Hạ sốt, coi chừng bệnh trở nặng

19/11/2012 09:44 GMT+7

Một bệnh nhi (9 tuổi) được đưa vào bệnh viện vì tay chân lạnh. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốc sốt xuất huyết nặng, phải truyền nước biển khẩn cấp bằng cách bơm dịch truyền thẳng vào mạch máu của cháu trong vòng 15 phút, sau đó cháu ra khỏi sốc. Sau hai ngày, cháu hồi phục dần và ra viện.

Mẹ bệnh nhi cho biết cháu sốt liên tục bốn ngày, tới ngày thứ năm thì tự nhiên hết sốt, sờ trán thấy mát, tay chân cũng mát luôn. Tưởng cháu hết bệnh nên không đưa cháu đi tái khám và thử máu như lời dặn của bác sĩ, để cháu đi học thêm đến tối mới về. Về tới nhà cháu than mệt, không ăn cơm, rồi than đau bụng, ói, nên chờ tới sáng mẹ mới đưa cháu đi bệnh viện. Khi vào bệnh viện mới biết là con mình bị nặng quá, lúc đó mẹ cháu mới run muốn... té xỉu.

Theo các bác sĩ, nếu cháu bỗng nhiên hạ sốt thì có hai tình huống xảy ra: một là thật sự khỏi bệnh, hai là bệnh đang chuyển biến sang giai đoạn nặng. Nếu khỏi bệnh sẽ kèm theo dấu hiệu ăn ngon, hết sốt liên tục hai ngày, tỉnh táo, sinh hoạt bình thường. Còn như bệnh diễn biến nặng thì hết sốt kèm theo mệt mỏi, lừ đừ, ăn uống kém, đau bụng, nôn ói, chân tay lạnh như vừa bị mắc mưa ở ngoài trời mới vào nhà vậy.

Trong sốt xuất huyết, sở dĩ nhiệt độ hạ khi bệnh trở nặng là vì bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn quá nhiều do thất thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch máu, làm giảm tưới máu ở ngoại biên như các đầu chi, ngoài da, sờ ngoài da thấy lạnh giá, ấn ngón tay lên da thấy da vùng đó nhạt đi và chậm trở lại như cũ. Bà con phải theo dõi kỹ nhiệt độ cho bé nhiều ngày liên tục, tốt nhất là sau bảy ngày.

Theo BS Nguyễn Thành Úc / Tuổi Trẻ

>> Chấn chỉnh bác sĩ bỏ bê phòng khám
>> VN cần bổ sung 34.000 bác sĩ
>> Croatia điều tra 350 bác sĩ nhận hối lộ của công ty dược
>> Kỷ vật lạ lùng của một cựu bác sĩ quân y Mỹ
>> Bác sĩ trẻ tình nguyện về huyện nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.