Hà Nội: Trường THPT Chu Văn An sẽ trở thành trường chuyên?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/10/2023 17:40 GMT+7

Trường THPT Chu Văn An xây dựng đề án để trở thành trường THPT chuyên thay vì trường THPT công lập có lớp chuyên như hiện nay.

Hôm nay 28.10,Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) tổ chức hội thảo xây dựng đề án Trường THPT chuyên Chu Văn An. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, đã báo cáo đề án xây dựng nhà trường thành trường THPT chuyên, trong đó nêu các căn cứ pháp lý và sự cần thiết của đề án.

Hà Nội: Trường THPT Chu Văn An sẽ trở thành trường chuyên?  - Ảnh 1.

Một góc Trường THPT Chu Văn An, ngôi trường tròn 115 tuổi

GIANG HUY

Theo báo cáo, hiện nay, nhà trường có 57 lớp với 2.176 học sinh ở 4 mô hình, gồm: lớp chuyên, lớp phổ thông, lớp song ngữ và lớp học theo chương trình đào tạo song bằng tú tài quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc. Địa bàn tuyển sinh của nhà trường là học sinh từ các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra.

Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, bên cạnh những điểm mạnh về bề dày truyền thống lịch sử và kết quả giáo dục, do vẫn hoạt động như trường THPT không chuyên nên nhà trường có một số khó khăn như thiếu giáo viên dạy một số môn chuyên; chưa có chính sách học bổng và chế độ khen thưởng đối với học sinh, giáo viên lớp chuyên; thiếu nguồn kinh phí đào tạo bồi dưỡng học sinh.

Theo dự kiến lộ trình xây dựng Trường THPT Chu Văn An thành trường chuyên: các mô hình khác lớp chuyên của trường (phổ thông, song ngữ, song bằng) tiếp tục duy trì đến hết năm học 2026 - 2027. Từ năm học 2027 - 2028, nhà trường chỉ tổ chức lớp chuyên. Khi trở thành trường chuyên, nhà trường đề nghị tiếp tục được tuyển sinh học sinh lớp 9 khu vực phía bắc (từ Thanh Hóa trở ra) với điều kiện có kết quả xếp loại học tập, rèn luyện đạt mức tốt.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định sự cần thiết cũng như căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn của đề án. Hiện nay, Trường THPT Chu Văn An hoạt động theo quy chế của trường bình thường và là một trong hơn 121 trường công lập của Hà Nội chứ không nằm trong hệ thống trường chuyên.

Tuy nhiên, nhà trường lại đang tổ chức thực hiện cả nhiệm vụ của trường chuyên. Chất lượng giáo dục cũng như các điều kiện hiện nay về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo… là những thuận lợi cơ bản để trường THPT Chu Văn An trở thành trường chuyên. Theo đó, nguồn lực đầu tư cho nhà trường cũng như các chính sách cho giáo viên và học sinh sẽ được nâng cao và thuận lợi hơn.

Không thể tồn tại mô hình trường thường có lớp chuyên

Hà Nội có 4 trường THPT trực thuộc Sở GD-ĐT hằng năm tuyển sinh hệ chuyên, gồm: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây. Tuy nhiên, trong đó có 2 trường là THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây không được gọi là trường THPT chuyên, dù hằng năm tuyển hệ chuyên nhiều hơn hệ không chuyên. 

Cụ thể, năm học mới đây nhất, Trường THPT Chu Văn An tuyển tới 10 lớp cho 10 môn chuyên với 350 chỉ tiêu hệ chuyên và 315 chỉ tiêu hệ không chuyên (7 lớp). Trường THPT Sơn Tây tuyển 9 lớp chuyên với 315 học sinh, nhưng chỉ tuyển 6 lớp không chuyên với 270 học sinh.

Tuy nhiên, chính sách học bổng dành cho học sinh chuyên của Hà Nội lâu nay chỉ áp dụng với học sinh của 2 trường là THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ với lý do 2 trường còn lại dù có lớp chuyên nhưng không được gọi là trường chuyên.

Như vậy, Hà Nội đang tồn tại tới 2 trường THPT không được gọi là trường chuyên nhưng cũng không thể nói đây là THPT công lập bình thường, vì các lớp chuyên của các trường này còn nhiều hơn so với hệ không chuyên.

Hơn nữa, đối chiếu với Thông tư 32 về điều lệ trường THCS và THPT do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2020 thì thấy không có điều khoản nào cho phép có lớp chuyên trong trường THPT không chuyên. Trong khi đó, thông tư mới về hoạt động của trường THPT chuyên của Bộ GD-ĐT cũng không cho phép có lớp không chuyên trong trường chuyên.

Thời điểm Bộ GD-ĐT sửa quy định về trường chuyên với quy định mới bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Hà Nội cần làm rõ 2 trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây là trường chuyên hay trường không chuyên. Nếu theo mô hình nào thì phải tuân thủ đúng quy định dành cho loại hình trường đó, tránh sự tồn tại nửa chuyên, nửa không chuyên như hiện nay.

Nếu Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây trở thành trường chuyên chỉ tiêu tuyển sinh hệ không chuyên của 2 trường như trước đây sẽ không còn. Do vậy, để bảo đảm chỗ học cho học sinh, yêu cầu đặt ra là Hà Nội cần thành lập các trường THPT công lập mới ở những địa bàn này để đảm bảo nhu cầu học đại trà của người dân.

Ngôi trường 115 tuổi

Trường THPT Chu Văn An (tiền thân là trường Bưởi) được chính quyền Pháp thành lập năm 1908. Hơn một thế kỷ đã trải qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, tên gọi trường Bưởi - Chu Văn An vẫn luôn hiện hữu trong trái tim biết bao thế hệ học trò, thầy cô giáo, và trong cả tấm lòng của người dân thủ đô với hình ảnh một ngôi trường yên bình, thơ mộng bên bờ Hồ Tây.

Đặt những mốc son trên hành trình phát triển là những tấm gương của phong trào "Dạy tốt - Học giỏi" của thế hệ đi trước: Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường… Những người thầy với trí tuệ và sự nhiệt thành với nghề đã đặt nền móng và tạo động lực cho môi trường giáo dục chất lượng cao được Trường THPT Chu Văn An duy trì và phát huy cho tới ngày nay.

Năm 1995, Trường THPT Chu Văn An tự hào trở thành một trong ba trường THPT trọng điểm quốc gia.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.