Hải đăng phi pháp sẽ tiếp tục mọc lên ở Trường Sa

12/10/2015 08:31 GMT+7

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ xây thêm cơ sở điều hướng tàu ở Trường Sa, tiếp tục chuỗi hành vi nguy hiểm và phi pháp trên Biển Đông.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ xây thêm cơ sở điều hướng tàu ở Trường Sa, tiếp tục chuỗi hành vi nguy hiểm và phi pháp trên Biển Đông.

Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Đá Gạc Ma (trái, trên) và Đá Châu Viên (trái, dưới) chiếm đoạt của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa (ảnh: Mai Thanh Hải). Ảnh phải: Hải đăng phi pháp của Trung Quốc tại Đá Châu Viên đã hoạt động, ảnh chụp ngày 9.10.2015 - Ảnh: THXTrung Quốc xây dựng phi pháp ở Đá Gạc Ma (trái, trên) và Đá Châu Viên (trái, dưới) chiếm đoạt của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa (ảnh: Mai Thanh Hải). Ảnh phải: Hải đăng phi pháp của Trung Quốc tại Đá Châu Viên đã hoạt động, ảnh chụp ngày 9.10.2015 - Ảnh: THX
Sau khi Trung Quốc ngang nhiên kích hoạt 2 ngọn hải đăng phi pháp tại đá Châu Viên và Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh tuyên bố nước này “sẽ xây thêm nhiều cơ sở dân sự khác”.
Tương tự, trong lễ khánh thành 2 ngọn hải đăng cao 50 m, tầm chiếu sáng 22 hải lý nói trên, đại diện Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cũng tuyên bố trắng trợn sẽ tiếp tục xây dựng cái gọi là “những cơ sở hỗ trợ điều hướng tàu qua lại và ứng phó khẩn cấp để cung cấp dịch vụ cho các nước trong khu vực cũng như tàu bè qua lại vì nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế”.
Theo giới quan sát, những hành động, tuyên bố nói trên ẩn chứa nhiều ý đồ nguy hiểm nằm trong chiến lược củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thứ nhất, chúng được tính toán về mặt thời điểm để phản ứng thông tin hải quân Mỹ sẽ sớm đưa tàu chiến tiến vào khu vực 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa.
Thứ hai là tiếp tục đặt các nước trong khu vực và dư luận quốc tế vào sự đã rồi. Nếu tàu bè qua lại tại Biển Đông sử dụng dịch vụ điều hướng từ các cơ sở phi pháp hay dựa vào hải đăng để di chuyển thì sẽ bị Bắc Kinh coi như đã “công nhận chủ quyền của Trung Quốc”.
Cũng nguy hiểm không kém là các “cơ sở dân sự” này có tác dụng củng cố sự hiện diện trên thực địa và hoàn toàn có thể được quân sự hóa khi cần thiết. Từ lâu, các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo rằng những cầu cảng, đường băng liên tục mọc lên ở các khu vực bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Trường Sa hoàn toàn đủ khả năng cho tàu chiến và máy bay cỡ lớn hoạt động.
Việt Nam “sẽ mất 50% EEZ”
Trong một diễn biến liên quan, Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, Antonio T. Carpio vừa có chuyến làm việc tại Mỹ để tiếp tục cảnh báo về những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Đài TV5 dẫn lời Thẩm phán Carpio phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) rằng nếu được hiện thực hóa, yêu sách đường lưỡi bò phi lý sẽ “liếm” mất khoảng 50% diện tích Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trong khi các con số tương ứng của Philippines, Brunei và Indonesia lần lượt là 80%, 90% và 30%.
Theo ông, thông qua đường lưỡi bò, Trung Quốc sẽ vươn tay đến cả những vùng biển xa mà theo luật pháp quốc tế là tài sản chung của toàn cầu.
Ông lập luận rằng bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có thể khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng biển xa nên “toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi sự bành trướng của Trung Quốc”, theo Đài TV5.
Indonesia cân nhắc điều UAV ra Biển Đông
Trong bài xã luận trên tờ Kompas, Bộ trưởng An ninh Indonesia, Luhut Panjaitan cho hay nước ông đang xem xét triển khai máy bay không người lái (UAV) và tàu ngầm tới quần đảo Natuna để ứng phó tình hình bất ổn ở Biển Đông.
Ông nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực tăng cường năng lực cho quân đội Indonesia phải “trả lời cho câu hỏi chúng ta có thể tăng cường sức mạnh như thế nào ở quần đảo Natuna” và các lựa chọn bao gồm củng cố căn cứ không quân tại quần đảo, triển khai một đội UAV hoặc mua tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất.
Bloomberg dẫn lời Giáo sư Tirta Mursitama thuộc Đại học Binus (Jakarta) nhận định bài bình luận của ông Luhut là dấu hiệu cho thấy Indonesia ngày càng cảnh giác trước các hành động và ý đồ trên biển của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.