Tháng 12.2023, Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh về việc hàng nghìn mét vuông đất được UBND tỉnh Hải Dương giao cho Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương (BV) quản lý, sử dụng đã bị đơn vị này cắt, giao cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê, không liên quan đến lĩnh vực y tế, xây nhiều công trình vi phạm trái với quy định của nhà nước về quản lý đất đai.
Đáng chú ý, năm 2011, BV ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH MTV Đại Sơn (viết tắt là Công ty Đại Sơn) trước khi được UBND tỉnh Hải Dương nhất trí chủ trương.
Hợp đồng này có những nội dung không đúng quy định và chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, như: thời gian hợp tác 15 năm, đến 25.5.2026; BV chỉ sử dụng 10% diện tích xây dựng để kinh doanh dược phẩm, không có vật lý trị liệu, còn lại 90% diện tích Công ty Đại Sơn sử dụng kinh doanh thương mại...
Sai phạm này đã được Sở TN-MT tỉnh Hải Dương chỉ ra. Tiếp đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương đã có những văn bản chỉ đạo quyết liệt đối với UBND TP.Hải Dương và các sở, ban, ngành về việc phải tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại về sai phạm đất đai hiện có trên đất do BV quản lý.
Sở TN-MT tỉnh Hải Dương cho biết, tổng diện tích các công trình vi phạm nêu trên khoảng hơn 4.000 m2 chưa được thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 31.8.2023, BV đã chấm dứt hợp đồng với 9 cá nhân, doanh nghiệp thuê tại vị trí giáp vỉa hè đường Thanh Niên, đã tháo dỡ các ki ốt, xây dựng lại tường bao của BV.
Cũng trong ngày 31.8.2023, UBND TP.Hải Dương ban hành Quyết định số 2931 về buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty Đại Sơn, trong đó yêu cầu công ty này tự phá dỡ toàn bộ các công trình vi phạm; thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ ngày 1.9.2023. Nếu công ty không tự tháo dỡ, từ ngày 11 - 20.10.2023, UBND TP.Hải Dương sẽ tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm.
Tuy nhiên, đến ngày 9.12.2023, khi công trình vi phạm của Công ty Đại Sơn vẫn tồn tại, PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Tăng Văn Quản, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Dương, và được ông Quản cho biết: "UBND TP.Hải Dương đã yêu cầu Công ty Đại Sơn tự nguyện di chuyển tài sản và tháo dỡ công trình trên diện tích đất vi phạm trước ngày 15.12.2023. Sau ngày 15.12.2023, nếu vi phạm vẫn diễn ra, UBND TP.Hải Dương sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định".
Tuy nhiên, đến ngày 28.2, qua khảo sát thực tế của PV, công trình vi phạm của Công ty Đại Sơn trên đất của BV vẫn tồn tại; hệ thống quán cà phê, nhà hàng vẫn hoạt động.
Sẽ cưỡng chế sau ngày 29.2?
PV đã gọi điện thoại cho ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND TP.Hải Dương, hỏi về phương án xử lý đối với Công ty Đại Sơn khi vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của chính quyền, và biện pháp cưỡng chế khi doanh nghiệp này không tự tháo dỡ công trình vi phạm thì được ông Đăng đề nghị liên hệ với ông Tăng Văn Quản, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Dương.
Ngày 28.2, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Tăng Văn Quản cho biết: "Trong tháng 12.2023, UBND TP.Hải Dương đã ban hành lệnh cưỡng chế các công trình vi phạm đối với Công ty Đại Sơn trên đất thuộc BV quản lý. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp tiếp tục xin gia hạn để tự nguyện tháo dỡ đến ngày 29.2.
Nhưng thực tế đến thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện công việc kể trên. Ngày mai (29.2 - PV), UBND TP.Hải Dương sẽ mời đại diện Công ty Đại Sơn cùng các đơn vị chức năng có liên quan đến họp, đối thoại. Sau ngày 29.2, nếu công trình trên vẫn còn tồn tại, chính quyền sẽ cắt điện, cắt nước và thi hành quyết định cưỡng chế. Mọi chi phí liên quan đến việc cưỡng chế, doanh nghiệp này sẽ phải chịu".
Về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan đến sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại BV, ông Nguyễn Viết Hải, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, cho biết việc xử lý, kỷ luật sẽ được tiến hành sau khi toàn bộ hệ thống các công trình vi phạm trên đất của BV được tháo dỡ.
Bình luận (0)