Năm 1969, một năm sau khi Yasunari Kawabata nhận giải Nobel văn chương, nhà văn Yasushi Inoue lần đầu tiên được đề cử giải thưởng này. Thậm chí vào năm 1981, các phóng viên đã đổ xô tới nhà Inoue vì cho rằng ông sẽ nhận được vinh quang ấy. Trong khi về phía mình, ông so sánh giải Nobel "như một hòn đá từ trên trời rớt xuống vồ trúng vào ai đó trong hàng tỉ người trên thế giới".
Việc trượt giải Nobel có lẽ không phải vận xui của Yasushi Inoue mà là vận xui của văn đàn quốc tế. Bởi điều đó khiến văn đàn thế giới không có nhiều cơ hội được tiếp cận các sáng tác của một bậc thầy văn chương Nhật thế kỷ 20.
Hai tác phẩm Súng săn và Bọ tuyết là hai ánh xạ từ những vùng khác biệt trong khối di sản của Yasushi Inoue. Nếu chỉ đọc văn bản mà không đoái hoài tới tên người viết, hẳn sẽ có nhiều độc giả sửng sốt khi biết chúng là của một tác giả. Cùng có những nhân vật hồi tưởng quá khứ, nhưng nếu như Súng săn là sự khắc khoải của những tâm hồn nhuốm khoái lạc tội lỗi thì Bọ tuyết là sự khắc khoải của một tâm hồn trong trẻo vô ngần. Hai cuốn sách đều dùng đến động vật làm ẩn dụ cho trạng thái sống của con người, nhưng ở Súng săn là hình ảnh của lũ rắn tị hiềm, còn ở Bọ tuyết là hình ảnh đàn côn trùng trắng mỏng manh tựa sợi bông dập dờn giờ chạng vạng, cơ hồ như đang tan rã.
Vụ hỏa hoạn tâm hồn
Súng săn bắt đầu với một bài thơ về một người thợ săn, thế rồi tác giả bài thơ nhận được bốn lá thư, lá thư thứ nhất là của một người đàn ông tự nhận là nhân vật thợ săn trong thi tứ, ba lá thư còn lại là của ba người phụ nữ: vợ ông, nhân tình của ông cũng là chị gái của vợ, và cô con gái của nhân tình.
Ba lá thư mỏng tang chứa đựng bên trong những tình yêu oan trái nhất nghiền nát trái tim con người, mỗi lá thư là một ngọn lửa từ từ thiêu rụi kẻ viết nó từ bên trong. Những tầng tâm thức phức tạp của niềm đam mê, lòng đố kỵ, sự thù hằn, sự ác hiểm của cái đẹp, những vụ tự sát vì tình không phải chủ đề xa lạ trong văn chương Nhật, độc giả có lẽ cũng từng gặp qua ở Akutagawa, rồi Kawabata, Tanizaki, Mishima. Dẫu vậy, ở Yasushi Inoue vẫn có nét riêng. Lớn lên vào đúng khoảng thời gian chủ nghĩa biểu hiện trong hội họa ra đời, Yasushi Inoue dường như đã viết tiểu thuyết ngắn này theo cách của một họa sư, với những luồng xúc cảm ngùn ngụt quẹt lên trang giấy hay những trường đoạn với các gam màu nhức nhối, thậm chí tóe lửa.
Đó là trường đoạn người vợ trẻ thấy chị gái cùng chồng mình trên bãi biển, nàng tiến về phía đó và bị sắc xanh đặc hoàn hảo của đại dương cản lại; đó là trường đoạn người chồng giương khẩu súng chưa lắp đạn hướng về phía gáy người vợ và nàng ước sao anh đã bắn nàng; đó là trường đoạn người chồng cùng tình nhân thấy một con thuyền bốc cháy giữa biển đêm vần vũ và cảnh tượng đẹp rợn ngợp ấy thôi thúc hai kẻ đang yêu dấn thân vào một cuộc tình đồi bại trong vô vọng.
Hình thức thư lồng trong thư, với lá thư mở đầu của người thợ săn mang dáng vẻ điềm nhiên giữa cảnh hoang tàn, rồi tiếp tục lần giở những lá thư đính kèm của ba người phụ nữ được xếp theo thứ tự độ khổ đau tăng dần, khiến cho câu chuyện liên tục là cuộc giằng xé giữa cái dữ dội của quá khứ và cái tĩnh lặng của hiện tại. Có lẽ, đáng sợ nhất trong một vụ hỏa hoạn tâm hồn không phải khi lửa bén, mà là khi lửa đã tắt, và nhân vật lặng lẽ chiêm ngắm phế tích lòng mình.
Những ngày thơ ấu của Yasushi Inoue
Khác hẳn với bầu không khí của Súng săn, tiểu thuyết Bọ tuyết là câu chuyện đẹp buồn về cậu bé Kousaku sống ở bán đảo Izu, nơi cậu được chăm nom bởi bà Onui, một cựu geisha và là vợ bé ông cố của Kousaku. Câu chuyện lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ sống xa cha mẹ của Yasushi Inoue.
Bọ tuyết không phải một tiểu thuyết ngây thơ, ngược lại, nó mô tả đầy đủ sự nghiệt ngã của cuộc đời: có sự sân si giữa các thành viên trong gia đình, có sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội, có niềm mặc cảm tự ti của một đứa bé nhà quê, có thành kiến đối với những người đàn bà trẻ lầm lỡ, có bệnh tật, có cả cái chết - cái chết của cả người già và người trẻ.
Yasushi Inoue (1907 - 1991) là nhà văn, nhà thơ lớn người Nhật, thành viên Viện Hàn lâm nghệ thuật Nhật Bản và nhận Huân chương Văn hóa Nhật Bản năm 1976. Năm 1950, ông giành giải thưởng danh giá Akutagawa cho tiểu thuyết Đấu bò. Các tác phẩm của ông thường lấy bối cảnh hiện đại kể về tâm hồn cô đơn của con người trí thức, hoặc tự truyện, hoặc tiểu thuyết lịch sử. Phong cách sáng tác giàu chất thơ của ông được yêu thích rộng rãi, nhiều tác phẩm liên tục được chuyển thể sang điện ảnh, truyền hình, sân khấu. Quỹ Tưởng nhớ Yasushi Inoue được thành lập năm 1992 cũng từng trao giải cho nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam vì các công trình nghiên cứu về văn hóa Nhật.
Nhưng người chứng kiến những điều đó là Kousaku, và ánh mắt của cậu bé như phủ lên thế gian một sự trắng trong lương thiện. Sự kiên định với cuộc đời vương đến những dòng cuối của tác phẩm, sau cái chết của một người cô mà Kousaku yêu thương nhất, cậu vẫn cùng bạn bè mình một mạch leo lên đỉnh đèo Amagi, vừa đi vừa hát trong ngọn gió đầu thu.
Đâu đó ta có thể mường tượng cậu bé Kousaku này khi lớn lên một chút sẽ nhang nhác giống Shoko, cô con gái riêng của người tình trong Súng săn. Cô gái đọc được cuốn nhật ký của mẹ mình trước khi bà uống thuốc độc và phát hiện ra bí mật khủng khiếp giữa mẹ, dì và dượng, ấy thế mà cô vẫn đủ lòng trong sáng để cảm nhận tình yêu sai trái giữa mẹ và dượng như cánh hoa bị đóng băng trong thủy tinh, và tin mẹ cô đã sống một đời hạnh phúc. Dẫu cho cuộc đời có tàn nhẫn thế nào, cõi đẹp bên ngoài có lừa mị đến đâu, vẫn có một cõi đẹp trong suốt bên trong những đứa trẻ, có thể bị đốt sém nhưng không thể bị làm hỏng.
Bình luận (0)