Hai đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên đạt giải nhất giải thưởng Loa Thành

Vũ Thơ
Vũ Thơ
27/12/2020 12:47 GMT+7

Với kết quả xuất sắc, đồ án tốt nghiệp đại học của sinh viên Phạm Duy Tân (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) và Lê Quốc (Trường ĐH Khoa học Huế), cùng giành giải nhất Giải thưởng Loa Thành lần thứ 32, năm 2020.

Ngày 27.12, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với T.Ư Đoàn, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Loa Thành cho các đồ án tốt nghiệp đại học xuất sắc ngành kiến trúc - xây dựng lần thứ 32, năm 2020, với sự tham dự của anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Hội đồng Giải thưởng Loa Thành cho biết, năm nay có 18 trường trong toàn quốc tham gia giải thưởng. Số lượng trường tham gia giải giảm so với năm 2019 do dịch Covid-19, một số trường phải điều chỉnh kế hoạch đào tạo.
Tuy nhiên, số lượng đồ án dự thi lại tăng so với năm 2019. Năm nay, có 177 hồ sơ dự thi, trong đó đồ án chuyên ngành kiến trúc và quy hoạch nhiều nhất với 104 hồ sơ. Hội đồng giải thưởng đã họp chấm chọn ra các đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất để trao giải.
Tại Lễ trao Giải thưởng Loa Thành 2020, Ban tổ chức đã vinh danh 2 giải nhất, thuộc về: đồ án “Bảo tàng Lãnh Mỹ A” của sinh viên Phạm Duy Tân (ngành kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) và đồ án “Những khoảng lặng bên kênh đào Hương Vinh” của sinh viên Lê Quốc (ngành kiến trúc, ĐH Khoa học Huế).
Ngoài ra, có 15 đồ án đạt giải nhì, 20 giải ba và 20 giải khuyến khích.

Các sinh viên có đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhận Giải thưởng Loa Thành

Ảnh Bảo Anh

Nổi bật về tính sáng tạo

Đại diện Hội đồng Giải thưởng Loa Thành cho biết, 2 giải nhất đạt điểm tối đa ở cả 4 tiêu chí chấm giải, nhất là các tiêu chí về tính sáng tạo và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
Với đồ án “Bảo tàng Lãnh Mỹ A”, sinh viên Phạm Duy Tân đã kể một câu chuyện về bảo tồn làng nghề truyền thống đậm chất Nam bộ bằng ngôn ngữ kiến trúc, dẫn dắt từ xuất xứ, ý nghĩa và thăng trầm của nghề dệt lụa, sứ mệnh của bảo tàng gắn với bảo tồn và phát triển đến những không gian trong, ngoài.
Trong đó, nổi bật là quan niệm thú vị và sâu sắc về tinh thần và công năng. Mối quan hệ của bảo tàng với làng nghề không khác mấy với mối quan hệ của đình làng với làng xã. Tác giả đã xử lý hài hòa, sống động và nghiêm cẩn theo trục dọc tiếp nối các không gian chức năng chính: trưng bày, trình diễn, trải nghiệm, nghiên cứu cùng các không gian phụ trợ công cộng khác. Hình khối và ngôn ngữ đơn giản, hiện đại.
Với đồ án “Những khoảng lặng bên kênh đào Hương Vinh”, sinh viên Lê Quốc đã sử dụng các phương pháp tiếp cận từ tổng thể đến các giải pháp chi tiết nhằm giải quyết các tương tác giữa con người - tự nhiên - kiến trúc. Không chỉ là các giải pháp kiến trúc, tác giải còn xác lập các chỉ giới để làm cơ sở quản lý kiểm soát cho cộng đồng cũng như cơ quan quản lý chuyên trách.
Các giải pháp được đề xuất đã cải thiện, đem lại những giá trị mới, sức sống mới cho những khoảng lặng nơi sân sau của từng ngôi nhà, từng khoảng trống ven mặt nước trở thành không gian kết nối tương tác con người với cộng đồng, con người với tự nhiên; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm con người với cộng đồng và môi trường sống. Đồ án này được Hội đồng đánh giá có tính khả thi cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.