Suốt mấy chục năm qua, hai chị em dâu bà Trí, bà Miện đã thay nhau trông coi, không cho bất cứ ai đến săn bắt đàn chim hoang dã trong vườn.
Chim trời đậu trên các ngọn cây trong khu vườn |
PHẠM ĐỨC |
Đất lành chim đậu
Thôn Đinh Phùng (xã Cẩm Lạc, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nằm giữa vùng đất rất bằng phẳng được bao bọc xung quanh là núi và sông. Có thể do vùng đất này nằm gần khu vực thượng nguồn sông Rác có nhiều thức ăn nên các loài chim thường xuyên lui tới.
Theo một số vị cao niên ở thôn Đinh Phùng, vùng đất mà họ đang sinh sống trước đây có rất nhiều chim tìm về kiếm ăn, chúng không bay đi nơi khác mà trú ngụ, làm tổ sinh sản luôn trong vườn có cây cối rậm rạp của các hộ dân. Người dân thôn Đinh Phùng cũng rất đỗi tự hào khi nghĩ đến câu nói của cha ông: “đất lành chim đậu”. Nhưng dần theo thời gian, do nạn săn bắt của con người nên các loài chim sợ hãi và chúng đã rủ nhau… chạy trốn. Duy chỉ có khu vườn của gia đình bố mẹ chồng bà Miện và bà Trí là vẫn “giữ chân” được một số loài chim thường xuyên bay về, tồn tại suốt mấy chục năm nay.
Bà Miện nói rằng, khi về làm dâu vào năm 1960, lúc đó bà đã thấy khu vườn rộng khoảng 1.000 m2 phía sau nhà của bố mẹ chồng có rất nhiều chim trời bay về trú ngụ, sinh sản trên cây. Còn bà Trí về làm dâu sau, lấy anh chồng của bà Miện.
“Kể từ ngày về làm dâu cùng chung một nhà, tui và chị Trí đều được bố mẹ chồng căn dặn phải ra sức bảo vệ cho được đàn chim trú ngụ sau vườn nhà. Sau khi bố mẹ chồng khuất núi, 2 gia đình chúng tôi tiếp tục bảo vệ đàn chim, giúp chúng được an toàn mỗi khi bay về đây ở tạm”, bà Miện nói.
Bà Trí thì cho biết, để có người “thường trực” bảo vệ chim trời, cả bà và em dâu đều xây nhà, sinh sống trên phần đất của bố mẹ chồng để lại. Đằng đẵng hơn 60 năm qua, năm nào cũng có các loài chim như cò, cói, vạc… với số lượng hàng ngàn con bay về ở lại trong khu vườn phía sau nhà. Hành trình bảo vệ được đàn chim tự nhiên trong vườn của 2 cụ bà tuổi cao sức yếu này khá gian truân.
Bị thù hằn vì không cho săn bắt
Bà Trí kể tiếp, cứ vào tháng 2 âm lịch hàng năm là các loài chim hoang dã rủ nhau bay về, trú ngụ và sinh sản trong vườn. Đến tháng 8 thì vào mùa chim di cư tránh rét nên khu vườn của 2 bà không còn tiếng chim kêu. Mỗi mùa chim đi và đến đều mang lại nhiều cảm xúc rất khó tả cho cả bà lẫn người em dâu cũng như các thành viên trong 2 gia đình.
“Trước đây chim trời bay về nhiều lắm, cả mấy ngàn con và đủ các loài. Sáng chúng bay đi kiếm ăn, chiều đến chúng bay về chao lượn trên bầu trời, từng đàn gọi nhau kêu ríu rít sà xuống trên các ngọn cây cao lớn trong vườn nghe rất vui tai. Nhưng vào những tháng chim dời đi, chúng tôi cứ có cảm giác như vắng đi các thành viên trong gia đình”, bà Trí tâm sự.
Bây giờ, trong khu vườn của bà Trí và bà Miện được “thừa kế” chủ yếu chỉ có chim cói bay về làm tổ, số lượng ngày càng thưa dần đi. Hai chị em bà lo lắng cho rằng nguyên nhân do tác động của thiên tai và một phần do nạn săn bắn của người dân.
“Những năm trước đây, năm nào cũng có người đến vườn của chúng tôi dùng súng để bắn trộm chim cò. Đặc biệt là vào ban đêm, lợi dụng lúc vắng người, họ lẻn vào vườn để bắt trộm. Không ít lần đang ngủ mà nghe thấy tiếng động, tôi và chị Trí lại lấy đá ném vào chỗ có ánh đèn pin để thợ săn bỏ đi. Những lần chúng tôi đẩy đuổi, ngăn cản thì bị thợ săn chửi rủa chua chát lắm, bởi họ cho rằng chim trời không phải là tài sản của riêng ai”, bà Miện bộc bạch.
Bà Miện và bà Trí cũng đã nhiều lần “điểm mặt” những người hay vào vườn săn bắt chim, báo cho chính quyền địa phương nên bị một số người thù hằn. “Những người bị tố cáo cũng không dám làm gì, chỉ là họ xa lánh không qua lại với 2 chị em thôi. Nhưng càng dần về sau, người dân càng hiểu ý nghĩa việc bảo vệ chim trời của chị em tôi nên không còn săn bắt nữa mà cùng chung tay bảo vệ. Mấy năm nay, thi thoảng vẫn có người lạ từ nơi khác đến săn bắt nhưng đều bị chúng tôi hoặc dân làng phát hiện, xua đuổi”, bà Miện tâm sự.
Con cái sẽ “kế nghiệp”
Để bảo vệ đàn chim tốt hơn, cả bà Miện lẫn bà Trí nhờ con cái mua lưới sắt về làm hàng rào vây hết toàn bộ khu vườn. Hai bà cũng thả nuôi một số chú chó phía sau vườn để canh giữ cho đàn chim.
“Hai chị em chúng tôi bây giờ đã già cả, sức yếu rồi nên thời gian sống trên đời cũng ngắn dần. Nhưng chắc chắn một điều các con của 2 gia đình sẽ kế nghiệp bảo vệ đàn chim. Tôi thường nói với con rằng chim trời về ở trong nhà là điềm lành, phải coi đó như là tài sản của mình để gìn giữ, bảo vệ”, bà Trí giãi bày.
Chồng của bà Miện và bà Trí đã mất từ lâu, các con của họ đều đã lập gia đình. Cả 2 bà đều có con xây nhà ở cạnh bên nên rất thuận tiện để cậy nhờ lúc tuổi già, nhất là việc bảo vệ đàn chim. Hai bà cũng yên tâm vì đã có người thay thế mình “cưu mang” đàn chim, mai này dù có rời khỏi cõi trần cũng không có điều gì phải áy náy.
Theo ông Nguyễn Văn Duẩn, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc, bảo vệ chim trời là việc làm tự nguyện của bà Miện và bà Trí mấy chục năm qua, được chính quyền địa phương cùng người dân xã Cẩm Lạc ghi nhận. Chính việc làm hết sức ý nghĩa này của 2 chị em dâu bà Trí đã trở thành hành động đẹp giúp người dân có ý thức hơn trong việc chung tay bảo vệ động vật hoang dã.
“Nhiều hộ dân xung quanh hiện nay cũng góp sức cùng 2 bà đã bảo vệ đàn chim về ở lại trong vườn. Chính quyền địa phương chúng tôi cũng đã nhiều lần tuyên dương, trao bằng khen cho 2 chị em dâu bà Trí và hy vọng không chỉ 2 bà mà con cháu của họ sau này sẽ tiếp tục kế nghiệp để bảo vệ chim trời như vậy”, ông Duẩn nói.
Bình luận (0)