‘Hoài cố nhân’ và những tình cảm thương nhớ dành cho nhà văn Võ Hồng

25/04/2022 09:39 GMT+7

Buổi hội thảo Hoài cố nhân về nhà văn Võ Hồng diễn ra trong không khí trang trọng và ấm áp với hơn 60 bài tham luận được gửi tới từ những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo trên cả nước.

Chiều 24.4, tại Khu du lịch Sao Việt (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), Trường Đại học Phú Yên, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Viện Khoa học Giáo dục Văn hóa Thể thao Du lịch Đà Lạt, Trường Đại học Thái Bình Dương, Công ty Du lịch Sao Việt cùng phối hợp tổ chức buổi hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Hoài cố nhân - kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng.

Nhà thơ Đinh Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên phát biểu khai mạc

Các nhà văn chủ trì hội thảo

Hoài cố nhân về nhà văn Võ Hồng diễn ra trong không khí trang trọng và ấm áp

PHÙNG HIỆU

Đến dự buổi hội thảo có ông Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc sở VH - TT và Du lịch tỉnh Phú Yên, ông Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên, ông Phạm Văn Bảy, Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy huyện Tuy An, ông Trần Lăn, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, ông Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện NCPT Phương Đông và các nhà văn, nhà giáo đang sống và làm việc tại Phú Yên.

Buổi hội thảo còn có sự hiện diện của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Phan Hoàng - UV BCH, Giám đốc - Chủ biên trang web vanvn.vn - Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Bích Ngân - UV BCH, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cùng 32 nhà văn trong đoàn nhà văn TP.HCM đang tham dự trại viết tại Phú Yên.

Văn của Võ Hồng chứa đựng sự gắn bó yêu thương con người

Buổi hội thảo diễn ra trong không khí trang trọng và ấm cúng. Có hơn 60 bài tham luận được gửi tới hội thảo từ những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo trong khắp cả nước.

Đặc biệt trong đó có nhiều bài tham luận gây ấn tượng đánh giá đầy đủ về vai trò, vị trí và những đóng góp của nhà văn Võ Hồng trong quá trình phát triển văn học dân tộc và tư tưởng nghệ thuật của các giáo sư, tiến sĩ: Huỳnh Như Phương, Trần Hoài Anh, Lê Thị Hường, Bùi Thanh Truyền, Võ Văn Nhơn, Trình Quang Phú, La Mai Thi Gia, Thái Phan Vàng Anh, Hà Minh Châu, Trần Viết Thiện, Lê Nhật Ký, Phan Ánh Nguyễn…

Hội thảo được tổ chức nơi quê nhà nhà văn Võ Hồng nên đề tài về quê hương qua các sáng tác của ông được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khai thác. Nhiều tham luận có những phát hiện sâu sắc và thú vị về hình ảnh quê hương trong truyện Võ Hồng từ nhiều góc độ; ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, thời đại, tư tưởng nghệ thuật…

Vì hội thảo có tên Hoài cố nhân nên nhiều bài viết nhắc đến cảm hứng hoài niệm, hoài vãng, nhớ nhung thể hiện trong các tác phẩm của nhà văn Võ Hồng. Ông là một nhà văn có khả năng làm sống động, làm mới những chuyện đã cũ, đã quen thuộc, tạo nên nét riêng, giọng điệu riêng của mình.

Võ Hồng là một nhà văn cũng là thầy giáo

T.L

Võ Hồng là một nhà văn cũng là thầy giáo. Hơn nửa thế kỷ gắn liền với phấn trắng bảng đen, ông có nhiều thế hệ học trò, và đến nay dù họ đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn dành thời gian viết bài tham gia hội thảo để thể hiện tình thầy trò bằng đạo lý uống nước nhớ nguồn với tinh thần tôn sư trọng đạo.

Có thể nói, dù nhà văn Võ Hồng đã hóa thân thành cát bụi nhưng những gì ông để lại cho hậu thế là giá trị văn chương, văn hóa không thể phủ nhận. Tác phẩm của ông vẫn đang sống và lan truyền trong các thế hệ mai sau.

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5.5.1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Truyện ngắn đầu tay của ông là Mùa gặt đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy vào năm 1939 với bút danh Ngân Sơn. Đến năm 1959, ông gia nhập làng văn với tập truyện ngắn Hoài cố nhân.

Là nhà văn nhưng Võ Hồng có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp dạy học. Ông theo học tú tài ở Hà Nội, chưa tròn năm thì chiến tranh nổ ra, ông lên tàu về quê (năm 1943) và dạy học. Ông từng giữ các chức vụ Trưởng ty Bình dân học vụ tỉnh Phú Yên (1949) và là hiệu trưởng một số trường trung học tại Phú Yên, Nha Trang cho đến khi về hưu năm 1978.

Văn của ông chứa đựng sự gắn bó yêu thương con người, yêu thương quê hương, dân tộc một cách tự nhiên. Dưới ngòi bút Võ Hồng, hình ảnh quê hương, con người Việt Nam được ghi lại như những bức tranh sinh động, trung thực và đầy rung cảm. Tác phẩm của ông ghi lại khá chân thực và tinh tế cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng Nam Trung bộ.

Đoàn nhà văn TP.HCM cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (thứ 4 từ trái sang) cùng đến Phú Yên tham dự hội thảo về nhà văn Võ Hồng

Phùng hiệu

Nhiều tác phẩm của Võ Hồng đã được trích giảng trong sách giáo khoa văn cho chương trình trung học trước năm 1975. Sau năm 1975, văn nghiệp của ông là đề tài cho nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ văn chương. Ngày 31.3.2013, do tuổi cao, bệnh nặng, ông qua đời tại nhà riêng ở thành phố Nha Trang để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đồ sộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.