Cùng mẹ luyện mindmap
Chứng kiến các con phải học vất vả, cô Nguyễn Thị Phượng, cựu giáo viên dạy toán ở Lào Cai, tham khảo và tìm ra ứng dụng 5 Phút Thuộc Bài trên mạng xã hội vào cuối năm 2020 và tham gia khóa học trực tuyến về phương pháp học tập của Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, Chủ tịch Tổ chức Mindmap Việt Nam và Giáo sư Marek Kasperski, Trưởng ban Trọng tài toàn cầu của Giải vô địch Sơ đồ tư duy và Đọc nhanh thế giới.
Ba mẹ con cùng vẽ mindmap |
Từ đó, cả cô Phượng và hai con bắt đầu hành trình khám phá, học và rèn luyện phương pháp sơ đồ tư duy (mindmap). Vào dịp hè năm 2021, cô Phượng động viên con gái Phạm Hồng Anh (8 tuổi) và con trai Phạm Xuân Hòa (11 tuổi) tham gia cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, cả hai đều vào vòng chung kết. Hồng Anh là F2 cách ly theo công văn tỉnh, Xuân Hòa đoạt giải 3. “Lúc đó, tôi chỉ muốn các con rèn tính kiên trì. Tuy nhiên, hai con đã có cơ hội gặp được nhiều thầy giỏi về mindmap nên tiếp tục cố gắng rèn luyện để chinh phục cuộc thi năm 2022”, cô Phượng kể.
Thế là, ba mẹ con tiếp tục hành trình rèn luyện vẽ sơ đồ tư duy, chuẩn bị sẵn sàng cho Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 dành cho học sinh từ lớp 1-12, kéo dài từ tháng 6 - 12.
“Trong quá trình đồng hành cùng hai con, nhận thấy lợi ích của mindmap và “5 phút thuộc bài”, tôi nghỉ việc ở trường học để theo đuổi và giờ đây trở thành Nhà đào tạo Sơ đồ tư duy”, cô Phượng nói.
Trích tiền thưởng làm từ thiện
Trong khuôn khổ cuộc thi năm nay, hằng tuần, Xuân Hòa và Hồng Anh mỗi người phải vẽ một mindmap theo chủ đề do ban tổ chức đưa ra. “Dù cuộc thi kéo dài nhưng em vẫn có thể sắp xếp thời gian. Mỗi ngày đi học về, em vẽ mindmap ôn tập kiến thức trên lớp, chuẩn bị bài mới rồi mới bắt đầu vẽ bài thi tuần”, Xuân Hòa cho hay.
Một mindmap của Xuân Hòa |
Để có thể gửi video trình bày mindmap cho giám khảo, Xuân Hòa, nam sinh lớp 6 Trường THCS Khánh Yên (Lào Cai), tự mình mày mò cách quay, biên tập video bằng ứng dụng trên điện thoại và máy vi tính.
Bên cạnh đó, Xuân Hòa còn hỗ trợ phần quay video bài thi của em gái Hồng Anh, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Khánh Yên (Lào Cai). “Được anh trai hướng dẫn, Hồng Anh có lúc tự biên tập video, thậm chí làm tốt hơn cả mẹ”, cô Phượng tự hào nói.
Cô Nguyễn Thị Phượng đứng bên cạnh một số sơ đồ tư duy của học sinh trong gian trưng bày của khối 5 chào mừng 20.11 tại Trường tiểu học Kim Đồng, Lào Cai |
NVCC |
Sau nhiều tuần nỗ lực, hai anh em Xuân Hòa và Hồng Anh cùng 104 học sinh từ lớp 1-12 đã xuất sắc vượt qua hơn 12.000 thí sinh trên cả nước để bước vào vòng chung kết Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) hôm 18.12. Đây là cuộc thi do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp Viện Kỷ lục Việt Nam tổ chức, với sự đồng hành của Bộ GD-ĐT và sự tài trợ của Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực và được Báo Thanh Niên bảo trợ truyền thông.
“Trong buổi thi chung kết, em vẽ mindmap về bài Vương quốc cổ Chăm Pa từ thế kỷ thứ 10, thời gian làm bài là 60 phút. Bài này em chưa học trên lớp nhưng chỉ dành khoảng 7 phút đọc tài liệu rồi bắt tay vào vẽ sơ đồ tư duy”, Xuân Hòa kể.
Kết quả là, hai anh em Hồng Anh và Xuân Hòa xuất sắc giành giải vô địch lần lượt ở khối lớp 3 và 6, mỗi em được thưởng 10 triệu đồng, huy chương vàng, cúp vô địch và giấy khen.
Nữ vô địch Hồng Anh nói: “Em có thể tự tin hoàn thành sớm bài thi chung kết nhờ vào quá trình rèn luyện trong các vòng thi suốt 6 tháng qua. Em thật sự rất vui và bất ngờ khi đạt giải nhất”.
Một mindmap của Phạm Hồng Anh |
Nhận xét về các thí sinh đạt giải nhất năm nay, ông Nguyễn Phùng Phong nói: “Năng lực của những nhà vô địch năm nay hoàn toàn có thể so sánh với bạn bè thế giới và chúng ta có thể tự tin rằng các em sẽ đạt thành tích trong những cuộc thi quốc tế sắp tới. Sau cuộc thi, các nhà vô địch sẽ tiếp tục được đào tạo để tham gia những giải thi đấu Sơ đồ tư duy trong khu vực và thế giới, đồng thời trở thành những “đại sứ” lan tỏa phương pháp mindmap để việc học trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng hơn”.
Sau cuộc thi, hai nhà vô địch Sơ đồ tư duy trích một phần tiền thưởng để mua quà tặng cho 10 bạn có hoàn cảnh khó khăn và một bệnh nhân ung thư ở viện K Hà Nội. “Em muốn chia sẻ phần nào với những bạn có hoàn cảnh khó khăn”, Hồng Anh nói.
Trong nỗ lực lan tỏa sơ đồ tư duy sau cuộc thi, hai anh em Xuân Hòa và Hồng Anh chia sẻ cách vẽ mindmap với thầy cô và bạn bè trong trường. Xuân Hòa nói: “Từ khi biết phương pháp mindmap, việc học của em ở trường trở nên nhẹ nhàng hơn và không phải thức khuya học bài, có thời gian làm việc nhà, có thời gian vui chơi... Nếu các bạn đang gặp khó khăn trong việc học thì hãy thử áp dụng sơ đồ tư duy. Mình làm được thì chắc chắn các bạn cũng sẽ làm được”.
Hãy cho con trải nghiệm mindmap
Một số phụ huynh cho rằng con em mình đã quá tải với chương trình học phổ thông và băn khoăn liệu rằng có nên cho con học thêm phương pháp mindmap hay không.
Giải đáp băn khoăn này, cô Nguyễn Thị Phượng cho biết, một khi học sinh đã nắm vững quy luật thì mindmap trở thành một công cụ không chỉ giúp các con học tập nhẹ nhàng, nhớ lâu mà còn giúp phát triển khả năng tư duy. “Mindmap không phải là môn học thêm mà có thể được ví như là “vitamin bổ sung” giúp học sinh hấp thụ kiến thức tốt hơn. Các bậc phụ huynh hãy thử cho con em mình trải nghiệm mindmap”, cô Phượng nói.
Ngoài ra, đội học sinh do cô Phượng huấn luyện cũng đã bước vào vòng ghi hình trong hạng mục đồng đội của Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022. Năm nay, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức cuộc thi Sơ đồ tư duy dành cho đội nhóm theo hình thức game show truyền hình.
Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 đặc biệt còn có sự góp mặt của Giáo sư Marek Kasperski, Trưởng ban Trọng tài toàn cầu của Giải vô địch Sơ đồ tư duy và Đọc nhanh thế giới; thầy Dominic O’Brien, tượng đài Siêu trí nhớ với 8 lần vô địch thế giới, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về trí nhớ, Trưởng ban Đạo đức cuộc thi Siêu trí nhớ thế giới; ông Teo Kim Foo, Chủ tịch Hội đồng Thể thao trí nhớ thế giới Malaysia - Phó chủ tịch Hội đồng Thể thao trí nhớ châu Á - Thái Bình Dương; công chúa Malaysia Tengku Faizwa Razif, người tổ chức Giải vô địch trí nhớ thế giới lần thứ 22 tại Malaysia.
Bình luận (0)