Hai bên chiến tuyến chữa lành nỗi đau

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
30/04/2022 06:16 GMT+7

Độc giả từng say mê với những trang viết thi ca đầy xúc cảm của nhà thơ Từ Nguyên Thạch hẳn sẽ rất thích thú khi đọc tập truyện ngắn và ký Hai bên chiến tuyến (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, ảnh) ra mắt nhân kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2022).

Nhà thơ Từ Nguyên Thạch từng là sinh viên Khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sau đó rẽ vào văn chương với tập thơ Miền đất tôi yêu (NXB Sông Bé, 1989), rồi đi làm báo. Nhà thơ có nhiều tác phẩm được yêu thích: Bài hát buồn (thơ, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1990), Tình người cách ly (truyện dài, NXB Hội Nhà văn, 2020)…, cùng hàng chục tác phẩm thơ, truyện in chung.

Q.TRÂN

Nói về tác phẩm mới, Từ Nguyên Thạch cho biết: “Thật ra tôi viết theo dòng cảm xúc bên trong. Truyện Hai bên chiến tuyến lấy từ câu chuyện có thật của gia đình anh Lê Long - một người anh ở Báo Người Lao Động. Anh tham gia cách mạng từ thời sinh viên, sau đó vào R. Năm 1975, anh về tiếp quản Đài phát thanh Sài Gòn. Một lần, anh rủ tôi đến nhà anh ở Q.4 ăn giỗ. Khi anh, đứng thắp nhang, tôi thấy trên bàn thờ ngoài di ảnh ba, người dì, còn có người em kế. Đáng chú ý ảnh người em mặc áo lính cộng hòa với ba bông mai trên ve áo. Anh cho biết người em là đại úy biệt động quân”.

Tại Việt Nam, câu chuyện về hai anh em phải “đối nghịch” nhau như gia đình người đồng nghiệp của tác giả không hiếm lắm. Ngay cả trong gia đình nhà thơ Từ Nguyên Thạch, cô ruột ông cũng có chồng là du kích trong khi ba ông lại là lính cộng hòa, đã tạo chất liệu để ông viết O The vô cùng cảm động. Câu chuyện dưới hầm lại là lát cắt khác, khi người lính phía bên kia lén bỏ lại thức ăn, thuốc men, giúp người chiến sĩ cách mạng qua cơn nguy kịch.

Thông qua các nhân vật được viết dựa theo hồi ức về những chuyện có thật, trong đó có nhiều hồi ức về chiến tranh, tác giả như muốn nhắn nhủ thông điệp: Hãy cùng chung tay thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc. Vì đó không chỉ giúp những vết thương mau lành mà còn là đạo lý, sự phát triển của dân tộc như câu căn dặn của người xưa, rằng: “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần; Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…”.

Dù là tác phẩm về một thời đạn bom nhưng những câu chuyện ông kể còn có những tiếng cười lạc quan. Như truyện nhà thơ Chinh Sơn trong Chiếc lược và tấm thẻ bài hứa khao cho toàn đội món “vũ nữ”, đọc mà cười chảy nước mắt: “Cả tiểu đội hỏi “vũ nữ” là gì. Ông nói bí mật, tới sẽ biết. Đến giờ hẹn, cả tiểu đội bò qua hầm ông không thiếu một người. Ông thắp cây đèn hột vịt lên, lấy bóng thủy tinh cất đi. Cả đội thắc mắc chiêu đãi món gì mà sao tới giờ không đụng dao đụng thớt. Ông nói quân tử nhất ngôn, không nuốt lời. Bấy giờ ông mới hỏi tụi bây có trông thấy con chàng nhện chân dài bao giờ chưa. Nó có những cái chân dài, đứng mà thân hình cứ lắc lư như múa đó. Ông gọi là con vũ nữ…”.

Những cảm xúc của một tâm hồn thi sĩ mê viết truyện, sự duyên dáng trong lối kể chuyện hài hước về “những người sống quanh tôi”, cứ thế hấp dẫn người đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.