Hacker có thể tấn công 40% website VN: Đừng lơ là, chủ quan

05/08/2016 09:02 GMT+7

Bài Hacker có thể tấn công 40% website VN đăng trên Thanh Niên ngày 4.8 đã nhận được rất nhiều ý kiến từ bạn đọc.

Đừng lơ là, chủ quan !
Đọc bài phỏng vấn ông Ngô Tuấn Anh, tôi thấy những cảnh báo của vị này rất hay và là bài học kinh nghiệm quý đối với người sử dụng máy tính. Những lỗi lơ là, chủ quan trong việc bảo mật thông tin, bảo mật mạng máy tính của một doanh nghiệp (DN) như chúng tôi đôi khi sẽ tự mình làm lộ kế hoạch làm ăn hoặc ảnh hưởng đến quá trình điều hành. Đề phòng hacker tấn công không chỉ là việc thỉnh thoảng mới làm mà phải liên tục, có vậy mới yên tâm.
Hà Văn Công (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Tự giác chấp hành
Mỗi cá nhân làm việc trong các cơ quan đơn vị nhà nước hay trong các DN cần hết sức cảnh giác với việc click vào những trang web lạ, những địa chỉ thư điện tử không quen biết… vì sẽ rất dễ bị xâm nhập. Hầu như người nào sử dụng máy tính cũng hơn một lần bị vi rút “nhảy” vào quấy phá, nặng hơn là bị hacker đánh cắp thông tin. Vì vậy, vấn đề bảo mật thông tin của cơ quan, đơn vị nơi mình làm việc phải được tự giác chấp hành, để không gây ảnh hưởng, thiệt hại đến công việc chung.
Lê Hoàng (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Cần được xem là an ninh quốc gia
Con số 40% website tồn tại lỗ hổng có thể bị xâm nhập là quá lớn. Điều này cho thấy nguy cơ bị đánh cắp thông tin hoặc bị quấy nhiễu luôn là sự đe dọa cho các cơ quan, đơn vị như hàng không, ngân hàng… Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn, Chính phủ cần có động thái quyết liệt, có dự án ở cấp quốc gia để ngăn chặn xâm nhập vào mạng máy tính, nhất là đối với các website quan trọng. Vấn đề này phải được xem là an ninh quốc gia. Vụ hacker xâm nhập vào hệ thống của Vietnam Airlines ngày 29.7 vừa qua cho thấy vẫn còn có sự chủ quan trong việc quản trị các mạng máy tính.
Mạnh Dũng (H.Thuận An, Bình Dương)
       
Đối với các DN, đặc biệt là vừa và nhỏ, nếu chưa có nhân sự để đảm bảo an ninh mạng thì việc cấp bách đầu tiên là phải dự phòng các dữ liệu quan trọng trước nhằm đảm bảo hệ thống của mình có thể phục hồi nếu chẳng may gặp sự cố. Để chuyên nghiệp trong quản trị an ninh mạng thì ưu tiên vẫn là có nhân sự chuyên trách để đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn. Nếu chưa thể có được nhân sự này thì có thể sử dụng các dịch vụ cho thuê nguồn nhân lực từ các đơn vị uy tín... Bên cạnh đó, DN cần tham khảo tư vấn ở các đơn vị chuyên môn về an ninh mạng.
Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm đào tạo  quản trị và an ninh mạng Athena)
 
       
Hiện có nhiều nơi đào tạo về lĩnh vực an ninh mạng. Một số trường đại học đã có chuyên ngành riêng về an ninh mạng. Trong lĩnh vực này, nhân lực thực sự chuyên sâu về an ninh mạng không nhiều, một phần cũng do đặc thù và nhu cầu xã hội. Chỉ có những tổ chức nào thấy được tầm giá trị của dữ liệu kinh doanh, hình ảnh DN trên thương trường thì mới quan tâm đến an ninh mạng. Việc trang bị kiến thức an ninh mạng không khó, người dùng bình thường cũng có thể học được. Vì vậy, để bảo đảm an ninh mạng, các DN nên tìm đến những trung tâm uy tín để liên hệ đào tạo.
Lê Đình Nhân (Giảng viên an ninh mạng tại TP.HCM)
An Phong -  Duy Khang  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.