Hai cụ bà tuổi ngoài 80 đã xin được vào bệnh viện sinh sống. Và họ đã gắn bó cuộc đời mình với Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng trong nhiều năm qua...
Hai cụ bà Chép (trái) và bà Than sống trong bệnh viện đã nhiều năm nay - Ảnh: Diệu Hiền
|
Sau khi rời làng phong Hòa Vân (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) để vào bờ theo kế hoạch di dân của TP.Đà Nẵng, dân làng phong người nhận đất, người nhận nhà để bắt đầu cuộc sống mới. Riêng hai cụ bà Nguyễn Thị Than (82 tuổi) và Nguyễn Thị Chép (84 tuổi) lại quyết định chọn bệnh viện làm nhà đã gần 3 năm nay. Mỗi cụ một hoàn cảnh.
Cụ Chép người gốc Huế. Cụ đã từng hạ sinh 4 người con, rồi không may mắc căn bệnh phong quái ác. Bệnh phong cướp mất của cụ Chép không chỉ đôi bàn chân nhanh nhẹn, mà cả cuộc sống hạnh phúc. Không muốn phiền chồng con, cụ một mình ra làng phong Hòa Vân sống với những người “đồng bệnh” như mình. Cuộc sống thanh bình, êm ả đến khi làng di dời vào đất liền. “Con cái 4 đứa đều nghèo, mình đã từng đau ốm, đâu có nuôi con được bao nhiêu ngày, lại tật nguyền như vầy mà giờ đòi quay về với con thì khổ tụi nó quá. Mà ở một mình trong một căn nhà cũng không đặng. Giờ già quá rồi. Vì rứa nên tui chọn vào bệnh viện sống”, cụ Chép thở dài tâm sự.
Cụ Than là người Tam Kỳ (Quảng Nam), không con không cháu, nên khi nghe tin vào bờ sống, cụ lo nhiều hơn vui. Cuộc sống của cụ gần 40 năm gắn bó với làng phong đã quá quen thuộc rồi, khi chuyển vào đất liền, dù nằm trong danh sách nhận nhà, nhưng nghĩ tuổi đã cao, côi cút trong căn nhà, không ai chăm sóc, nên cụ quyết xin vào bệnh viện.
“Trong này dù gì cũng có bác sĩ, ngày nào cũng có người ra kẻ vào, thấy vui hơn là sống một mình trong căn nhà, đau ốm sớm hôm không ai biết”, cụ Than nói về sự lựa chọn của mình.
Hằng ngày, cụ làm bạn cùng bà Chép và chiếc radio đã mấy chục năm tuổi. “Bà ấy nghe không sót chương trình nào. Thời sự trong nước, quốc tế gì bà ấy cũng rành, hỏi chi cũng biết hết, giỏi lắm đó”, bà Chép khen người bạn cùng phòng. Cụ Than cười hóm hỉnh, dùng 2 bàn tay đã bị bệnh phong “ăn” mất cả các ngón ôm chặt chiếc radio cũ kỹ, đáp lời bà bạn cùng phòng: “Mình phải nghe cho biết tình hình bên ngoài ra sao chớ! Rồi còn có chuyện để kể cho bà nghe nữa!”.
Về phía Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, trước sự lựa chọn của hai cụ, bệnh viện đã tiến hành cải tạo một phòng bệnh tại khoa điều trị bệnh phong để làm phòng cho hai cụ sinh sống. Không chỉ chăm sóc về sức khỏe, các y bác sĩ tại bệnh viện cũng tạo điều kiện để hai cụ cơm, nước đầy đủ ngày 3 bữa, được sống như trong một gia đình...
“Ngoài chính sách của thành phố dành cho bệnh nhân phong, thì phía bệnh viện cũng trích kinh phí để chăm sóc mọi mặt cho các cụ. Khi có những đoàn từ thiện đến thăm, cũng đều đưa hai cụ vào danh sách, để các cụ có được niềm vui lúc tuổi già! Những ngày lễ tết các y, bác sĩ cũng đến chúc mừng như chúc mừng những người lớn trong nhà”, bác sĩ Trần Công Đức, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cho hay.
Có lẽ vì những tình cảm quý mến của các y bác sĩ dành cho hai cụ bà, nên cả cụ Chép lẫn cụ Than, đều cùng chung một ý định: “Tụi tui chắc sống ở đây đến lúc nằm xuống, chớ còn nơi nào để đi nữa”.
Bình luận (0)