Hà Nội trồng mới 500.000 cây xanh, thí điểm trồng bổ sung hoa ở phố cổ

11/03/2023 16:42 GMT+7

Giai đoạn từ năm 2021 - 2025, UBND TP.Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 500.000 cây xanh đô thị. Thành phố sẽ thí điểm trồng bổ sung hoa, cây xanh kết hợp trang trí mặt tiền của tầng trên tại khu vực phố cổ (năm 2023 - 2024).

Theo kế hoạch vừa được Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn ký, ban hành, năm 2023, thành phố đặt mục tiêu trồng mới hơn 133.000 cây xanh; năm 2024 trồng gần 146.000 cây xanh; năm 2025 trồng hơn 118.000 cây xanh. Trước đó, từ năm 2021 - 2022, thành phố đã thực hiện trồng mới hơn 100.000 cây xanh.

Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 500.000 cây xanh, thí điểm trồng ở phố cổ - Ảnh 1.

Từ năm 2023 - 2024, Hà Nội sẽ thí điểm trồng bổ sung hoa, cây xanh kết hợp trang trí mặt tiền của tầng trên tại khu vực phố cổ

NGUYỄN TRƯỜNG

Trong năm 2023, Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, xấu, già cỗi; thay thế cây xanh không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố, trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện...

Ngoài ra, thành phố cũng trồng cây mảng, tạo khóm cảnh quan tại các tuyến phố trên địa bàn các quận; trồng cải tạo dải xanh, cải tạo môi trường tại các trục quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ảnh hưởng bán kính 500 m khu xử lý rác thải Xuân Sơn (TX.Sơn Tây); trồng cây xanh tại các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông ở 5 huyện sắp lên quận, gồm: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng.

Những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục trồng bổ sung cây xanh ở các dự án giao thông, công viên, vườn hoa và 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng.

Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 500.000 cây xanh, thí điểm trồng ở phố cổ - Ảnh 2.

Giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP.Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 500.000 cây xanh đô thị

NGUYỄN TRƯỜNG

Kế hoạch nêu cụ thể các danh mục cây xanh trồng trong đô thị gồm cây bóng mát (bàng lá nhỏ, ban Tây Bắc, chiêu liêu, sấu, giáng hương, muồng vàng…) và cây trang trí (cọ cảnh, chà là, cau bụi, hoa giấy, tường vi…).

Khi trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào các vị trí trống hoặc có cây chết, đổ gãy trên các tuyến phố, Hà Nội yêu cầu phải lựa chọn cây chủ đạo thuộc danh mục cây đô thị. Việc trồng bổ sung, thay thế cây xanh phải đảm bảo nguyên tắc về khoảng cách, đảm bảo mật độ, tránh gây phản cảm trong dư luận...

Đặc biệt, theo kế hoạch, thành phố sẽ thí điểm trồng bổ sung hoa, cây xanh kết hợp trang trí mặt tiền của tầng trên tại khu vực phố cổ (năm 2023 - 2024); trồng thí điểm bổ sung hoa, cây xanh mặt đứng, bồn cây sát tường công trình ở khu phố có kiến trúc Pháp (năm 2023 - 2025).

Hà Nội khuyến khích các cơ quan, hộ gia đình trang trí cây xanh, thảm cỏ, hoa dọc vỉa hè theo quy cách thống nhất, tạo cảnh quan đô thị; xây dựng giải pháp sắp xếp lại việc để xe máy đảm bảo mỹ quan đường phố.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, Hà Nội hiện có 1,7 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu. Tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội đạt khoảng 2 m2/người; trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt, tỷ lệ cây xanh đô thị tối thiểu khoảng 6 - 7 m2/người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.