Công việc chính của tôi là chạy bàn, thỉnh thoảng thiếu người tôi có thể bị điều động xuống bếp hỗ trợ vài việc vặt hay “sang” hơn, có lúc ngồi két tính tiền nữa. Tôi có vài chỉ tiêu vừa đủ uy tín để ngồi vào cái ghế nhạy cảm này bởi chủ quán là chỗ bạn bè thân thiết với mẹ tôi.
Quán cà phê nằm trên con đường nhỏ trong một khu đô thị mới. Quán khá yên tĩnh. Sân vườn có vài cây to như bàng, phượng, osaka… tiểu cảnh, hồ cá, đèn chùm mắc trên cây… mà tôi thấy các quán cà phê trong thành phố đều có kiểu trang trí na ná; bên trong là khu vực máy lạnh hai tầng trệt và lầu.
Tôi để ý, đến quán đa phần khách quen. Thỉnh thoảng có khách lạ tạt qua, uống ly nước nói vài câu chuyện, ngồi chưa nóng chỗ đã rời đi, chỉ khách quen mới “ngồi đồng”. Tôi phục vụ trên lầu, lượng khách ít thay đổi, tôi thậm chí nhớ được sở thích một số người. Ví dụ như có người không bao giờ uống nước trà mà chỉ dùng nước lọc, có người không uống trà đá mà sau khi gọi thức uống liền kêu thêm bình trà nóng, có người uống dừa lạnh mà không dùng thứ gì khác. Hay có người chỉ ly đen đá, ngồi từ sáng đến trưa...
Gian trên lầu có năm bàn, kiểu salon. Một bàn trong góc phòng, hai bàn ở vị trí giữa phòng và ba bàn ngồi nhìn xuống sân quán và mái ngói. Bàn nhìn xuống sân quán rộng rãi, thoải mái hơn hai bàn trông ra mái ngói, ghế đôi, thường dành cho tình nhân.
Khách “dính ghế” gian này nhiều nhất là các nhóm thảo luận, một cặp đồng tính nữ hay ghé vào buổi tối, vài đôi tình nhân; có cặp nam, nữ trung niên hay đến vào buổi xế, tôi thấy họ thường bàn luận rồi ghi chép gì đó trên những tờ giấy kết nối với nhau thật dài, chi chít những con số, thường qua 7 giờ tối mới rời đi.
Công việc trôi đều, khi tôi làm ca sáng qua trưa, khi tôi làm ca chiều đến tối khuya. Khách quen, thỉnh thoảng vài ba câu chào hỏi, khách hơi lạnh lùng xa cách phải ý tứ giữ mối quan hệ phục vụ, không vồ vập làm họ mất tự nhiên hay nhún mình quá khiến họ không thoải mái, luôn biết giữ mức thân thiện vừa đủ… Loáng cái, những cây bàng rụng lá, trơ khấc cành rồi chuyển sang lún phún lá xanh non. Rồi lớp lá non lớn dần, dày lên, đậm màu mà tôi vẫn chưa tìm được việc làm chính thức ở đâu. Đơn xin việc tôi gửi đi thiếu điều như phát tờ rơi nhưng phản hồi rất lèo tèo. Hồ sơ của tôi tuy không thuộc loại xuất sắc hay giỏi nhưng không đến nỗi tệ. Có hai công ty sau khi phỏng vấn đồng ý tuyển dụng nhưng lương quá thấp lại đi xa… Tôi không còn chọn lựa nào khác là chấp nhận tạm thời (mà không biết tạm thời bao lâu) làm việc ở quán, nhận đồng tiền sạch bằng sức lao động và chờ đợi thời cơ với những buổi chiều tiếp thêm trà đá cho các nhóm thảo luận, thỉnh thoảng ngứa tai nghe vài câu phát biểu chém gió hùng hồn, rồi sau đó dọn dẹp, lau sạch bàn, xếp lại ghế khi họ rời đi. Hay, những buổi tối thấy các đôi tình nhân, cặp đồng tính nữ âu yếm, hôn nhau; họ tự nhiên coi như không có sự hiện diện của tôi, ngay cả lúc châm trà đá, chẳng hạn.
Một ngày, xuất hiện cặp đôi khá lạ. Thật ra, tôi và mọi người không tò mò hay chú ý vì họ cũng như nhiều khách “vãng lai” khác nếu đến vài lần, nhưng rồi họ đến thường xuyên và đều đặn khiến quen mặt. Người đàn ông khoảng chưa đến bảy mươi, cao to, đi bước chậm, từ tốn và người phụ nữ tôi đoán chưa quá sáu mươi, vóc nhỏ thấp, đi bước nhanh, nhẹ nhàng so với số tuổi.
Thời gian đầu, họ đến tuần một lần, vào buổi chiều, khoảng 6 giờ họ rời đi. Có lần tôi nghe người đàn ông nói với chị Thúy, chủ quán ngồi quầy thu ngân rằng, họ đi ăn và sẽ tìm quán cà phê nữa ngồi tiếp tăng hai. Bọn tôi đang túm tụm ở đó, đứa nào cũng tròn mắt rồi phì cười. Chị Thúy buột miệng: “Bác vui tính quá!”.
Trái ngược với người đàn ông có nụ cười vui vẻ, chan hòa, thân thiện, mỗi lần tính tiền ông đều hỏi han bọn tôi đứa này bao tuổi, đứa kia làm lâu chưa, khen đứa nọ có nụ cười đẹp, đôi mắt sáng…, người đàn bà trông nghiêm nghị, vẻ khó tính, ít nói gì với chúng tôi ngoài một câu mỗi khi vào quán: “Trên lầu còn chỗ không cháu?”. Có lần, vui vẻ lắm, bà nói với chị Thúy lúc đứng ở quầy chờ tính tiền: “Khi nào các cháu không thấy hai bác đến nữa ắt một trong hai người không còn”. Chị Thúy liền nói: “Bác nói gì ghê vậy?”. Người đàn bà cười: “Thì hai bác đã già rồi mà. Ai rồi cũng đi đến cuối con đường đó”.
Rồi cặp đôi đặc biệt ấy đến quán dày hơn, tuần ba buổi chiều. Khi biết quán có phục vụ ăn tối thì họ ngồi lại dùng bữa, đến lúc chúng tôi bắt đầu dọn dẹp đóng cửa mới đứng lên ra về.
Thỉnh thoảng rảnh việc, chùm nhum ở quầy thu ngân, chúng tôi hay đoán mò về mối quan hệ của họ. Chị Thúy chắc như đinh đóng cột rằng họ không là vợ chồng cũng chẳng phải tình nhân. Chị lý giải, nếu tình nhân thì người đàn ông ấy sẽ cặp một cô trẻ chứ không phải đi với một phụ nữ lớn tuổi như thế. Và nữa, đã là nhân tình thì họ không đến quán cà phê mà sẽ tìm khách sạn. Ở tuổi ấy, có thể họ không nhu cầu tình dục, nhưng được nằm bên nhau, nói chuyện, tâm sự vẫn thích hơn ngồi quán cà phê một cách rất ý tứ như thế.
Lý do chị Thúy ngồi dưới này mà biết được trên lầu là bởi thông tin từ chị Ánh, phục vụ lau nhà mỗi chiều kể lại luôn thấy họ ngồi đối diện nhau ở bộ salon nhìn xuống sân quán. Tôi biết, họ quen chọn bàn này. Nếu bàn có người, họ sẽ ngồi vị trí khác và chờ đến lúc bàn trống họ lại chuyển qua. Có lần người đàn ông nói với tôi: “Ngồi chỗ này thoáng”, ông còn đùa, để các cháu thấy hai ông bà chẳng làm gì mờ ám!
Theo suy luận của chị Thúy, họ phải quen biết nhau lâu lắm mới thân thiết như vậy. Mức độ thân thiết không thể hiện bằng những cử chỉ va chạm, âu yếm như tuổi trẻ nhưng cách họ ngồi với nhau hàng 8, 9 giờ đồng hồ liền cho thấy điều này. Chị Ánh thì cho rằng, có thể ngày xưa họ từng là vợ chồng, cũng có thể đã một thời là tình nhân, xa cách nhiều năm mới gặp lại bởi thỉnh thoảng chị nghe những câu nói thân mật trên mức tình bạn.
Tôi không suy đoán về quan hệ của họ, chỉ thấy một điều vẻ tâm đầu ý hợp rất rõ, nếu trên đời có một mối tình gọi là tri kỷ, không là vợ, chẳng phải tình nhân nhưng trên mức bạn bè. Thỉnh thoảng lên châm trà đá, tôi thấy người đàn bà cười ngặt nghẽo từ câu chuyện của người đàn ông. Có hôm trời mưa, tôi thấy họ không nói chuyện mà cùng nhìn ra khung kính. Một khoảng lặng quá tuyệt vời. Nếu có máy ảnh và được phép chụp, tôi sẽ chớp tấm hình ngược sáng rất đẹp, hai dáng ngồi đối diện, một chống cằm, một để xuôi tay trên thành ghế, hai mái đầu nghiêng và in vào cửa kính là những hạt mưa óng ánh sắc màu bởi giàn đèn trang trí xanh, đỏ, vàng, tím bên ngoài đang bật sáng.
Có một lần họ về sớm. Lúc xuống tính tiền, chị Thúy hỏi nhỏ: “Hôm nay hai bác không ở lại ăn chiều?”. Tôi nghe người đàn ông trả lời là họ vừa cãi nhau và bà muốn về. Rời đi, người đàn bà quay lại nói với người đàn ông: “Ai đánh mà khai? Trả lời có việc về sớm là đủ rồi. Khéo làm trò cười cho bọn trẻ. Già rồi còn cãi nhau”. Vẻ như người đàn bà ý tứ, kín đáo hơn người đàn ông.
Ngày nối tuần rồi nối tháng. Hai người khách đặc biệt vẫn đều đặn đến quán ba lần mỗi tuần. Chúng tôi chẳng còn ai thắc mắc hay tò mò họ là gì với nhau. Tôi thuộc lòng sở thích của họ. Ban đầu, người đàn ông gọi một ly kem, người đàn bà một ly nước ép. Sau đó có thể người đàn ông gọi thêm ly cà phê đá. Đúng 6 giờ chiều họ gọi thức ăn. Sau khi ăn xong, người đàn bà xin bình trà nóng và người đàn ông thêm một ly cà phê đá nữa. Câu chuyện giữa họ chẳng thể nào ngưng. Liên tục hết bình trà này tiếp bình trà khác, chiều này sang tối kia... Tôi không hiểu họ nói gì với nhau mà nhiều đến vậy. Ba mẹ tôi tiếng là bạn cùng lớp từ thời đại học. Yêu nhau đến 8 năm mới làm đám cưới. Cùng sở thích đọc sách, nghe nhạc vậy mà đã từ rất lâu, tôi ít thấy ba mẹ chuyện trò đến nửa giờ; thậm chí, ngồi lâu một chút thế nào cũng có chuyện cãi nhau!
Có lần, họ đang dùng bữa chiều, tôi nghe người đàn ông nói nhỏ: “Hạnh phúc quá!”. Người đàn bà tiếp lời: “Bây giờ mà chết thì uổng lắm!”.
Vậy mà có một chiều. Tôi khó thể kể lại chính xác bối cảnh buổi chiều ấy và diễn tả gương mặt hai người lúc họ vào quán. Người đàn bà đi nhanh hơn mọi lần, nét mặt rất căng thẳng. Người đàn ông theo sau, môi mím, khác hẳn vẻ thân thiện thường gặp. Khi tôi mang nước lên thì câu chuyện giữa họ bắt đầu gay gắt. Tôi không nghe người đàn bà nói gì chỉ có giọng đều đều của người đàn ông. Khách khi ấy chỉ có hai người họ với nhau và nhạc phát ra với âm thanh hơi lớn. Họ mải tập trung vào đối thoại nên không chú ý tôi đang đứng phía khuất của căn phòng.
Rồi tôi biết người đàn bà khóc vì tôi nghe câu nói của người đàn ông: “Cô đừng dùng những giọt nước mắt để lung lạc tôi”. Thế là thế nào nhỉ? Tôi hoàn toàn mù tịt!
Rồi tôi nghe giọng người đàn bà với âm điệu hơi gắt: “Tại sao anh lại nói như thế? Người ta có thể khóc vì uẩn ức, cảm xúc dồn nén, vì tủi phận hay nỗi buồn nào đó. Em đâu yêu cầu anh chịu trách nhiệm về những giọt nước mắt này!”.
Rồi câu chuyện giữa họ đẩy lên cao trào bắt đầu từ câu nói của người đàn ông:
- Một ngày nào đó tôi và hắn tìm đến nhà cô, cái nhà nghèo chết mẹ, không có chỗ mời chúng tôi ngồi nữa, thì sao? (Một cú ra đòn nhanh, bất ngờ, trực diện thử thách sức chịu đựng tâm lý).
Giọng người đàn bà bật to, nhưng lắp bắp:
- Anh nói sao? Tìm đến để làm gì? Mà nghèo là một cái tội à? Tại sao anh lại buột miệng câu khinh người như thế? (Phán đoán không linh hoạt khiến người đàn bà không giữ được bình tĩnh).
- Ừ, nghèo là cái tội lớn. (Xem ra người đàn ông đang cố tình nhây, chọc tức đối phương).
Tôi nghe người đàn bà to tiếng, không kiềm chế:
- Anh nói vậy, toàn bộ người nghèo trên thế giới này đều mang tội hết hay sao? (Lúng túng, tìm thế tự vệ).
- Có tội vì họ góp phần làm suy kiệt thế giới! (Trời, phải câu nói từ người đàn ông vẫn nhìn chúng tôi bằng đôi mắt thân thiện, ánh lên những nét vui, dí dỏm không?).
Người đàn bà nói to hơn, vẻ mất bình tĩnh thấy rõ:
- Anh giàu bao nhiêu mà chê người khác nghèo? (Mất tự tin, chống trả yếu ớt).
- Tôi có căn biệt thự, còn nhà của cô có ra gì đâu! (Tôi thiếu điều chết đứng).
- Trời, ruộng đất cha mẹ cho em còn chưa ham! (Thiếu kỹ thuật né đòn).
- Cái đó không tính! (Người đàn ông “nhây” riết thành mất kiểm soát rồi).
- Nhà to, chết có mang theo được không? Giọng người đàn bà lạc đi.
- Không mang theo được nhưng con cái tôi vẫn sung sướng hơn con của cô! (Thật sự là một cú nốc ao).
Người đàn bà nói tiếp, giọng rền rĩ, âm u:
- Ngày xưa một lần anh xúc phạm em nặng nề, em đã quên. Bây giờ anh lại nói những điều tương tự vậy. Anh ơi, chúng mình tạo nghiệp rồi, con cái sẽ gánh lấy cái nghiệp này!
- Không có nghiệp nào hết. Con gái tôi có đường đi của nó. Nó sẽ thành tiến sĩ, còn cô, chỉ tốt nghiệp đại học! (Tôi thiếu điều kêu trời vì nghe thêm một câu hồ đồ nữa).
- Anh ơi, người có làm to lớn đến đâu cũng không qua được bàn tay sắp xếp của ông trời! (Tại sao người đàn bà lại có câu vừa không kiềm chế và lại yếu đuối thế nhỉ!).
Trong lúc họ cãi nhau, tôi có đến châm nước mấy lượt. Lần cuối cùng, người đàn ông nói với tôi:
- Thôi đừng thêm nước nữa, bác uống đến ly thứ sáu rồi. Còn nước là còn cãi nhau tiếp!
Người đàn ông nói tiếp mấy câu nhưng nhạc lớn quá tôi không nghe rõ.
Một lúc, người đàn bà nói, giọng yếu ớt:
- Anh đừng nói nữa. Anh càng nói em không kiềm chế được cảm xúc. Chúng ta về thôi!
- Tôi sẽ không bao giờ gặp cô nữa. Đó là câu cuối cùng tôi nghe được từ người đàn ông.
@
Ngày hôm sau, tôi nhận được giấy báo từ một công ty may mặc, lương khá, công việc ổn định. Cuộc sống trôi nhanh về phía trước. Tôi lập gia đình, vợ tôi là bạn cũ thời đại học. Chúng tôi có một con trai. Thỉnh thoảng cuối tuần rảnh rỗi, gia đình tôi lại đến quán cà phê cũ. Chị Thúy đã cho dẹp bớt tiểu cảnh, hồ cá và thay bằng hai ghế xích đu, một cầu tuột nhỏ, thuận tiện cho cha mẹ con cái cùng cà phê. Chị Thúy vẫn ngồi giữ két tiền của chị. Tôi chưa bao giờ lên lại gian lầu mà chỉ ngồi dưới sân vườn, có thể ngước thấy khung kính, chỗ đặt bộ salon nhìn xuống sân quán. Hồi đó, thỉnh thoảng tôi hay đứng trông lên xem người đàn ông có ra hiệu cần phục vụ gì không? Tôi nhớ những buổi chiều sẫm đến tối khuya họ ngồi đối diện nhau dưới ánh đèn màu vàng có tiếng nhạc rất nhẹ, câu chuyện tiếp nối câu chuyện. Rồi bỗng dưng, tôi nghe tiếng thủy tinh vỡ “xoảng” rất to, sắc, lạnh. Tôi hoàn toàn không hiểu họ là gì với nhau và nguyên nhân nào đã biến họ thành hai kẻ điên rồ buổi chiều ấy. Những câu nói đâm thẳng vào tim người đủ để họ day dứt hết những ngày còn lại của cuộc đời chẳng bao nhiêu. Cũng có thể tôi hơi nhạy cảm và cường điệu bởi thời gian sẽ giúp người ta quên, nhưng liệu họ còn bao lâu thời gian nữa để kịp quên?
Con người ta ở tuổi nào cũng có những sai lầm không cứu vãn được!
Bình luận (0)