Hai căn nhà riêng, hai quả tim vàng

08/10/2014 02:00 GMT+7

Lâu nay, “gia đình” thường được hình dung là cặp vợ chồng và những đứa con cùng sống chung dưới một mái nhà, cùng chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn, quyền lợi và trách nhiệm. Đó là kiểu gia đình truyền thống. Hiện đang có kiểu những cặp vợ chồng chọn cách “cùng sống riêng” trong hai căn nhà khác nhau.

Hai căn nhà riêng, hai quả tim vàng
Ảnh: Shutterstock

Cụm từ “cùng sống riêng” - living apart together (LAT) - đã được ghi vào từ điển mở wikipedia hẳn hoi. Cụm từ này dùng để diễn tả những cặp đôi có mối quan hệ mật thiết nhưng sống riêng rẽ ở hai địa chỉ khác nhau ở cùng một thành phố. Họ có thể ở xa nhau vài cây số, cũng có thể ở trong hai căn nhà sát vách nhau, nhưng vẫn là hai căn riêng biệt. Thống kê cho thấy có 10% số người trưởng thành ở các nước châu Âu như Anh, Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển… chọn cách sống này, con số này ở Úc, Canada và Mỹ là từ 6 đến 9%.

Duy trì sự riêng tư và lãng mạn

Ở phương Tây, “cùng sống riêng” ngày càng nhận được sự thông hiểu và chấp nhận của xã hội. Một số nhà nghiên cứu đã xem LAT là một dạng thức gia đình mới trong lịch sử. Nếu như ở VN, người ta chỉ sống riêng mà vẫn duy trì mối quan hệ quyền lợi - nghĩa vụ giữa hai vợ chồng do có những rạn nứt trong gia đình dẫn đến quyết định ly thân, thì ở Âu, Mỹ vẫn có những cặp đôi hạnh phúc lựa chọn “cùng sống riêng”.

Giáo sư xã hội học Sasha Roseneil (ĐH Birbeck London, Anh) trong 20 năm qua từng phỏng vấn rất nhiều cặp đôi chọn “cùng sống riêng” và nhận thấy lý do lớn nhất khiến họ lựa chọn cách sống này vì nó cho phép mỗi người đều có khoảng không gian và thời gian riêng tư của mình. Nhiều người được phỏng vấn cho biết họ gặp nhau 3 hoặc 4 lần một tuần, và hầu như không ai phàn nàn rằng như thế là ít sự liên hệ giữa hai vợ chồng. Phần lớn liên lạc cần thiết vẫn được duy trì bằng email, điện thoại.

Một điều quan trọng nữa dẫn đến lựa chọn sống riêng, theo Giáo sư Sasha, là sự lãng mạn vẫn tồn tại và được nuôi dưỡng trong mối quan hệ. Người vợ không phải nhìn thấy những đôi vớ bẩn của chồng vứt lung tung khắp nhà, người chồng không bị tiếng ngáy của vợ làm khó ngủ... Và khi gặp nhau, họ cảm thấy có sự tươi mới trong mối quan hệ, điều đó cũng làm đời sống tình dục của họ không bị rơi vào nhàm chán. Rất nhiều phụ nữ nói rằng một trong những điều hay ho của “cùng sống riêng” là... họ không bị chồng chờ đợi rằng họ sẽ giặt giũ phục vụ chồng.

Hết riêng lại chung

Nghe thì có vẻ hấp dẫn, khi “cùng sống riêng” cho những cặp đôi đã kết hôn cảm giác như hãy còn là tình nhân, nhưng không phải lúc nào “cùng sống riêng” cũng khiến người ta thoải mái hoàn toàn.

Dù “cùng sống riêng” thực sự rất hấp dẫn, nhưng hai người trong một gia đình vẫn có những trách nhiệm khác với lúc còn là tình nhân. Một trong những trách nhiệm chính là việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Khi “cùng sống riêng”, con cái sẽ chỉ được sống với hoặc bố, hoặc mẹ, nên sẽ thiếu đi sự chăm sóc, giáo dục của người kia; hơn nữa dù hai vợ chồng sống gần nhau, nhưng việc thay phiên nhau đưa đón, giặt giũ, nấu nướng cho con không dễ dàng gì. Do đó nhiều cặp đã phải đợi khi con lớn, có thể tự lập mới quyết định “cùng sống riêng”.

Khó khăn thứ hai là “cùng sống riêng” làm phát sinh chi phí gia đình rất cao, vì người ta cần phải mua hoặc thuê tới hai căn nhà, tiền ăn, tiền điện, nước... đều phải trả  gấp đôi. Chi phí này lớn đến mức đáng để người ta lưỡng lự xem có nên đánh đổi để lấy chút riêng tư.

Trong hội nghị hằng năm của Hội Xã hội học Anh quốc tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Giáo sư Simon Duncan từ Đại học Bradford cho biết nhiều phụ nữ mà ông phỏng vấn đã đề nghị “nửa kia” quay lại sống chung mặc dù trước đó chính họ muốn “cùng sống riêng”.

Những cặp đôi nổi tiếng “cùng sống riêng”: vợ chồng đạo diễn Mỹ Woody Allen, vợ chồng đạo diễn kiêm nhà văn Mỹ Tim Burton, vợ chồng nữ văn sĩ Ấn Độ Arundhati Roy (đoạt giải Booker)... Từ những năm 1840, nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin và nữ tiểu thuyết gia Pháp George Sand đã có một mối quan hệ “khác thường” mà hiện nay người ta gọi là “cùng sống riêng”.

Xuyên Vân
(Theo Telegraph, New York Times)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.