Có thể đóng cửa từ 26.7
Sở GTVT vừa có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội các phương án xin ý kiến về việc di dời bến xe Lương Yên theo kiến nghị của Công ty TNHH MTV lương thực Lương Yên. Đây là bến xe xã hội hóa được mở từ 12 năm trước, theo đề nghị của Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên (nay là Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên), với quy mô hơn 10.000 m2.
Tuy nhiên, đến tháng 10.2010, công ty mẹ của Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên là Tổng công ty lương thực miền Bắc đã đề nghị ngành giao thông sắp xếp lại các tuyến để chuyển đổi gần 5.600 m2 sang làm nhà cao tầng và đã được chấp nhận. Thế nhưng, gần 2 năm sau đó, ngành lương thực tiếp tục kiến nghị chấm dứt hoạt động toàn bộ bến xe để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trước phản ứng của dư luận và khó khăn trong việc sắp xếp luồng tuyến của khoảng 300 xe đang khai thác ổn định, cơ quan quản lý chưa thể đồng ý với đề nghị “xóa sổ” bến xe.
Cuối tháng 7.2013 Sở GTVT công bố bến xe này sẽ khai thác thêm gần 3 năm và sẽ kết thúc hoạt động vào ngày 26.7.2016.
Trả lời Thanh Niên ngày 20.5, tức gần 10 ngày sau khi Sở GTVT trình kế hoạch với thành phố, Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh cho hay "Thành phố vẫn chưa có ý kiến" về vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông Linh, lần này nếu doanh nghiệp quyết đóng cửa bến xe để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì Nhà nước cũng khó cản, vì hiện nay mới chỉ có quy định: việc mở hoặc đóng bến thì doanh nghiệp cần ra thông báo trong một khoảng thời gian nhất định trước đó mà thôi.
Vì thế, khả năng cao hết ngày 26.7 tới đây, bến xe Lương Yên sẽ chính thức đóng cửa sau 12 năm hoạt động.
Hai phương án đều gặp khó
Tại văn bản xin ý kiến thành phố, Sở GTVT dự kiến 2 phương án di dời xe khách sang các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, phương án 1 là sẽ điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận. Ưu điểm của kế hoạch này góp phần giảm ùn ứ giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái (phía trước bến xe), song hạn chế là làm xáo trộn nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như tăng ùn ứ giao thông sang các bến xe tiếp nhận, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị vận tải đang khai thác tại bến xe này.
Phương án thứ 2 là chờ đến khi bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) đang được Tổng công ty Vận tải triển khai, đủ điều kiện tiếp nhận, thì điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên sang. Theo Sở GTVT, với cách làm này, sẽ ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải vì điều chuyển nguyên trạng sang bến xe mới. Tuy nhiên, thời gian sẽ phải chờ đợi lâu hơn vì còn phụ thuộc tiến độ đầu tư xây dựng bến xe Cổ Bi. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện chủ đầu tư bến xe Cổ Bi là Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) cho hay, dự án này mới trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. "Nếu suôn sẻ thì năm nay sẽ xong công việc giải phóng mặt bằng và kế hoạch là đưa vào hoạt động khoảng năm 2020", một lãnh đạo của Transerco thông tin.
Trao đổi về những bất cập nêu trên, ông Linh cho rằng, đối với một ngành nghề kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến nhiều người thì cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia. "Nhưng điều này cần được chế tài trong nghị định hoặc ít nhất là thông tư chứ cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương khó có thể đặt điều kiện", ông Linh nói.
Bình luận (0)