nghĩ và nghi ngờ…
Vì vậy, theo ông Dũng, lãnh đạo UBND thành phố đã đề nghị, bên cạnh việc xử lý nghiêm giám thị trực tiếp làm lọt đề thi, sẽ phải xử lý do thiếu trách nhiệm cả giám thị coi thi cùng phòng thi với thầy giáo Nông Hoàng Phúc, vì thấy đồng nghiệp của mình có hành vi sai trái mà không kịp thời phản ánh, ngăn chặn.
Ngay cả hiệu trưởng của trường học nơi cử giám thị này đi thi cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm vì việc tuyển chọn, cử giáo viên đi coi thi chưa cẩn trọng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.