Trong đó, rất nhiều người đề nghị phải xử lý hình sự chủ những cơ sở này mới tương xứng hành vi họ gây ra cho xã hội.
[VIDEO] Rợn tóc gáy với thủ phủ dầu ăn bẩn ngay tại vùng ven TP.HCM
|
Câu hỏi đặt ra là hành vi của những cơ sở này gây ra có thể xử lý hình sự? Bởi thực tế 5 năm trở lại đây, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn ở mức báo động, xã hội bức xúc, nhưng số vụ đưa ra xử lý hình sự rất hiếm. Lý do, bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 quy định để xử lý hình sự các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải chứng minh được hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Thế nhưng, thế nào là gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì BLHS 1999 chưa cụ thể hóa. Vì vậy, hầu hết các vụ việc chỉ dừng ở xử phạt hành chính.
|
Luật đã thay đổi
Luật sư (LS) Trần Công Ly Tao, Đoàn LS TP.HCM, cho biết quy định hiện hành nêu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. “Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nêu mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm”, LS Tao viện dẫn.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm trên, theo LS Tao, thực tế BLHS năm 1999 đã có chế tài nhưng để đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải có tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Mà thế nào là gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì BLHS 1999 chưa cụ thể hóa, thành ra khó khăn cho việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ nên không có căn cứ xử lý hình sự”, LS Tao nói. Tuy nhiên, “rào cản” này đã được gỡ bỏ khi BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ban hành quy định rõ hơn về tội danh “vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” để xử lý nghiêm loại hình tội phạm này.
“Cụ thể, điều 317 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu các hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự gồm: Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy; nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng... thì khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 20 năm tù, tùy vào trị giá sản phẩm từ 10 triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng hoặc phụ thuộc số tiền thu lợi bất chính, hoặc hậu quả thiệt hại sức khỏe, tính mạng theo luật định”, LS Tao phân tích.
|
Đủ cơ sở xử lý hình sự
Liên quan đến vụ việc mới nhất, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) Bộ Công an tại TP.HCM phối hợp Chi cục Quản lý thị trường TP qua kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ 45 tấn dầu cũ, 11 tấn hành, tỏi phi, 1 tấn tỏi tươi nhập từ Trung Quốc nhưng chứng từ không hợp lệ...
Đối chiếu những thông tin trên, LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cho rằng hành vi sử dụng dầu bẩn, dầu sử dụng nhiều lần đã vi phạm vào các hành vi bị cấm quy định tại điều 5 luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010, khi sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm... Từ đó, LS Hậu đề nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý trách nhiệm hình sự các đối tượng sản xuất, chế biến, cung cấp dầu bẩn theo điểm a khoản 1 điều 317 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về hành vi “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”. Cụ thể, quy định này nêu người nào thực hiện hành vi sử dụng chất..., phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù.
Nguy cơ gây ung thư
Theo chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ, trong dầu tái chế ngoài chứa chất acrolein kích thích mạnh da, mắt và mũi, nếu hít phải (ngắn hạn) có thể dẫn đến dị ứng da và gây tắc nghẽn đường hô hấp, còn có acrylamide có khả năng sinh ung thư và các bệnh khác. Đó là chưa kể các chất độc hại có trong quá trình dùng dầu tái chế để chiên, xào…
Vẫn theo ông Độ, với công nghệ lọc hiện nay nhìn bằng mắt thường khó phân biệt được dầu mới và dầu đã qua sử dụng. Nhưng dầu tái chế dù có qua bộ lọc cũng chỉ giảm được thành phần cơ học, còn thành phần hóa học lọc được không đáng kể, chất độc hại vẫn còn. Do đó, dầu tái chế dù đã lọc rồi vẫn không nên sử dụng làm thực phẩm.
|
Tiếp tục thu thập chứng cứ để xử lý nghiêm
Theo một cán bộ C05, trước đây cơ quan chức năng từng kiểm tra xử lý các cơ sở chế biến hành, tỏi phi ở H.Hóc Môn, H.Củ Chi và 3 cơ sở dầu cũ tái chế ở H.Hóc Môn nói trên, nhưng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Đến nay, quy định pháp luật mới đã bổ sung khá rõ ràng nên cơ quan công an sẽ điều động lực lượng thu thập thêm chứng cứ làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm, nhằm răn đe đối tượng cố tình vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Đàm Huy)
|
Bình luận (0)