Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên được UBND TP.Hà Nội ban hành theo Chương trình số 02/CTr-UBND về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC và CNCH; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế thiếu sót trong công tác này.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ. Chủ động trong công tác dự báo tình hình; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu và chủ động đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác PCCC và CNCH.
Các cơ quan cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền về PCCC và CNCH; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH cùng các lĩnh vực có liên quan mật thiết đến công tác PCCC và CNCH; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, CNCH.
Đồng thời, tăng cường xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đảm bảo ngân sách cho hoạt động PCCC; đầu tư trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, CNCH phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Mở rộng quan hệ quốc tế về PCCC; đẩy mạnh xã hội hóa trong PCCC.
UBND thành phố yêu cầu phải luôn xác định công tác PCCC và CNCH có vị trí, vai trò và là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô, phải thực hiện một cách bài bản, thường xuyên, liên tục. Trong thực hiện công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, lấy phòng là "cơ bản - chiến lược - lâu dài", phòng ngừa cháy, nổ phải từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy.
Cạnh đó, phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời xác định rõ nội dung công việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đoàn thể, UBND các cấp… đảm bảo việc tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất. Quá trình thực hiện phải lồng ghép phù hợp với công tác chuyên môn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.
Thời gian vừa qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hồi tháng 9.2023, tại Q.Thanh Xuân xảy ra vụ cháy chung cư mini 9 tầng làm 56 người chết. Mới đây, ngày 15.1, tại Q.Hoàn Kiếm xảy ra vụ cháy lúc rạng sáng khiến 4 người tử vong.
Bình luận (0)