Hà Nội thứ 97, TP.HCM 105 trên tổng số 142 thành phố
Báo cáo xếp hạng thành phố thông minh toàn cầu (SCI 2024) vừa được IMD công bố xếp hạng 142 thành phố của 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có nhiều thành phố trong danh sách nhất (10 thành phố mỗi nước). Tiếp theo là Vương quốc Anh (8); Đức (6); Pháp và Ả rập Saudi (5); Úc, Canada, Tây Ban Nha, Ấn Độ (4); Thụy Sĩ, Ý, Brazil (3); Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand (2); và 45 quốc gia chỉ có 1 thành phố như Israel, Bồ Đào Nha, Hungary…
Trong khu vực Đông Nam Á, có 6 quốc gia có thành phố nằm trong bảng xếp hạng SCI, gồm: Indonesia (3) gồm Jakarta, Makassar, Medan; Việt Nam (2): Hà Nội, TP.HCM; Thái Lan (1): Bangkok; Philippines (1): Manila; Malaysia (1): Kuala Lumpur và Singapore.
Tại mỗi thành phố, SCI khảo sát cảm nhận của 120 người dân về các tiêu chí liên quan đến 2 trụ cột phản ánh diện mạo kinh tế-xã hội địa phương là cấu trúc (structures), tức cơ sở hạ tầng hiện có và công nghệ (technologies), gồm các dịch vụ và ứng dụng công nghệ mà thành phố cung cấp cho người dân. Mỗi trụ cột được đánh giá trên 5 phương diện: sức khỏe và an toàn; lưu thông; văn hóa và giải trí; cơ hội học vấn và nghề nghiệp; và bộ máy quản trị.
Điểm số xếp hạng năm 2024 là kết quả trung bình của 3 năm 2022 - 2024. Một bất ngờ là không có thành phố nào của Mỹ nằm trong top 20. Bảng xếp hạng SCI năm nay cũng phản ánh sự chênh lệch lớn về mức độ "thông minh" giữa các thành phố trong một quốc gia. Chẳng hạn, với nước Mỹ, New York xếp thứ 34, Boston 36, Los Angeles 68, Philadelphia 90, Phoenix 98; tại Vương quốc Anh, London thứ 8, Belfast 101; với Trung Quốc, Bắc Kinh 13, Thượng Hải 19, Quảng Châu 65, Thành Đô 93…
Thứ hạng của Hà Nội và TP.HCM trong danh sách thành phố thông minh toàn cầu
SCI đánh giá mức độ tiến bộ của mỗi thành phố trong tương quan với các thành phố nằm trong cùng nhóm về chỉ số phát triển con người (HDI) do cơ quan nghiên cứu quốc tế Global Data Lab (GDL) lập định.
GDL xếp các thành phố trên thế giới vào 4 nhóm với HDI "rất cao", "cao", "trung bình" và "thấp", tương ứng với các nhóm 1, 2, 3, 4 trong bảng xếp hạng SCI. Theo đó, Hà Nội (hạng 97) và TP.HCM (105) thuộc nhóm 4, gồm 36 thành phố là Jakarta (Indonesia, 103); Chu Hải, Thâm Quyến, Thành Đô (Trung Quốc, hạng lần lượt 58, 60, 93); New Dehli (Ấn Độ, 106), Cairo (Ai Cập, 114), Cape Town (Nam Phi, 129), Mexico City (Mexico, 122), Brasilia (Brazil, 130)…
Kẹt xe, ô nhiễm là mối bận tâm lớn nhất của người dân Hà Nội và TP.HCM
SCI xếp hạng các thành phố dựa trên nhận định của người ở địa phương đối với 15 hạng mục, gồm: dịch vụ y tế, giáo dục tại trường, giao thông công cộng, không gian xanh, các tiện ích cơ bản (điện, nước), an ninh, cung ứng nhà ở với giá hợp lý, tình trạng thất nghiệp, tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí, tái chế đồ phế thải, sự hài lòng trong công việc, các vận động xã hội và tính bao trùm, sự tham gia của người dân, tham nhũng và tính minh bạch.
Người tham gia khảo sát được đề nghị nêu 5 hạng mục mà họ quan tâm nhất. Ở những thành phố thuộc các quốc gia phát triển, công dân thường quan tâm nhiều nhất vấn đề nhà ở, theo sau là công ăn việc làm, dịch vụ y tế, giao thông công cộng, giáo dục và không gian xanh. An ninh là quan tâm số 1 ở các thành phố có xung đột và nghèo khó. Tuy nhiên, ở nhiều thành phố lớn của các quốc gia phát triển, an ninh cũng thường nằm trong top 5 các mối ưu tư hàng đầu của người dân.
Tại các thành phố cùng Nhóm 4 với Hà Nội và TP.HCM, mối bận tâm lớn nhất của người dân thường là kẹt xe và ô nhiễm không khí, tiếp theo là dịch vụ y tế, các tiện ích xã hội, giá nhà ở, nạn tham nhũng và tình trạng thất nghiệp.
Có chút khác nhau về "top 5" giữa hai đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Đối với Hà Nội là ô nhiễm không khí, tắc đường, tham nhũng, các tiện ích cơ bản và giá nhà. Còn ở TP.HCM lần lượt là kẹt xe, ô nhiễm không khí, giá nhà ở, các tiện ích cơ bản, và tình trạng thất nghiệp.
Với tiêu chí chuyển đổi số và các ứng dụng online (technologies), người được khảo sát ở 2 thành phố lớn nhất Việt Nam thể hiện sự tin tưởng và đồng tình cao độ đối với việc ứng dụng công nghệ số, dữ liệu online trong đời sống hằng ngày, từ việc theo dõi chất lượng không khí, đặt xe taxi, theo dõi kẹt xe, mua vé xem văn nghệ…, cho đến tìm việc làm và khởi nghiệp kinh doanh. Tất cả tiêu chí đều nhận được mức hài lòng trên trung bình của nhóm 4.
Người ở Hà Nội cũng cho biết 73,5% giao dịch hằng ngày của họ không dùng tiền mặt; con số này đối với người được khảo sát ở TP.HCM là 68,1%.
Tất cả cũng nhất trí cao trước câu hỏi có cảm thấy thông tin phổ cập rộng rãi trên internet làm gia tăng sự tin cậy của cá nhân đối với chính quyền không? Người ở TP.HCM nhất trí 84,6%, người Hà Nội 91,8%.
Cả hai thành phố Việt Nam đều đạt hạng CCC, hạng cao nhất của nhóm 4, cho trụ cột công nghệ. Gộp chung hai trụ cột, Hà Nội đạt hạng CCC, TP.HCM hạng CC.
Một thông tin khá thú vị từ khảo sát của SCI là thái độ của người dân về quyền riêng tư thông qua 2 câu hỏi: Có sẵn lòng tiết lộ dữ liệu cá nhân để cải thiện tình trạng kẹt xe không? Có thoải mái với việc chính quyền sử dụng công nghệ nhận diện nhằm giảm thiểu tội phạm không?
Trước 2 câu hỏi này, người dân ở Hà Nội và TP.HCM đều có tỷ lệ đồng tình rất cao, Hà Nội lần lượt là 90,7% và 93,7%, TP.HCM 86,5% và 88,4%, vượt xa mức trung bình của nhóm 4 là khoảng 70% và 80%.
Trong khi đó, tỷ lệ đồng thuận trung bình đối với hai câu hỏi trên ở các thành phố nhóm 1 và nhóm 2 thấp hơn nhiều, khoảng 57% và 63%. Nhóm 3 có tỉ lệ đồng thuận cao gần bằng nhóm 4.
Báo cáo SCI nhận định tương lai của các thành phố sẽ ngày càng gắn chặt với việc chuyển đổi số. Sự chi phối của trí tuệ nhân tạo (AI) trong các dịch vụ của thành phố đưa đến hy vọng lẫn lo ngại mới. Vì vậy, niềm tin của công chúng và khả năng quản trị của bộ máy chính quyền sẽ là những yếu tố then chốt giúp các thành phố trở nên sẵn sàng cho tương lai với chủ trương lấy con người làm trung tâm.
Bình luận (0)