|
Đời chỉ còn là quẩn quanh mỏi mệt. Không phải vì nó vốn dĩ như thế, mà người ta, hay chính xác hơn, người thân quanh anh cố làm cho nó trở nên như vậy thì phải.
Đó là suy nghĩ của anh, lúc rã rượi trở về nhà, thấy cửa kiếng phòng ba anh đã vỡ nát, những mảnh thủy tinh bể được gom lại qua loa, nền nhà còn vương lại vài vệt máu nho nhỏ. Có thể là do đứt chân. Ai đứt, ba, hay là em? Hoặc hai đứa con mình? Anh cũng không buồn bận tâm nữa. Cái câu cửa miệng của em, rằng, nhà này chẳng ai vừa, chợt xẹt ngang tâm trí anh. Đau đớn.
***
Lần đầu đến nhà chơi, em đã hơi ngờ ngợ khi người đàn ông toát lên vẻ nông dân khắc khổ ấy thờ ơ nhìn em, đứa con gái sắp sửa làm dâu nhà mình. Nhưng em không bận tâm nhiều, bởi anh bảo, cha mẹ anh hiền lắm, cả đời chẳng hiếp đáp khó dễ với ai bao giờ.
Ừ thì cha mẹ anh hiền…
Đời mẹ anh đã khổ. Đời anh cũng khổ. Giờ đến đời em, đứa con gái đôi lúc cảm thấy như mình đã lỡ dại sa chân vô ngôi nhà này vậy. Cuộc hôn nhân của chúng ta bắt đầu bằng tình yêu, và cho đến giờ, khi hai đứa con lần lượt chào đời, mình vẫn còn quan tâm chăm sóc nhau. Mọi vết rạn buồn bã có lẽ đều bắt nguồn từ ba anh, người đã ở độ tuổi xưa nay hiếm.
Em kết hôn xong rồi mới lăn xả ra đường kiếm tiền. Phụ anh lo cho mẹ chồng hay đau bệnh. Chăm chút cái tổ ấm còn tuềnh toàng của mình. Tuổi thơ em lớn lên trong cảnh xào xáo bởi những cơn say và ghen. Em đã có lúc bi quan nghĩ rằng, thế gian chắc cha mình là tệ với vợ con nhất rồi. Nhưng giờ em mới biết, hóa ra vẫn còn có người đàn ông bạc bẽo với gia đình nhiều hơn hẳn. Ít ra, cha em cũng chu toàn trách nhiệm trụ cột gia đình. Quan niệm của anh là khác hẳn. Trụ cột hay không, chẳng quan trọng. Hiếu lễ ở hàng đầu. Chung thủy: từ từ tính sau.
Ôi cái chữ hiếu của anh đủ làm cho thiên hạ ngưỡng mộ. Hằng năm, anh nhận được, khi thì chục chiếc tô theo kiểu “mẹ bồng con” đủ kích cỡ, lúc là cái nồi đất nho nhỏ của phường hay khu phố tặng cho người con hiếu thảo của năm. Anh mang về, vẻ thờ ơ để món quà bên cạnh bếp, lúc em đang cặm cụi nấu cơm chiều sau khi tan sở, trong tiếng quấy khóc của con nhỏ, tiếng ho sù sụ của mẹ chồng, và lời càm ràm bực bội than đói bụng của ba chồng đang ngồi thong thả uống trà chờ bữa tối…
***
Mâm cơm có một tô canh, dưa leo cắt lát và đĩa tép kho hành ớt. Ba cầm đĩa tép rang lên, dùng chính đôi đũa đang ăn của mình, bơi xới. Anh chướng mắt với cái cảnh khó coi ấy, lại ngượng ngùng với vợ, nên khẽ cằn nhằn:
- Con nào cũng vậy thôi, ba lựa cái gì?
- Cho mày ăn học mà sao ngu quá vậy! Tép có con ngon con dở, tao lựa con ngon tao ăn, chứ sao con nào cũng như nhau được!
Câu chuyện ấy, được em kể lại nhiều lần, với nhiều người, ở nhiều chỗ khác nhau. Như một vở hài kịch hay ho đầy sỉ nhục. Bạn bè em, bà con nội ngoại, ai nấy đều mắt chữ A mồm chữ O với cách kể đầy hào hứng, sinh động của em. Thật không tin nổi. Trên đời này lại có người thô thiển, tham ăn đến mức kinh dị thế sao?
Vô số những ví dụ tương tự để minh họa cho hình ảnh ba chồng xấu nết, tham lam, một gia đình chồng “như địa ngục” được em, cô gái có ăn có học, xuất thân không cao sang nhưng tươm tất đàng hoàng như lời em hay tự nói về mình, mang ra thổ lộ với vẻ ái ngại nhất có thể. Em cần được chia sẻ. Em cần được cảm thông. Em xứng đáng được đối xử theo một cách khác. Em không việc gì phải sống trong cái môi trường như thế này. Rồi đời con em, những đứa trẻ vô tội ấy, tại sao phải ra vô chung đụng với mẫu người như vậy? Ôi, em đã làm gì sai mà ông trời nỡ bắt tội em, triền miên khổ sở thế này…
Đúng, em không nói sai, cũng chẳng thêm bớt gì nhiều. Chỉ là, anh đọc được trong những lời kể ấy sự khinh khi, dè bỉu. Anh nhìn vào mắt em, chỉ còn tràn đầy nỗi thất vọng chán chường. Bao giờ thì mình có thể dọn ra riêng đây hở anh, câu hỏi thường trực em mang ra dằn vặt anh mỗi khi cơm canh không còn lành ngọt. Em quên thật sao, ngày xưa anh từng nói với em rằng, dù có thế nào đi nữa, anh cũng chọn sống với ba mẹ, anh không thể bỏ mặc ba mẹ thui thủi đó mà tận hưởng hạnh phúc riêng của mình. Em cố tình lờ đi lời hứa hẹn rằng: Em hiểu mà, em thương anh thì cũng thương ba mẹ anh, rồi ư?
***
Khách ở quê vô, ngồi chưa nóng chỗ đã được ba anh chào đón bằng màn kể lể:
- Cái nhà này là tôi mua cho vợ chồng nó. Hết bao nhiêu là tiền. Giờ chẳng còn đồng nào phòng thân. Khổ lắm chị Sáu ơi!
- Sao lúc đó chú không giữ lại chút đỉnh, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày…
- Thì cứ tưởng là đưa hết cho chúng nó, mình cũng sống với con chứ với ai đâu. Giờ thì trắng mắt ra…
Em chạm phải cái nhìn dò xét đầy ác cảm của người bà con bên chồng. Cứ như, em là kẻ dụ dỗ, “ăn” hết mọi thứ trong nhà, đã lừa đảo sau đó xử tệ ba anh vậy. Ai nỡ không tin một ông già ngoài bảy mươi quê mùa tội nghiệp đang than vãn? Ai sẽ chịu lắng nghe và coi đó là sự thật, nếu em bảo rằng, hằng tháng ba chồng em vẫn ra ngân hàng, lãnh lãi của khoản tiền tiết kiệm không nhỏ mang lại? Ai sẽ nhìn thấy, những năm tháng đằng đẵng, vợ chồng em có thể không có đồng bạc dằn túi, nhưng vẫn phải biếu ba anh tiền tiêu vặt đúng kỳ, nếu như không muốn đối diện với cảnh đá thúng đụng nia trong nhà?
Em vẫn không quên một ngày cuối tuần, mẹ và mấy đứa em của vợ anh sang chơi, mang theo thịt cá rau củ, chuẩn bị cho một bữa trưa đông đủ, vui vầy. Ba anh dập cánh cửa nửa nhôm nửa kiếng rầm rầm, những tiếng động cố ý ấy đủ để cho mọi tiếng cười đùa vui vẻ ngắn dần rồi tắt hẳn. Trước mặt mọi người, ba anh chửi thề rồi mắng mỏ em trai em là thiếu lễ phép, không biết chào hỏi. Anh thừa biết, đấy chỉ là cái cớ khi ba không vừa lòng chuyện gì đó. Mẹ em về trước, sau đó lần lượt đám em rút hết, bỏ lại chỏng chơ những thức ăn đang chuẩn bị dở dang.
Em có nhà riêng mà làm gì, quần quật đi làm để chi đây, khi chính những người thân yêu ruột thịt của mình từ chối qua lại, với lý do, sợ phiền cuộc sống của em với bên chồng… Ngay cả khi mẹ con em đau ốm, dì của lũ nhóc cũng chỉ đi xe đến đầu hẻm, gọi em ra để lấy bịch cam lon sữa, chứ cương quyết không bước vào nhà thăm chị, thăm cháu… Em còn cay đắng, tủi hờn nào hơn nữa?
***
Nhiều đêm anh không ngủ, nhìn “ông già lựu đạn”, chữ mà trong vài lúc tức giận cùng cực, anh đã dùng và sau đấy hối tiếc, đang yên giấc. Ba có tật nói mê trong khi ngủ. Lại thích ngủ nhiều. Tính tình dở hơi. Mua cái gì cũng phải “tốt hung” mới chịu. Ăn mì tôm xong thì cất đi cái vỏ, để dành. Đi đâu cũng bọc theo chìa khóa, cả đùm. Chẳng phân biệt được đâu là tốt, là xấu, là lịch sự, là văn minh, là thế này thế nọ...
- Bỏ nhau sớm đi, tao còn mừng nữa à!
Câu nói đầy sai lầm đó đã kéo theo bao nhiêu bi kịch gia đình sau đấy. Em không thể nào tha thứ cho bậc làm cha làm mẹ có thể độc ác và đáng ghét tới mức đành đoạn đến vậy. Đó là cái kết luận ghi tâm khắc cốt của em. Dù anh đã nhiều lần giải thích với em rằng, ba anh cả đời cặm cụi đi làm, lao động tay chân, hầu như ít giao tiếp, chẳng ra ngoài xã hội nhiều, có vô số tính xấu không thể chối cãi...
Nhưng đó là ba anh. Người đàn ông đã sinh ra anh. Đã nắng nôi đạp xích lô ngoài quê nuôi anh đi học trong Sài Gòn, để rồi anh mới có cơ hội gặp và yêu em. Ba anh trùm sò, kỹ tính, nhưng vẫn quyết cho con có ít chữ lận lưng mà ra đời, đỡ phải chịu vất vả. Ba anh quả là “không giống ai trong loài người tiến bộ” câu chữ mà em có lần lén lút xài. Nhưng anh vẫn không thể ngoảnh mặt ngó lơ khi ba bảo, “thằng Tư coi có tiền đưa ba chút đỉnh mua vé số coi”. Rồi người ta ai cũng phải già, phải chết. Ba chẳng sống đời với chúng ta. Ba cũng không hưởng được mấy ngày vui sướng trên đời. Cái nết chắt bóp, nhịn thèm đã ăn sâu vào máu thịt mất rồi. Lại thêm cái tính dở ương của tuổi lẫn không ra lẫn, tỉnh chẳng giống tỉnh hành hạ cả nhà. Anh phải làm sao đây để vẹn cả đôi đường, ngoài việc cố gắng thật nhiều, quên cả bản thân mình đây em?
***
Mẹ chồng em ngồi thẫn thờ dựa vào bức tường cũ kỹ. Kế bên là tô bún đã nguội lạnh, trương sình. Em khẽ khàng gỡ lá trên cái bánh xèo nóng hổi, cộng với hai cái đầu gà chiên giòn ra đĩa, đưa cho mẹ. Mấy cái bánh chuối chiên thì chia cho hai ông cháu. Con gái mình chỉ thích ăn bột giòn, chứ không hảo món chuối mềm mềm. Nó gặm gặm xung quanh miếng chuối, rồi bỏ thí trên bàn, lân la về phía ông nội. Chỉ vài phút sau, vang lên tiếng con bé khóc thét:
- Ôi, sao vậy con gái?
- Ông nội nhéo con mẹ ơi!
- Con nói bậy à! Sao ông nội lại nhéo con cơ chứ?
- Tại vì con cắn vô xung quanh miếng chuối chiên của ông nội. Hu hu, đau quá!
Em ngồi coi phim, thấy người ta lấy chồng giàu, bị hiếp đáp. Anh chồng thành đạt, mua xe hơi bạc tỉ, chưa một lần chở cô vợ “cóc ghẻ” đi chơi, với lý do, xe cộ để làm ăn, chở đàn bà, xui lắm! Cô vợ cúc cung làm dâu, chịu bao tủi cực, cuối cùng bắt gặp cảnh chồng đang tăng hai với một em chân dài trên chính chiếc xe mình chưa từng được bước chân lên ấy. Em căm phẫn, buột miệng chửi một câu “á đù”, rồi châm thêm rằng, sao trên đời có con đàn bà nào ngu như thế nhỉ, cam chịu với chả hy sinh, ba cái mỹ từ phù phiếm trói đời bao nhiêu số phận...
Ba anh bỗng từ trong phòng bước ra, nét mặt đăm đăm khó chịu, em còn chưa hiểu chuyện gì, ba đã bước tới tắt phụt cái ti vi trước sự ngỡ ngàng của con dâu, kèm theo một câu lẩm bẩm: Suốt ngày coi coi coi, chỉ tổ tốn điện!
Em xấu hổ đứng dậy, lòng chợt mừng rằng, may mà em còn có thể đi làm, có thu nhập, tự kiếm lấy miếng cơm mà ăn, chứ nếu em vô công rồi nghề ăn bám gia đình anh, thì chắc em đã bị nghẹn họng mà chết lâu rồi! Lòng tự dưng nhớ cái hôm chị dâu kêu ba thức dậy ăn cơm luôn cho xong bữa. Ngủ gì mà ngon quá, từ trưa cho đến tận bốn năm giờ chiều, ngày nào cũng vậy, hay thiệt. Vô tư dễ sợ. Rồi chị chép miệng nói thêm một câu chẳng liên quan gì: Má thật vô phúc. Bữa cơm có ông già chồng và hai đứa con dâu. Hai thằng con trai đang chăm mẹ trong bệnh viện. Những năm tháng khổ sở, cực nhọc đã vắt mẹ đến mấy hơi thở bọt bèo cuối cùng. Và những ngày lấy bệnh viện làm nhà triền miên ấy đã vơ cạn của cả nhà những đồng tiền còi cọc dành dụm được. Mọi người quấy quá cho qua bữa. Nhà có người bệnh, chẳng biết số phần sẽ bị định đoạt vào lúc nào.
Ai nấy cắm cúi ăn. Ba anh dường như thấy cảnh nhà không được vui cho lắm, nên bắt đầu kể chuyện. Một mình. Cái đầm nhà ông ngoại đó, cá chua ngon lắm. Không có thứ cá gì ngon như vậy. Tao lâu lắm rồi không được ăn cá chua. Mà thằng Năm quá tệ, lần nào vô đây cũng không nhớ mang cho tao mấy con...
- Ảnh vô nuôi má bệnh, chứ phải đi chơi du lịch đâu mà nhớ cá với mú mà ba trách!
- Tội nghiệp má mày, tội nghiệp thằng Tư với thằng Năm, tụi nó khổ cực vất vả!
Nước mắt người già trộn với miếng cơm khô, trệu trạo, mếu máo. Chị dâu ngưng đũa, thở dài buột miệng: Phải ngày xưa ba làm diễn viên thì chắc nổi tiếng và giàu có dữ, cả họ được nhờ rồi!
***
Ngày ra tòa, em căm hờn nhìn về phía ba, người đàn ông đã tự mình bắt xe ôm đến tòa từ lúc sớm. Chẳng biết ba đã dò hỏi ai thông tin về chuyện chúng ta ly dị. Em nắm tay cháu quay ngoắt đi như chẳng quen biết. Chút sĩ diện cuối cùng giữ cho em không kể xấu “cả tông ti nhà nó” ra trước bàn dân thiên hạ lạ quen ở tòa. Nhưng nỗi khinh khi thì không bút nào tả xiết. Người ta làm dâu một bà mẹ chồng là đủ khổ lắm rồi. Còn tôi, bao năm nay, sống dưới trướng của hai bà mẹ chồng, hỏi sao mà chịu đời cho thấu! Chúng tôi tới mức này, tất cả là nhờ ba chồng ban cho hết đó!
Nhiều ánh mắt tò mò đổ về phía ba anh, ông già tóc đã rụng lơ thơ trên đỉnh, mặc cái áo sơ mi sờn rách ở cổ, túi áo dắt theo cả một “gia tài” gồm giấy báo cũ bọc bên ngoài sổ tiết kiệm, chứng minh nhân dân và vô số những thứ linh tinh cộm lên trước ngực. Bà mẹ chồng thứ hai đó ngơ ngác nhìn anh, thằng con trai khốn khổ đang nước mắt rưng rưng vì đau xót đan xen với bất lực trước cảnh tan đàn xẻ nghé không còn tránh được của đời mình.
Hai đứa trẻ vô tư đùa giỡn loanh quanh, chẳng mảy may buồn phiền gì...
A.N
>> Mẹ chồng tôi
>> Công diễn hài kịch "Mẹ chồng - nàng dâu" tại Úc
>> Câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu
>> Khoảng cách mẹ chồng nàng dâu
>> Mẹ chồng thời @
>> Mẹ chồng, nàng dâu
>> Khi mẹ chồng vùng lên
Bình luận (0)