Dung lăn qua lăn lại hơn chục bận nhưng không thể ngủ được nữa. Cô xuống giường, xỏ dép, mặc áo khoác, ra bếp bật đèn, mở tủ lạnh, lôi xoong nước lèo, vớt bỏ lớp mỡ đọng rồi bật lửa liu riu nấu phở chờ ngày lên.
Sang đây đã lâu, nhưng đông cũng như hè, thay vì tối nấu đồ ăn bỏ tủ lạnh, sáng ra hâm lại, Dung luôn dậy sớm chuẩn bị bữa sáng để con dậy ăn rồi đi học. Với bọn chúng, chỉ có phở má nấu là ngon nhất. Cả nhà không chịu được mùi hồi nồng nặc ở các tiệm phở, cũng chẳng mua nước cốt bò người ta làm sẵn, bán ở siêu thị Việt chứa toàn bột ngọt. Dung giữ cách nấu phở kiểu bên nhà, mua xương bò về luộc bỏ nước một, để lửa nhỏ hầm khoảng bốn tiếng với sả và gừng. Sau đó để nguội, mang bỏ tủ lạnh cho mỡ đông lại bên trên. Sáng vớt bỏ rồi mới đem đi nấu. Tuy có hơi kỳ công, nhưng tô phở tái nạm gân bò viên của cô lúc nào cũng chất lượng.
Dung bày rau giá, tô đũa ra bàn. Liếc qua điện thoại. Tin nhắn của Phước cứ lởn vởn trong đầu, chưa thoát khỏi hồn cô.
“Gửi về cho anh ít tiền khám bệnh. Dạo này anh thấy không khỏe trong người. Cứ trở trời là chân cẳng nhức muốn khùng”.
Dung làu bàu. Bao gái thì có chứ bệnh hoạn cái nỗi gì. Tiền bên này làm cực khổ mà coi như lá cỏ hổng bằng.
2. Mấy năm ngụp lặn xứ này, Dung chưa một lần về thăm xứ sở. Không có cơ hội ăn với ba bữa cơm chiều những ngày bóng xế. Chẳng ngồi trong lòng má trước hiên để bà lấy lược chải tóc, bôi dầu dừa bóng mượt. Thị trấn nhỏ xíu ngày nào đi một vòng đã hết mấy con đường, giờ lên thị xã nhờ nguồn khách du lịch tăng vọt. Thỉnh thoảng gọi về, má kể sáng nay đi chợ, con Tám nhắc tới bây. Thím Chín hỏi khi nào bây trở lại? Thằng Lâm nhắn kêu bây về, nhậu với tụi nó một chầu. Nợ mòn con lớn lo gì. Còn thằng Phước cả tháng nay không ghé thăm tao. Thẳng thiệt tệ!
Trốn nợ!
Hai từ coi bộ nhẹ bâng nhưng đủ sức làm Dung gục ngã. Quán nhậu một trăm mét vuông chứa không đủ khách, nhờ tài nấu nướng của cô, mỗi tháng mang lại cho hai vợ chồng mấy chục triệu, đủ nuôi thằng con học cấp ba ở Mỹ. Yên ổn thế nhưng vẫn không thỏa mãn cơn háo thắng đang dâng lên trong Phước mỗi ngày. Mặc cho Dung nhỏ to ngăn cản, mặc cho bạn bè ra vô nói hết lời, Phước vẫn bất chấp, cầm cố hết giấy tờ nhà cửa, vay ngân hàng ba tỉ bạc, dẹp quán, dồn hết sức để mở đìa nuôi tôm với ốc hương xuất khẩu làm giàu.
Mùa đầu tiên anh trúng hơn năm trăm triệu. Thương lái tới tận nơi lựa tôm to, ốc hương loại một, trao tiền tận tay xuất sang Trung Quốc. Phần còn lại cũng chẳng cần mang đi đâu bán. Sẽ có người tới mua đem vô Nha Trang hay Sài Gòn bỏ mối. Phước quăng bao tiền trước mặt Dung cái kịch. Thấy chưa, tui nói mà bà không nghe. Tụi mình giàu tới nơi rồi. Để cuối năm hai vợ chồng xin visa, đi Mỹ thăm thằng Phong một chuyến.
Mùa thứ hai tiếp tục trúng to. Sáu trăm triệu đồng. Phước đãi tiệc ăn mừng hai ngày không hết khách.
Như con thiêu thân trước ánh đèn chớp nhá. Anh mượn ngân hàng thêm hai tỉ. Vay nóng vay nguội bên ngoài ba tỉ nữa. Mua thêm mấy cái đìa bên cạnh. Quyết làm một cú kiếm vài tỉ bạc ngon ơ.
Dung ra đìa, ngồi trước chòi canh chắp vá, lẻ loi giữa bốn bề đất rộng trời cao. Mùa hè nắng khô như lửa đỏ, táp thẳng vào mặt cô. Chỗ này, ngày xưa là rừng đước xanh um, rễ dọc ngang nuôi dưỡng tôm cá sinh sôi, giữ làng qua bao trận bão. Nhưng khổ quá, bà con mạnh người nào người nấy mang lưới ra giã cào, tận diệt thủy sinh nhỏ to, không còn một mống. Khi cơn lốc làm thủy sản ùa về thị trấn, người ta chặt hạ hết đước với bần, khoanh lô, đào sâu, đắp bờ, thành đìa nuôi ốc tôm cua nhộn nhịp. Hàng đước bị đẩy ra xa, eo xèo, lưa thưa vài khóm. Nhìn mấy con mương dẫn nước từ ngoài biển vào, không trong ngần, mà lờ nhờ váng mỡ dầu, lòng Dung gờn gợn một nỗi lo chưa định hình, rõ dạng. Không lo làm sao được khi Phước chẳng học hành tới nơi tới chốn, nhào vô làm đìa kiểu tay ngang. Kiến thức nuôi trồng thủy sản không có một miếng lận lưng, mà dám đầu tư cả chục tỉ vào mớ tôm ốc phiêu linh, nằm sâu dưới lớp bùn mờ mịt.
Cơn mưa trái mùa xối xả ùa về như thác đổ. Sấm chớp đì đùng như bom nổ phía trời xa. Trong góc nhà, Phước say mèm, gục lên ngất xuống. Dung lên bàn thờ chắp tay cầu xin trời Phật cho dứt cơn mưa, để nước không tràn bờ, ốc tôm bò đi mất biệt.
Tờ mờ sáng, chú Tư mặt không còn hột máu, hớt hơ hớt hải chạy vô nhà. Chết... chết... hết rồi... Phước ơi! Mau... ra coi...
Hai vợ chồng không kịp xỏ dép, chân thấp chân cao chạy ra đìa. Dung ngã quỵ khi nhìn cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mặt. Hàng chục ngàn con tôm đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trắng xóa một góc trời. Chú Tư vọc tay xuống bùn, hốt lên một mớ ốc hương đã long mày, bắt đầu bốc mùi hôi hám. Trời đang nắng nóng. Mưa xuống cái ào. Nước sông đổ về cửa biển đục ngầu. Lũ ốc tôm sốc nước, chết sạch trơn. Kiểu này cả làng chết đứng.
Dung xuội lơ, hai chân nặng như chì, người ủ rũ không còn sức sống. Cô muốn ngửa mặt lên trời gào thét, hỏi thử mình làm tội tình gì mà ổng nỡ đọa đày. Nhưng nước mắt không thể trào ra, nghẹn đắng. Phước như người mất hồn, nhào xuống, quờ quạng, hốt cào. Chết hết rồi. Sạch trơn. Tiêu tui rồi bà ơi! Tiếng khóc nhỏ to, gào la khản giọng vang vọng khắp cả cửa biển mênh mông sau cơn mưa cuồng nộ.
3. Quán nhậu được mở lại trước nhà lắt lay kiếm sống nhưng khách mỗi lúc một vắng thưa. Cú sốc lần rồi làm cả làng không gượng dậy nổi. Phước chạy vạy làm thêm hai vụ nữa nhưng chẳng trúng trật vào đâu. Đìa tôm bỏ hoang, nước tù đọng hôi rình, rong rêu bốc mùi thum thủm. Tiền mượn bên ngoài lãi mẹ đẻ lãi con, tăng thành chục tỉ. Thằng con xứ người cù bất cù bơ không tiền đóng học phí. Bữa nào học xong cũng ra tiệm làm nails bất hợp pháp. Trốn chui trốn nhủi mỗi khi có người lạ đi ngang qua. Phong gọi về khóc rấm rứt, con tranh thủ đi làm đủ tiền đóng học phí. Ba má đừng lo. Con ổn mà.
Đêm. Phước say mèm rũ rượi trong góc nhà. Hai đứa nhỏ ngủ say không biết chi khổ hạnh. Dung cầm chai thuốc rầy, đầu óc lửng lơ như người mộng du trên chín cõi trời diệu vợi. Cô rót một nắp, mặt đầm đìa nước mắt, từ từ đưa tới miệng định ngửa cổ uống cạn một hơi. An tâm đi Dung. Một cái nhấp môi thôi, mọi đau đớn tủi nhục sẽ như nước sông trôi ra biển lớn. Mày sẽ thấy lòng nhẹ hẫng, từ từ bay đến chốn xa. Uống đi, dễ lắm Dung à. Cô giật mình, mùi thuốc trừ sâu nồng nặc xộc thẳng vào mũi. Như tia chớp đánh mạnh vào đầu. Dung buông tay. Trời ơi. Mày đang làm cái gì thế này? Ba đứa nhỏ có tội tình gì mà mất mẹ? Phước có ở vậy làm gà trống nuôi con hay đi theo vợ bé? Mày chết thì sướng thân nhưng liệu chủ nợ có để cho gia đình yên ổn?
Dì Sáu về thăm quê, nghe đứa cháu mình thương ngập ngụa trong nợ nần, nhà cửa, đất đai bán gần hết rồi mà vẫn chưa thoát cơn cùng quẫn. Dì tới thăm, tay run run cho cháu ba trăm đô. Đừng suy nghĩ dại mà làm bậy nhen bây. Tội tụi nhỏ lắm. Con Lan biết chuyện, kêu tao nói bây bàn với thằng Phước ra tòa ly dị giả. Nó có mối ở bển, dẫn về kín đáo làm đám cưới rồi bảo lãnh mày với hai đứa nhỏ qua làm trả nợ. Ở đây biết làm chi sống? Vài năm nữa tụi nhỏ đủ hai mốt, bảo lãnh cha nó, gia đình đoàn tụ.
Phước gục mặt xuống bàn khi nghe Dung trình bày cớ sự. Anh không thể đớn hèn bắt vợ con mỗi ngày nghe những lời đe dọa của lũ xã hội đen rình rập khắp ngả đường, cũng không thể mượn bia rượu để trốn đời khi mà hậu quả mình làm sờ sờ ra đó. Tám năm dài sắp tới vắng mặt vợ con. Anh sẽ chờ, như cây đước cây bần ngoài cửa sông, mọc rễ bám đất u hoài. Khi nào có điều kiện, em nhớ dẫn con về với anh.
4. Bốn năm lênh đênh xứ người, Dung nhảy từ tiệm này qua tiệm khác. Tuần cô cày bảy bữa, ngày mười hai tiếng, chắt mót từng đồng. Chân tay bột hay nước gì cũng làm, dẫu nhiều bữa mùi hóa chất với bụi bột làm cô ói lòi mật xanh mật đỏ. Lúc mới sang chẳng cấp bằng, người ta ép trả lương thấp tè, Dung cũng không giận dỗi. Đêm về chong điện, mở máy, gò từng chữ tiếng Anh, đủ kiến thức đi thi lấy bằng, khỏi bị o ép.
Đời Dung coi như thả trôi sông sau đêm mưa tàn nhẫn đó. Phải sống, nhất định phải sống, để nuôi hai đứa nhỏ tới trường không gián đoạn. Để Phong không phải cắm mặt vào tiệm mỗi ngày. Mai sau tụi nhỏ thành tài, không khổ nghèo như ba má chúng. Món nợ mấy tỉ bạc bên nhà vẫn lửng lơ trước mặt. Trước khi lén lút đi, hai vợ chồng bàn tính với chủ nợ, không tính thêm lời. Mỗi tháng cô gửi về một ít trả dần. Chứ làm quá tui thí mạng cùi, tiền mất mà thân cũng không còn để níu.
Dung ngừng tay nếm phở, khi nghe tiếng ho húng hắng từ dưới basement vọng lên. Chuyện chồng con chưa xong, giờ tới cưu mang một người ơn nữa chớ. Có lần Phong hỏi, chẳng lẽ chú Khánh ở với mình vậy hoài hả má? Rồi mai mốt ba qua phải tính sao? Sáu mươi ngàn đô mang gia đình qua đây, cô trả hết cho anh không thiếu xu nào. Hai người cũng đã ly dị xong rồi, giờ như nước lã người dưng. Nhưng làm sao Dung bỏ Khánh được khi đời anh cũng te tua không kém mình. Vợ anh có chồng khác. Mấy đứa con tận miền New Mexico sa mạc cũng chẳng thèm nhận cha. Căn bệnh đau khớp hành hạ anh khi trái gió trở trời. Hóa đơn xuất huyết bao tử hơn hai mươi ngàn đô không tiền thanh toán. Tháng nào làm được, Khánh đưa vài trăm trả tiền nhà. Hết tiền lại nhe răng cười trừ, tui thiếu. Cái máu nghiện cờ bạc đã thấm sâu vào xương tủy, chòi đạp Khánh mỗi ngày như con nghiện không được thỏa mãn. Làm có ít đồng, anh gom góp chạy lên Las Vegas. Thua sạch. Trắng tay. Trở về giũa tiếp.
Nhiều đêm tủi thân, Dung bó gối đối bóng thương mình bạc phận. Cô gặp nhiều cảnh khổ trong đời. Mà tan tành như cô, chắc thế gian chỉ một. Những ngày giá rét, Dung thèm tiếng nói ân cần, được nằm gọn trong vòng tay chồng để được vỗ về, âu yếm. Dung muốn Phước chở tới chùa lễ Phật. Dung mơ cảnh cả nhà ngồi bên mâm cơm nóng hổi. Dung muốn quay lại hồi tụi con còn nhỏ, êm ấm biết là bao. Cái ước muốn cỏn con ấy, tưởng quơ ra là với được liền. Vậy mà Dung với mãi, với hoài, kể cả trong giấc mơ cũng không chạm tay vào được.
Mấy chuyện mèo mả gà đồng của Phước theo điện thoại, viber tới tai cô không biết bao lần. Dung biết hết, nhưng cứ nhắm mắt làm ngơ. Mình là người mà, tim bằng da thịt chứ đâu phải là gỗ đá mà hổng biết đau? Nhưng tìm lời nào để nói chuyện với ảnh bây giờ? Mua vé bay về đánh ghen như phim Hồng Kông? Mình đâu rảnh. Với lại thi quốc tịch chưa xong, lỡ người ta tố cáo chuyện năm xưa, mình kẹt lại bên nhà chắc tiêu cả lũ. Năm mươi chẵn. Những hừng hực gối chăn vẫn bỏng cháy trong Phước từng giờ. Làm sao anh có thể kềm chế nổi ham muốn khi ở một mình giữa đêm trường giá buốt?
Dung thấy mình như người vong gia thất thổ. Có nhà mà không thể về. Có chồng mà chẳng thể ấp ôm.
5. Dung liếc đồng hồ. Chưa tới sáu giờ. Còn cả tiếng nữa tụi nhỏ mới dậy. Cô mở cửa. Ra trước thềm ngồi. Chả hiểu sao từ ngày sang đây, Dung lại có thói quen dậy sớm ngắm bình minh rồi thầm thì mong vài điều nho nhỏ. Kiểu hôm nay tiệm đông khách, tiền típ nhiều, không phải gặp mấy đứa trời ơi, giũa muốn gãy lưng, đòi hỏi đủ đường mà đứng dậy bo cho hai đồng bạc lẻ.
Đang buồn muốn chết mà Dung cũng phải nhoẻn miệng cười trước suy nghĩ trẻ con của mình. Bỗng cô giật mình, khi có ai chạm vào người. Quay lại. Phong đang choàng áo ấm lên vai, rồi ngồi xuống một bên, dựa đầu vào vai má.
- Dậy sớm dữ con?
- Con đi vệ sinh. Ngửi mùi phở thơm lừng là biết má dậy rồi.
Dung vò đầu con, thỏ thẻ.
- Ừa, nấu sớm để tụi con có cái ăn rồi đi học.
Dung len lén quệt nước mắt chưa tới hai giây, nhưng không thể giấu con cho được.
- Ba lại kêu má gửi tiền về nữa hả?
Cô quay mặt, không gật cũng chẳng lắc đầu phủ nhận. Có cảm giác Phong đang siết chặt tay, người nóng ran như lò lửa. Những năm bươn chải xứ người, gặp đủ thứ thế thái nhân tình, đã biến Phong thành ông cụ non, âm thầm nhìn và quan sát. Phong lầm lì, tám chục năm mới mở miệng nói một lời, nhưng đủ để biết chuyện gì đang xảy ra, hiểu hết bao băn khoăn và nỗi trắc trở, long đong của cuộc đời má nó.
Những vệt mây đỏ, vàng từ phía chân trời chậm rãi, từ từ bắt đầu ló dạng. Mùi nồng nàn của lá cỏ lẫn sương đêm, dưới hơi ấm ban mai tỏa hương dìu dặt. Mặt trời xứ này dẫu không phải ở quê hương nhưng lúc nào cũng ánh lên một sắc màu kiêu hãnh. Vẻ đẹp lộng lẫy, huy hoàng như tan hết ra, luênh loang trời, luênh loang đất. Màu xanh trong mát của mây, màu đỏ thẫm của mặt trời quyện vào nhau như thể muốn đốt cháy hết vạn vật chung quanh mấy tiếng đồng hồ nhường chỗ cho bóng đêm sâu thẳm.
Người tính đâu bằng trời tính. Dung ngửa cổ, hít một hơi thiệt sâu, tự an ủi mình, mọi thứ sẽ ổn cả thôi, khi nghe tiếng thì thầm của con bên cạnh.
- Năm sau con ra trường, giấy tờ bảo lãnh cũng sắp xong. Con ráng làm hai job lo cho má với em. Má đừng làm nhiều nữa nhen, kẻo sanh bệnh thì tụi con khổ lắm. Mà con nghĩ má nên về nhà một chuyến thăm ông bà ngoại sẵn nói rõ chuyện với ba. Chứ cứ mòn mỏi như thế này hoài, không ổn đâu má ạ.
Maryland, chớm thu 2017
Bình luận (0)