Mùa trước, Romelu Lukaku (Chelsea) “lập kỷ lục” chỉ chạm bóng 7 lần dù đá đủ 90 phút trong một trận đấu ở Premier League. Đấy là tận đáy của nỗi thất vọng dành cho cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Chelsea.
Bây giờ, có một câu chuyện hơi tương đồng theo vẻ ngoài, nhưng chắc chắn là khác hẳn về mặt bản chất. Erling Haaland - một trong những ngôi sao mới đáng chú ý nhất ở Premier League mà
Man City vừa tậu được trong mùa chuyển nhượng hè 2022 - chỉ chạm bóng 8 lần trong trận gặp Bournemouth ở vòng đấu cuối tuần qua (Man City thắng 4-0 trên sân nhà).
Dù số lần chạm bóng trên sân rất ít nhưng Haaland (giữa) vẫn đóng góp rất lớn cho thành công của Man.City |
REUTERS |
Không thể chế giễu Haaland. Nhưng chỗ thú vị ở đây là, ngay cả giới chuyên cũng khó thống nhất nhận định về hiện tượng “Haaland chỉ chạm bóng 8 lần”. Đấy là vấn đề lối chơi, nhưng là vấn đề của riêng Haaland, hay Man City, hay Pep Guardiola? Nhìn vào số liệu thống kê lạnh lùng, bạn đánh giá cao một tiền đạo chạm bóng rất ít mà vẫn ghi bàn, hay một tiền đạo chạm bóng thật nhiều? Haaland, với đặc điểm ít chạm bóng vừa được thể hiện rõ, sẽ gây ảnh hưởng theo chiều hướng nào đến Man City?
Bản thân Guardiola xem chừng cũng đã tự mâu thuẫn khi ông tuyển mộ Haaland trong mùa hè này. Triết lý tiki-taka, gắn chặt với sự nghiệp huấn luyện của Guardiola, là: nếu như quả bóng luôn ở trong chân mình, thì đối phương làm sao ghi bàn? Vậy có tồn tại triết lý tương tự: một tiền đạo sẽ ghi được bao nhiêu bàn nếu anh ta chỉ chạm bóng 8 lần?
Có lúc, Haaland không hề chạm bóng trong 27 phút liên tục. Trớ trêu ở chỗ, Man City là đội có lối chơi dựa trên nền tảng giữ bóng. Tổng cộng, Man City chạm bóng 842 lần, riêng Haaland (đá 75 phút) chạm bóng… 8 lần! Nhưng hãy thận trọng, nếu bảo Haaland là “cầu thủ thừa”. Anh cũng không tồn tại trên sân chỉ để xem đồng đội chuyền bóng cho nhau. Ngược lại là đằng khác!
Đáng lẽ Haaland đã ghi bàn trong vòng 10 phút đầu tiên. Phil Foden chỉ cần chuyền ngang, trong phạm vi khoảng 3 m, Haaland đã có thể nhẹ nhàng đẩy bóng vào lưới trống. Thay vào đó, Foden ham ghi bàn nên tự mình dứt điểm và thất bại. Guardiola nói sau trận, về Foden trong tình huống ấy: “Đáng lẽ anh ta phải chuyền”. Tám phút sau đó, Haaland mới thật sự có lần chạm bóng đầu tiên. Và đấy chính là tình huống mà anh chuyền bóng cho Ilkay Gundogan ghi bàn! Chỉ được chạm bóng chưa đến chục lần thì đấy có vẻ là một thất bại. Nhưng nếu 2 lần chạm bóng đầu tiên lại là 2 pha tham gia trực tiếp vào khâu ghi bàn, thì lại là thái cực ngược lại?
Haaland không cần chạm bóng, nhưng anh liên tục di chuyển và chiếm lĩnh những khoảng trống tuyệt vời nhất, trong các tình huống quan trọng nhất. Foden mà xử lý thông minh hơn (chuyền cho Haaland), thì vấn đề thậm chí chẳng phải là Haaland sẽ ghi bàn, mà là Haaland giúp Foden có một đường chuyền thành bàn! Huyền thoại Johan Cruyff từng nói một câu bất hủ, đại khái là trận đấu kéo dài 90 phút nhưng bạn chỉ có bóng trong khoảng 3 phút. Bạn làm gì trong 87 phút không có bóng mới là điều quyết định bạn tài giỏi như thế nào.
Ở trận ra quân tại Premier League, Haaland cũng chạm bóng rất ít, nhưng anh ghi cả 2 bàn, giúp Man City thắng West Ham 2-0. Rắc rối ở chỗ, anh phải được tạo cơ hội. Lối chơi trực tiếp và cách di chuyển rất khôn ngoan của Haaland sẽ trở nên vô nghĩa nếu đồng đội không chuyền. Thật ra, Foden xử lý tình huống kém khi anh không chuyền cho Haaland (chứ chẳng phải ích kỷ).
Bình luận (0)