Trên quốc lộ 46 từ đường Hồ Chí Minh lên cửa khẩu Thanh Thủy dài 21km, chúng tôi thấy trên đường chủ yếu là… lâm tặc. Cứ mươi phút, lại có 2-3 xe máy phóng lên hướng cửa khẩu, chở lâm tặc vào rừng. Bên tuyến đường tuần tra biên giới bằng bê tông gần cửa khẩu, những khúc gỗ to nhưng rỗng ruột bị lâm tặc vứt lại nằm la liệt, vết cưa còn rất mới. Chúng tôi lần theo đường mòn do lâm tặc kéo gỗ để lên cánh rừng phía tây con đường tuần tra. Rất nhiều cây táu to đã bị chặt, chỉ còn trơ gốc. Một số khúc gỗ còn nằm ngổn ngang.
|
Ngày 23.9, khi trở lại con đường này, chúng tôi thấy thêm một cây gỗ lớn vừa bị hạ, cách đường tuần tra chỉ vài chục mét. Cây gỗ có thể vừa bị chặt đêm qua, cành lá còn chưa héo. Một số khúc rỗng cũng được chừa lại, mùn cưa đầy bên đường. Tất cả cho thấy lâm tặc có đủ thời gian để hạ cây, cắt khúc, xẻ thành phách mà không gặp trở ngại nào. Rời khu vực này, chúng tôi nghe tiếng cưa máy réo liên tục từ cánh rừng phía đông, hình như có 2-3 chiếc cưa cùng hoạt động, như trong một xưởng mộc. Lần đường đến nơi phát ra tiếng cưa, chúng tôi phải trở về vì rừng rất dốc, cây bụi chằng chịt không lối đi.
Cuối tháng 8 vừa qua, các PV của Đài Truyền thanh - Truyền hình Thanh Chương đã ghi được hình xe tải chở gỗ lậu từ cửa khẩu Thanh Thủy về xuôi giữa ban ngày. Khi xe qua trạm kiểm lâm Thanh Thủy, một cán bộ kiểm lâm hạ sào chắn kiểm tra. Tuy nhiên sau khi gọi điện thoại cho ai đó, anh này đã nâng sào chắn cho xe qua. |
Chiều hôm sau, tiếng cưa máy đã nhỏ hơn, bởi đám lâm tặc đã chuyển sang cánh rừng khác. Con đường tuần tra vẫn không bóng người, dấu vết lâm tặc để lại vẫn còn nguyên. Xuôi QL46, chúng tôi phục kích bên sông Rộ, cách cửa khẩu Thanh Thủy chừng 11km. Chả mấy lúc, xuất hiện một nhóm 3 người cùng 4 cây gỗ trên sông. Họ thả cho gỗ trôi, khi bị mắc cạn thì lội xuống đẩy. Ngược lên thượng nguồn vài cây số, lại gặp thêm một nhóm khác gồm 6 người đang dẫn 7-8 cây gỗ về xuôi, họ làm việc thản nhiên như đang đi… bắt cá.
Cách trạm kiểm lâm chừng 4 cây số, trời đã sắp tối, nhóm lâm tặc lên bờ ngồi nghỉ, có lẽ để đợi trời tối hẳn. Chúng tôi quay về, lại gặp thêm bốn người đi hai xe máy chở theo 2 thanh gỗ to, dài hơn 2 mét. Cách trạm chừng 3 km, xe tấp vào một nhà dân bên đường, bỏ gỗ xuống. Đáng ngạc nhiên là trên đường vào rừng, chúng tôi thấy một tiệm trưng biển “sửa cưa máy” cạnh một hiệu sửa xe máy chuyên nâng cấp giảm xóc, hẳn là để lâm tặc vận chuyển gỗ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Lan, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thanh Thủy cho biết: đây là khu rừng có trữ lượng gỗ táu (gỗ quý nhóm 2) khá lớn. Theo đó, quản lý người vào rừng là do bộ đội biên phòng, quản lý rừng thì gồm ba chủ, trong đó rừng phòng hộ là của Tổng đội TNXP 5 và Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Thủy. Ông Lan cho biết ở đây có tình trạng phá rừng, nhưng ông ngạc nhiên khi chúng tôi kể lại những gì mắt thấy tai nghe: “Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện gồm công an, kiểm lâm và cán bộ rừng phòng hộ đã làm việc trên đó từ ba ngày nay mà”. Chỉ tay về phía hai đống gỗ trước sân, ông Lan trần tình: “Mới có mấy ngày mà trạm đã thu giữ chừng đó. Lâm tặc liều lắm, chúng đã nhiều lần tấn công anh em chúng tôi. Trên đường thì chúng cho người cầm dao chạy trước để bắt anh em kiểm lâm phải cho đồng bọn chở gỗ bằng xe máy, xe lôi qua trạm. Dưới sông thì chúng đi ban đêm, anh em phát hiện thì chúng dùng đá ném lại để tẩu tán”.
Khánh Hoan
Bình luận (0)