Hai bộ “vênh” nhau về kiểm soát vi phạm lái xe

02/01/2013 03:15 GMT+7

Cùng một mục đích quản lý và giám sát vi phạm giao thông thông qua giấy phép lái xe, nhưng hai Bộ GTVT và Công an đều thực hiện dự án riêng, gây lãng phí và kém hiệu quả.

Đề án của Bộ GTVT

Việc mỗi bộ muốn thực hiện theo cách riêng của mình mà không kết nối, cùng nhau thực hiện sao cho hiệu quả nhất như thế sẽ gây tốn kém tiền của nhà nước

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng

Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết đầu năm 2013 sẽ triển khai cấp giấy phép lái xe mới, nhưng một trong những mục tiêu của đề án này là kiểm soát vi phạm có thể khó trở thành hiện thực khi Bộ Công an cũng có một hệ thống phần mềm quản lý riêng của mình.

Theo Tổng cục Đường bộ, giấy phép lái xe (GPLX) mới được làm bằng nhựa PET, giống như chiếc thẻ ATM. Do được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như màng dán bảo mật, mực in chuyên dụng, chữ ký số,... nên tính bảo mật, chống làm giả rất cao. GPLX mới đang được cấp ở hơn 20 tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Kon Tum, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ...), dự kiến tháng 7.2013 sẽ “phủ sóng” trên toàn quốc.

Đề án cấp GPLX mới đã được Tổng cục Đường bộ chuẩn bị từ cả chục năm nay. Đến nay, khó khăn nhất là việc đầu tư thiết bị phục vụ in công nghệ mới và quản lý cơ sở dữ liệu ở các địa phương. Theo Tổng cục Đường bộ, Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 1 triệu USD để trang bị hệ thống máy chủ và máy in GPLX đặt tại tổng cục. Bộ GTVT cũng phải chi khoảng 7 tỉ đồng trang bị phần mềm quản lý thông tin. Ngoài ra, mỗi tỉnh, thành phố phải bỏ ra khoảng 1 - 4 tỉ đồng, riêng Hà Nội và TP.HCM dự kiến phải chi gấp vài lần các địa phương khác.

Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái - Tổng cục Đường bộ, với việc thông tin được nối thông giữa các địa phương, người dân có thể xin cấp đổi GPLX ở bất cứ đâu. Thời gian xin cấp đổi cũng nhanh hơn, chỉ còn khoảng 3 - 5 ngày, thậm chí ngay trong ngày.

Trên mỗi GPLX mới có một dãy số. Từ ngày 1.7.2012 người dân có thể vào trang thông tin về GPLX (www.gplx.gov.vn) để tra cứu. Thậm chí, có thể dùng điện thoại nhắn tin về trung tâm thông tin để biết GPLX đó là giả hay thật, hạng gì, số seri, ngày hết hạn, trạng thái vi phạm của GPLX đó (nếu có)...

Hai bộ “vênh” nhau về kiểm soát vi phạm lái xe
Việc Bộ GTVT và Bộ Công an “đá” nhau trong xây dựng đề án về mục tiêu kiểm soát vi phạm của lái xe sẽ gây lãng phí

Theo ông Quân, khi cấp GPLX mới (GPLX ô tô được cấp mới khi hết hạn; GPLX của mô tô, xe máy vẫn được sử dụng, nếu mất thì được cấp lại theo mẫu mới), các địa phương sẽ cung cấp số điện thoại tra cứu cho người dân kiểm tra khi cần thiết. Tổng cục Đường bộ đã triển khai nhiều đợt tập huấn cập nhật thông tin vi phạm của lái xe lên hệ thống phần mềm. Theo đó, sau khi tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên đường, CSGT các địa phương phải truy cập vào phần mềm do Tổng cục Đường bộ xây dựng để cập nhật và tra cứu lỗi vi phạm của lái xe. Điều đó sẽ giúp phát hiện những lái xe đang bị tạm giữ GPLX nhưng lại cố tình đi khai báo mất để được cấp lại.

Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Kim Hải, Trưởng phòng Tuần tra - Kiểm soát giao thông, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an cho biết việc thực hiện không dễ như Tổng cục Đường bộ nói. “Bộ Công an và Bộ GTVT sẽ có một thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện việc này. Thế nhưng, việc kiểm tra ngay thông tin GPLX giả - thật sẽ vô cùng khó khăn. Thông tin về GPLX cũ vẫn chưa được cập nhật lên mạng trong khi Tổng cục Đường bộ chỉ cấp cho lực lượng CSGT mỗi tỉnh (cả nước hiện có khoảng 1,5 vạn CSGT) 2-3 tấm kính soi giải mã thông tin GPLX để phát hiện thật - giả thì sẽ khó thực hiện”, ông Hải nói.

Bộ Công an sắp hoàn thành đề án riêng

Theo C67, việc kiểm soát vi phạm của lái xe cực kỳ quan trọng. Lợi dụng kẽ hở trong quản lý, cấp đổi GPLX cũ, nhiều lái xe đã sử dụng giấy phép giả hoặc tự trang bị cho mình 2-3 GPLX phòng thân. Chỉ trong năm 2011, C67 đã điều tra, phát hiện, xử lý trên 3.400 trường hợp sử dụng GPLX giả, trong đó có hơn 1.800 GPLX ôtô, 1.600 GPLX gắn máy. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp vi phạm bị CSGT tạm giữ GPLX nhưng tài xế đã làm hồ sơ gian dối, nói mất GPLX để được cấp đổi mới.

Hai bộ “vênh” nhau về kiểm soát vi phạm lái xe
Giấy phép lái xe mới bị cho là còn có nhiều lỗi về kỹ thuật

Thượng tá Nguyễn Kim Hải cho biết thêm, trước năm 2010 (khi bắt đầu cấp biển số xe 5 số), Bộ Công an đã thí điểm việc kiểm soát vi phạm của lái xe ở 3 tỉnh. Sau khi tổng kết và thấy hiệu quả, Bộ Công an đã phê duyệt thực hiện đề án kiểm soát vi phạm lái xe để triển khai thực hiện trên toàn quốc. Một công ty viễn thông đã được thuê để xây dựng hệ thống mạng quản lý vi phạm lái xe, đặt tại C67. “Đến nay đề án đang trong giai đoạn hoàn thành. Sau khi đưa vào sử dụng, mọi vi phạm của lái xe sau khi bị lập biên bản, xử phạt sẽ được lực lượng CSGT cập nhật vào hệ thống. CSGT cũng được trang bị điện thoại, sử dụng mạng nội bộ (không mất tiền) để kiểm tra thông tin GPLX, GPLX giả - thật ngay trên đường”, ông Hải nói.

Trả lời thắc mắc về việc xây dựng đề án như vậy có gây lãng phí khi đề án cấp GPLX mới do Tổng cục Đường bộ xây dựng cũng đặt ra mục tiêu giám sát vi phạm lái xe, ông Hải cho biết Bộ GTVT có thẩm quyền đào tạo, sát hạch GPLX, Bộ Công an xử phạt, quản lý lỗi vi phạm. Mặc dù trong tương lai sẽ có thông tư phối hợp thực hiện trong đề án cấp GPLX mới nhưng để lực lượng CSGT trên toàn quốc cập nhật, tra cứu thông tin một cách dễ dàng trên phần mềm do Tổng cục Đường bộ quản lý là điều không thể. “Họ sẽ không thể để chúng tôi can thiệp vào sâu trong hệ thống để kiểm soát thông tin. Như thế sẽ rất khó cho mục tiêu kiểm soát vi phạm lái xe của ngành công an” - ông Hải cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xuất phát từ bất cập trong việc tách rời khâu sát hạch, cấp phép và quản lý, xử lý vi phạm lái xe nên đầu năm 2012 Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ đưa việc sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT về bộ mình quản lý để thống nhất một đầu mối như trước kia. Sau đó, Chính phủ đã triệu tập cuộc họp với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ để lấy ý kiến về việc này nhưng cuối cùng đã không đồng ý. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Bộ GTVT cũng có trách nhiệm thực hiện việc đổi mới GPLX; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về GPLX thống nhất toàn quốc để phục vụ công tác quản lý, tra cứu, theo dõi vi phạm của người lái xe và trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng.

“Như thế thì lãng phí quá”

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cùng mục đích quản lý vi phạm của lái xe mà mỗi bộ thực hiện một đề án riêng sẽ gây lãng phí không nhỏ. “Theo chỉ đạo, khi thực hiện cấp GPLX mới, Bộ GTVT và Bộ Công an sẽ phải xây dựng một thông tư liên tịch về việc phối hợp kiểm soát vi phạm của lái xe. Việc mỗi bộ muốn thực hiện theo cách riêng của mình mà không kết nối, cùng nhau thực hiện sao cho hiệu quả nhất như thế sẽ gây tốn kém tiền của nhà nước”, ông Hùng nói. Trong khi đó, ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng Giám định 1 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ dừng ngay việc triển khai GPLX mới để đánh giá lại. Ông Thịnh cho biết đề án cấp đổi GPLX mới tốn kém và ảnh hưởng không kém gì đề án cấp CMND mới đang gây phản ứng trong dư luận. Ông Thịnh cho rằng, việc GPLX mới không dịch tên quốc hiệu Việt Nam ra tiếng Anh là không phù hợp, nhiều mục dịch Việt - Anh trên GPLX mới không chuẩn theo quốc tế, gây phản ứng.

Thái Sơn - Thế Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.