Ý thức phòng dịch của người dân lỏng lẻo hơn trước
Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 17.8, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Trương Quang Việt cho biết, ngày 16.8, Hà Nội ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính là nữ bệnh nhân V.H.C (25 tuổi, nhân viên ngân hàng, F1 của bệnh nhân 962), nâng tổng số ca mắc trong cộng đồng tại thành phố lên 10 ca.
Cộng dồn từ đầu đợt dịch thứ 3 này đến nay, tổng các F1 được rà soát trên địa bàn là 542 trường hợp, trong đó, 535 trường hợp đã cho kết quả âm tính. Số F2 lên tới hơn 2.000 người, đã được khuyến cáo cách ly tại nhà.
Về tiến độ xét nghiệm cho người từ Đà Nẵng về từ ngày 15.7 đến nay, tổng mẫu xét nghiệm Hà Nội đã lấy là 50.602, trong đó 28.478 mẫu đã cho kết quả âm tính, chưa phát hiện trường hợp dương tính nào. 16 huyện đã hoàn thành việc lấy mẫu.
"CDC đi kiểm tra thì một số đơn vị chưa có phương án khi Covid-19 lây lan rộng, giám sát đã có phần lỏng lẻo hơn so với giai đoạn trước", ông Việt nói. CDC Hà Nội cũng đề nghị trong bối cảnh dịch này nên chỉ định xét nghiệm PCR cho người già yếu, cô đơn, nằm trong khu nuôi dưỡng tập trung, bệnh nhân khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân nhiều bệnh nền như tai biến mạch máu não, bệnh nhân tim mạch nặng…
Một số quận, huyện, trong đó có Q.Thanh Xuân cũng nhận định là người dân có phần chủ quan hơn trước. "Có lẽ chúng ta phải áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa ở nơi công cộng. Dịch đã phát sinh ở cộng đồng, nguy cơ lây lan có thể trong thời gian ngắn nữa, nên các hoạt động tại công viên, vườn hoa, tập thể dục buổi sáng, buổi chiều, quán ăn cũng phải hạn chế", lãnh đạo Q.Thanh Xuân kiến nghị.
Người có bệnh nền không nên ra khỏi nhà
Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, hiện có một bộ phận chưa thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, còn tập trung đông người, đặc biệt ở các hàng quán.
"Hiện nay, số người bị nhiễm bệnh ở các hàng quán tương đối nhiều. Vừa rồi, ở Hà Nội có quán bia Lộc Vừng; ở Hải Dương thì có quán Thế giới bò tươi. Nhưng thực tế, có vẻ như các nhà hàng chưa có động thái trong thực hiện giãn cách, các hàng ghế vẫn giữ nguyên và mỗi bàn có 6 ghế, được kê sát vào nhau, giữa các bàn không có khoảng cách.
Đây là vấn đề cần quyết liệt và xử lý nghiêm. Nếu như không thực hiện bố trí bàn ghế đúng quy định chống dịch thì có thể đình chỉ. Các nhà hàng nên chấp nhận số khách vào ít hơn mà không có dịch, còn hơn phải đóng cửa", ông Hiền đề nghị.
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã đồng ý với đề xuất trên. Theo đó, ông Quý yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra.
"Thống nhất với đề xuất của Sở Y tế, các nhà hàng ăn uống, quán bia hơi và giải khát phải thực hiên giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1 m, nếu có vách ngăn thì rất tốt, toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang suốt quá trình phục vụ, phải có máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn", ông Quý yêu cầu.
Từ 0 giờ ngày 19.8, tất cả cửa hàng ăn uống, cà phê, giải khát thực hiện nghiêm các nội dung trên.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng khuyến cáo người có bệnh lý tim mạch, bệnh nền, người nguy cơ cao không nên ra ngoài, trừ trường hợp thật cần thiết.
Cũng có mặt tại buổi họp này, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, người được giao phụ trách điều hành thay ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, vừa bị tạm đình chỉ công tác), khuyến cáo người dân "cố gắng không nên ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang".
"Đề nghị các quận, huyện làm mạnh hơn nữa việc xử phạt không đeo khẩu trang. Trước tình hình này, không thể lơ là vì nguy cơ tiềm ẩn là đáng lo ngại... Các quận, huyện huy động thêm lực lượng để kiểm soát nhà hàng, quán sá, cần thiết thì xử phạt mạnh hơn, cần thiết thì đóng cửa nếu không tuân thủ các yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh", ông Sửu chỉ đạo.
Bình luận (0)