Trong khi xung đột Nga - Ukraine phần lớn diễn ra trên bộ và trên không, cuộc chiến vẫn có sự góp mặt của yếu tố hải quân trong năm đầu tiên. Song khi xung đột bước sang năm thứ hai, hai sĩ quan cấp cao của Hải quân Mỹ dự đoán hải chiến có khả năng sẽ giảm chứ không tăng, theo tường thuật trên trang Breaking Defense.
Theo hai sĩ quan này, lý do liên quan trực tiếp đến một thành công chiến lược không được đánh giá cao nhưng quan trọng của Kyiv: Lực lượng Ukraine đã đẩy Hạm đội biển Đen của Nga ra khỏi không gian có thể tiến hành các cuộc tấn công tự do ngoài khơi bờ biển Ukraine.
Hải chiến sẽ giảm trong xung đột Ukraine vì Hạm đội biển Đen của Nga suy yếu?
Trận chiến ở biển Đen đã kết thúc?
“Các bạn đã thấy tính hiệu quả khi chiến đấu trên biển của Nga đang suy giảm. Lý do chính là phía Ukraine đã trở nên giỏi hơn trong việc nhắm mục tiêu và sử dụng vũ khí mà chúng tôi đã cung cấp cho họ", đô đốc Michael Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cho biết hồi đầu tháng này. Theo ông, Ukraine đã “hạn chế khả năng cơ động của Nga để đặt mình vào vị trí tốt hơn”.
Chuẩn đô đốc Mike Studeman, một trong những sĩ quan tình báo hàng đầu của Hải quân Mỹ, cũng có chung nhận định về khả năng của Ukraine. Tại hội thảo West 2023, ông nói rằng “trận chiến ở biển Đen đến nay phần lớn đã kết thúc”.
“Ukraine đã đạt được A2AD, khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập, và do đó loại trừ được các hoạt động trên biển... Hạm đội Biển Đen có hỏa lực tầm xa để phóng vào Ukraine, nhưng nhìn chung nhiều năng lực mà người Nga dự định sử dụng ở đây đã bị vô hiệu hóa", ông Studeman, lãnh đạo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, nói.
Ông Studeman nói thêm rằng tác động lâu dài có thể là bất cứ khi nào Nga quyết định xây dựng lại lực lượng lục quân và không quân, nước này có thể buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào hải quân của mình. Điều này sẽ có tác động đến chiến lược của Nga trên quy mô toàn cầu.
Vị trí của ông Gilday và ông Studeman cho phép họ tiếp cận thông tin tình báo về cuộc chiến mà không thuộc phạm vi công cộng. Song trong các cuộc phỏng vấn với Breaking Defense, nhiều nhà phân tích an ninh quốc gia đã đưa ra kết luận tương tự như các sĩ quan hàng đầu - mặc dù không phải lúc nào cũng vì những lý do giống nhau.
Dmitry Gorenburg, nhà nghiên cứu cấp cao tại CNA, một cơ quan nghiên cứu và phát triển do chính phủ liên bang Mỹ tài trợ, cho biết: "Về cơ bản, hải quân Nga giờ chỉ có thể bắn tên lửa dẫn đường chính xác vào cơ sở hạ tầng năng lượng và những thứ tương tự như vậy ở Ukraine".
Tổng thống Putin xác nhận trả đũa Ukraine sau vụ Hạm đội biển Đen bị tấn công
"Vấn đề là kho vũ khí của Nga chỉ còn số lượng ít tên lửa như vậy, nên ngay cả khía cạnh này cũng ít quan trọng hơn so với vài tháng trước", ông nói thêm.
Sebastian Bruns, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách An ninh tại Đại học Kiel (Đức) và trước đây là giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Hải quân Mỹ, có chung quan điểm với ông Studeman, rằng hải quân Nga có thể sau này mới giải quyết vấn đề, nếu xét đến việc quân đội nước này đã suy yếu như thế nào trong xung đột.
Song ông Bruns cũng cho rằng “thực sự vẫn có khả năng là các vấn đề hải quân và hàng hải sẽ trở nên quan trọng” trong năm tới, chỉ ra việc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Andriy Melnyk đã đề nghị Đức gửi tàu ngầm để giúp ngăn chặn Hạm đội biển Đen của Nga.
Tàu chiến nước ngoài có thể đến Ukraine?
Việc một quốc gia tặng tàu chiến để hỗ trợ Ukraine, không nghi ngờ gì, sẽ là hành động thể hiện ý chí chính trị vô cùng hệ trọng. Song nếu Mỹ, Đức hoặc bất kỳ đồng minh NATO nào cung cấp hỗ trợ như vậy, thì sẽ không có gì đảm bảo rằng tàu chiến của họ thậm chí có thể đến được bờ biển của Ukraine ở biển Đen.
Lối vào và lối ra chính của biển Đen là Bosphorus, một eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và được quản lý bởi một thỏa thuận quốc tế kéo dài hàng thập niên được gọi là Công ước Montreux. Thỏa thuận có những hạn chế nghiêm ngặt về việc tàu chiến nào có thể đi vào biển Đen và những quy định đó được thắt chặt khi xung đột xảy ra.
Xem chiến hạm Nga, Trung Quốc, Nam Phi tập trận chung trên Ấn Độ Dương
Cornell Overfield, một nhà nghiên cứu khác tại CNA, nói với Breaking Defense rằng Công ước Montreux chỉ đảm bảo cho một tàu chiến đi vào biển Đen nếu nó đang quay trở lại căn cứ của mình. Điều đó có nghĩa là một tàu chiến mới mà nước ngoài tặng cho Ukraine sẽ không được hưởng “quyền quay trở lại” này và, dựa trên cách giải thích lâu nay của Thổ Nhĩ Kỳ về công ước, tàu này có thể không được cho đi vào biển Đen.
Tuy nhiên, liệu Ukraine có thể cố gắng tuyên bố một tàu chiến mới nhận có cảng nhà ở biển Đen hay không? "Họ có thể thử, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ không chấp nhận", chuyên gia Overfield nói.
Ông nói: "Hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ đến nay cho thấy rằng họ có lẽ sẽ không đồng tình với lập luận của Ukraine - chỉ cần nhìn vào việc một số tàu chiến [Nga] hồi đầu tháng 3 đã không được cho đi qua eo biển [Bophorus] vì chúng không có cảng nhà ở biển Đen".
Ông nói thêm rằng ngay cả khi Ukraine thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận tuyên bố như vậy, thì đó cũng sẽ là thắng lợi đi kèm cái giá quá đắt vì Nga sẽ có thể sắp xếp lại hạm đội của mình để bổ sung cho sự hiện diện ở biển Đen.
Brad Bowman, nhà phân tích quân sự và chính trị của Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ), cho biết bản chất cố hữu của cuộc chiến - chống lại toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền chính trị của Ukraine - có nghĩa là trọng tâm của nó sẽ luôn luôn ở trên đất liền. Điều này, kết hợp với thực tế là Ukraine đã có thể nhận được hỗ trợ an ninh và nhân đạo qua biên giới trên bộ phía tây, “đã làm giảm nhu cầu tranh giành quyền kiểm soát biển Đen”.
Song ông cũng cảnh báo về bản chất thất thường của xung đột này - một cuộc chiến mà vài nhà quan sát từng dự đoán sẽ kết thúc sau chưa đầy một tuần nhưng hiện đã kéo dài hơn một năm. “Chúng ta cũng nên khiêm tốn với những dự đoán của mình. Chúng ta không biết các cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu hoặc có tính chất như thế nào", ông Bowman nói.
Bình luận (0)