Trận động đất có độ lớn M7.7 ở Myanmar không chỉ gây ra sự tàn phá khủng khiếp ở đất nước này mà với thủ đô Bangkok của Thái Lan, nơi cách tâm chấn khoảng 1.000 km về phía nam, trận động đất cũng đã gây nên thảm họa.
Theo Bangkok Post, số người thiệt mạng do ảnh hưởng của động đất ở Bangkok đã lên ít nhất 18 người, trong đó có 10 người tại công trình tòa nhà 30 tầng bị sập, và 78 người đang mất tích.
Khoảng cách từ tâm chấn trận động đất M7.7 tại Myanmar tới Hà Nội và Bangkok đều khoảng 1.000 km
ẢNH: QUÝ HIÊN
Hà Nội cũng cách tâm chấn Myanmar khoảng 1.000 km về phía đông, nhưng người dân Hà Nội chỉ cảm nhận được có sự rung lắc như có động đất, cũng chỉ có những người sống trên các tầng cao của các tòa cao ốc mới cảm nhận được.
Hà Nội, TP.HCM có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi động đất từ xa không?
Cơ chế nào khiến công trình bị phá hủy bởi động đất từ xa?
Theo PGS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam, phá hủy trong động đất có hai loại. Một loại do nằm ngay trên đường đứt gãy. Khi xảy ra động đất, bề mặt bị gãy (bị phá hủy) tạo sự dịch chuyển, giới chuyên môn gọi là trượt.
Loại phá hủy thứ hai là do dao động nền, tức là sóng địa chấn lan đến chân công trình tạo ra hiệu ứng dao động cưỡng bức. Đối tượng trực tiếp của sự phá hủy này các công trình, các tòa nhà cao tầng. Tòa nhà càng cao thì rung lắc càng mạnh. Trường hợp Bangkok có thể thuộc diện phá hủy do dao động nền.
"Về hiện tượng sập nhà 30 tầng ở Bangkok, theo tôi có thể tính đến 3 nguyên nhân. Thứ nhất là nền đất yếu. Vì khu vực nền đất cực yếu, dao động nền bị khuếch đại lên rất nhiều lần, có lúc 4 - 5 lần hoặc lớn hơn.
Thứ hai, có thể xuất hiện hiện tượng hóa lỏng do tác động của dao động nền đối với nền đất yếu ngậm nước bão hòa. Thứ 3, do thiết kế xây dựng không tuân thủ kháng chấn và kết cấu kém chịu lực", PGS Cao Đình Triều phân tích.
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học về trái đất, Viện hàn lâm KH-CN Việt Nam cũng cho rằng, tòa cao ốc ở Bangkok bị sập có thể do trong quá trình lan truyền, sóng địa chấn gặp sự cộng hưởng, tạo ra cường độ dao động mạnh lên công trình.
Hà Nội và TP.HCM có nguy cơ chịu tác động của động đất từ xa không?
Theo PGS Cao Đình Triều, khi phân vùng động đất, các nhà chuyên môn đều tính đến các yếu tố động đất tại chỗ và động đất từ xa. Hà Nội là nơi không có nền đất yếu như Bangkok nhưng lại nằm ngay trên các nét đứt gãy sông Hồng và sông Chảy, có nguy cơ chịu động đất tại chỗ với độ lớn tối đa khoảng M6.0.
Còn động đất từ xa thì mạnh nhất có đới đứt gãy Sagaing (nguy cơ cực đại là M8.5), nơi vừa xảy ra động đất ở Myanmar. Nhưng như trên đã phân tích, sóng địa chấn của đứt gãy Sagaing lan truyền theo chiều kinh tuyến (chiều dọc), vì vậy dù khoảng cách từ Hà Nội đến tâm chấn động đất M7.7 ở Myanmar vừa rồi tưởng như tương tự Bangkok (đều 1.000 km), nhưng lực của sóng dao động nền lan tới Hà Nội yếu đi rất nhiều.
TP.HCM thì có tính chất nền đất tương tự Bangkok, nhưng rất may lại ở quá xa đới đứt gãy Sagaing. Nếu chịu ảnh hưởng động đất từ xa thì TP.HCM sẽ phải "cảnh giác" với các đới đứt gãy phía nam, ở Indonesia hoặc Malaysia. Tuy nhiên, các nhà khoa học địa chất Việt Nam cũng tính toán và thấy sự tác động này sẽ không mạnh. Có chăng thì chỉ có nguy cơ sóng thần với các địa phương ven biển.
PGS Cao Đình Triều cho biết thêm, ông đã từng tham gia đề tài phân vùng vùng động đất ở TP.HCM, đề tài kết thúc năm 2009. Trong đề tài, các nhà chuyên môn có xét đến nguy cơ hóa lỏng nền đất, dao động nền. Kết quả cho thấy không có gì nghiêm trọng với TP.HCM.
Còn theo TS Nguyễn Xuân Anh, sau thảm họa do động đất từ xa của Bangkok thì câu hỏi liệu Hà Nội có nguy cơ tương tự cần được nghiên để tìm câu trả lời.
"Hà Nội không chịu tác động mạnh từ trận động đất Myanmar như Bangkok vừa rồi, không có nghĩa là có thể khẳng định Hà Nội không chịu rung lắc cường độ mạnh nào. Có thể cũng có điểm ở Hà Nội mà sóng địa chấn lan tới nhưng là nơi không có tòa chung cư nào hoặc không có người, cũng không có trạm đo, nên chúng ta không biết được", TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Cũng theo ông, với ảnh hưởng của động đất từ xa, trong điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay, thông thường sau khi có thiệt hại chúng ta mới đánh giá được. Còn với các đứt gãy phía nam Đông Nam Á, về cơ bản là không đáng lo.
Có thể là khi có động đất lớn ở Philippines thì gây sóng thần ở bờ biển Việt Nam, nhưng phải sau khoảng 2 tiếng đồng hồ, chứ không ngay sau đó như với lan truyền sóng địa chấn trong nền đất.
Bình luận