(TNO) TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đã bị Bộ Tài chính nêu đích danh trong thông báo gửi chiều ngày 3.2, khi để doanh nghiệp trên địa bàn thiếu nghiêm túc trong việc kê khai và chậm giảm giá cước.
Xăng giảm giá nhưng doanh nghiệp chây ì không giảm giá cước, Hà Nội và Hòa Bình bị "bêu" tên - Ảnh: D.Đ.M
|
Sau khi dư luận lên tiếng dồn dập, người dân bày tỏ bức xúc, liên tiếp những ngày vừa qua, 3 Đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đã đi từng địa phương để rà soát lại tình hình giảm giá cước vận tải.
Báo cáo mới nhất chiều 3.2 cho thấy, một số địa phương có doanh nghiệp thiếu nghiêm túc trong việc đăng ký và kê khai giá, chậm giảm giá cước làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Cụ thể, ngay sau khi có số liệu từ đoàn kiểm tra gửi về, Bộ Tài chính đã ban hành khẩn cấp 2 công văn gửi cho Hà Nội, Hòa Bình. Tại Hà Nội, qua kiểm tra tại bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm cho thấy một số doanh nghiệp vận tải của Hà Nội chậm giảm giá cước so với các doanh nghiệp khác. Đặc biệt, một số tuyến vận tải cố định (Hà Nội - TP.HCM và tuyến Thanh Hoá - Hà Nội) còn đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng đề nghị từ 20 - 60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết.
Tại bến xe Nước Ngầm có 32/88 doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá vé với mức giảm từ 2 - 20%, trong đó có 2 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Một số tuyến vận tải cố định (TP.HCM - Hà Nội và tuyến Quảng Ngãi - Hà Nội) đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng đề nghị là 40 - 60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết.
“Như vậy, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, công văn của Bộ Tài chính nêu rõ.
Tương tự, theo báo cáo sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 23 đơn vị vận tải (bao gồm cả xe bus, taxi), chạy trên 115 đầu tuyến. Trong thời gian giá xăng dầu giảm mạnh, Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải đã có các văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá. Qua đó, đã có 34 đầu tuyến cố định của 11/23 doanh nghiệp kê khai giảm giá với mức giảm từ 4 - 20% tùy từng đầu tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai giảm giá với lý do các chi phí đầu vào tăng cùng với các khó khăn về nhu cầu hành khách giảm trên các đầu tuyến địa phương.
Bộ Tài chính kết luận, trên địa bàn này vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Bình luận (0)