Chuyện thứ nhất
Năm 16 tuổi T. cùng đám bạn đồng môn con nhà lành học giỏi quyết định lần đầu làm chuyện ấy. Những đứa trẻ con lớn lên nơi phố thị thời chiến thường phải hít thở chung không khí với đủ hạng người chen chúc trong một cái xã hội xô bồ nhộn nhạo hối hả tranh sống tranh chết, và buộc chứng kiến lắm chuyện mà phụ huynh che mắt không nổi. Những cái “động” chẳng hạn, nơi nào có bóng dáng quân đội viễn chinh là ồ ạt bung theo, chúng mọc lên như nấm dại xen lẫn trong các khu dân cư, tuềnh toàng cửa nẻo tênh hênh phơi ra những cuộc mua bán tình chóng vánh.
Tất nhiên trong đầu bọn trẻ trai mới lớn không chỉ có sách giáo khoa, Kim Dung hay Tuổi Hoa Tuổi Ngọc mà còn có cả những hình ảnh âm thanh sống động khuất sau những tấm màn lay động chấp chới ở các cửa “động” ấy. Cái gì đó càng bị cấm cản, bị ràng buộc giáo điều, bị cho qua bằng lừa mị dối trá càng làm cho nó thêm bức bối và nổi loạn. Thế là T. và ba đứa bạn lén lút dành dụm được ít tiền còm đủ để bước qua tấm màn ấy, tự cho mình cái quyền bình đẳng của khách làng chơi. Đến trước cửa thì cậu bé T. toát mồ hôi lạnh, run rẩy tay chân nên đành ngồi lại ngoài vỉa hè chờ ba đứa bạn của mình đổi đời. Tan cuộc, mỗi mình T. sấp mặt nghe bạn bè bốc phét trên mây.
Nhưng chỉ độ mươi ngày sau thì ba thằng nhóc chạm ngõ thiên đường sớm ấy đã bị knock out xuống thẳng địa ngục. Chúng kéo nhau lên sân thượng khóa kín lối lên và tuột hết ra mếu máo khám bệnh cho nhau. Kiến thức rơi rụng lượm mót của lũ trẻ chỉ đủ cho chúng hiểu rằng mình sắp chết tới nơi, bằng sống được thì cũng tật nguyền mất mát, và trên hết là sự kỳ thị, kinh tởm, là cơn lôi đình của phụ huynh, là nỗi nhục nhã thời đại. Hai đứa đi tiểu ra mủ, đứa kia bị nở hoa độc tóe loe. Tưởng tượng tới cái cảnh phải nằm dài ăn roi mây trước khi rúm ró theo sau lưng người nhà vào phòng khám để bác sĩ chữa bệnh phong tình trước bao nhiêu ánh mắt như dao cứa thì thôi thà biến mất luôn còn hơn.
Cuối cùng chúng cũng phải tự cứu nhau. Hai đứa bị nhẹ hơn tự kiếm trụ sinh uống riết cũng bớt. Đứa còn lại thử đủ loại thuốc men gì cũng không chữa được, mà hoa thì cứ lở loét lung tung. Rồi nghe nói, phải đốt laser mới tiệt. Rồi, mọi chuyện qua đi trong bí mật tuyệt đối.
Chuyện thứ hai
M. là cô giáo dạy toán thời T. học trung học, cô trò chênh nhau năm bảy tuổi gì thôi. Vật đổi sao dời, mười năm sau T. lại trở thành giáo viên dạy bồi dưỡng hè cho chính cô giáo của mình. Cô giáo không gọi học trò cũ là em nữa, và học trò cũ cũng ngại ngần khi đứng trên bục giảng chạm phải ánh mắt khác lạ của cô. Thời thế xui sao cô đang xa chồng, ở một mình trong căn nhà nhỏ đìu hiu cuối một ngõ vắng. T. cám cảnh neo đơn nên cũng thường xuyên tới thăm cô, ban đầu còn cùng bạn bè, sau chỉ có hai cô trò.
Cô giáo cũ khi đó chỉ mới ngoài ba mươi, đẹp kín đáo và sang trọng, kiểu cổ điển quyền quý gia thế. Chiều chiều học trò cũ đi đâu bâng quơ cũng ghé vô nhà chơi. Cô gọi T. là “người”, người đến rồi sao, người hôm nay trên lớp nói chuyện hay quá, người uống trà hay cà phê. Chàng trai ngốc nghếch thì lại bí rị trong xưng hô, đành bỏ trống. Thị xã ngày ấy cứ một đêm có điện hai đêm cúp, nhà nhà đèn dầu leo lét. Tới hoài chẳng còn chuyện gì để nói, cô trò cũ ngồi trong quầng sáng nhỏ rí nhìn bóng của nhau in trên vách nghĩ thầm đủ thứ. T. chưa yêu ai, chưa biết chuyện trai gái, nên không gọi tên được thứ tình cảm đang thôi thúc chộn rộn trong con người mình. Gặp đêm mưa gió nước tạt vào nhà, cô giáo tự nhiên đứng dậy đi khép cửa cài then, không đếm xỉa gì tới gã trai mới lớn. Lần đầu bị trời mưa nhốt lại T. còn giật mình bối rối, lần thứ hai thứ ba thì chắc phải cám ơn. T. nói, anh không bao giờ quên cái mùi hương kỳ lạ trong ngôi nhà khép kín cửa những đêm mưa gió tối trời ấy, nó ngầy ngật, ma mị, lại dữ dội. Và nguy hiểm hơn, nó gây nghiện.
T. đã cố gắng quên đi, cố nghĩ về những chuẩn mực đã từng, nhưng không tài nào chặn được đôi chân quen lối của mình đêm đêm. Nó cứ dẫn dắt anh đi về căn nhà nhỏ có những cánh cửa đóng kín, nơi bóng tối tràn ngập thấm đẫm mùi hương huyễn hoặc, nơi có một đôi mắt buồn ẩm ướt và sâu hun hút đợi anh.
T. biết mình cũng đang đợi một cái gì đó sẽ đến.
Rồi đêm mưa nọ, họ ngồi im lặng đối diện nhau qua cái bàn nhỏ bên ngọn đèn dầu. Các cánh cửa đang đóng. Chợt ngọn lửa phụt lên như đánh thức, nữ chủ nhân bèn ngập ngừng uyển chuyển đi vòng lại phía sau khách, với tay qua người để điều chỉnh tim đèn. Nguyên một cơ thể hừng hực trống chênh áp vào lưng T., bịn rịn đong đưa. T. hầu như không còn nghĩ được đến điều gì khác ngoài cái sự căng cứng đón nhận. Cái đèn dầu chờ lâu bực mình tắt ngấm. Thời gian đã ngưng đọng bao lâu T. không biết, chỉ thấy mình bừng tỉnh, xô ghế đứng bật dậy dứt khỏi khối nam châm ấy, rồi tông cửa vùng chạy như ma đuổi.
Từ bấy đến nay họ không còn gặp lại nhau một lần nào nữa. Không bao giờ.
Chuyện thứ ba
T. lúc này không còn là một gã trai mới lớn. Những chuyện ngày xưa đối với anh đã thuộc về một thế giới khác, rất khác. T. có chức quyền, có tiền, có sức khỏe, và có cả một gia đình êm ấm kiểu mẫu. Những người đàn bà đến và đi không còn làm anh bận tâm nữa. Họ không hề ngại ngần bày tỏ, thẳng thừng tranh giành, rõ ràng phân định quyền bính. Thỉnh thoảng T. cũng đáp lại họ, lắm lúc họ tấn công T., và đôi khi họ cùng phản bội nhau; nhưng nói chung tất cả đều qua đi nhanh chậm tùy duyên và tùy ý thức chiếm hữu.
Trong số họ có X., một cô nhân viên xinh xắn dưới quyền ở tỉnh Y., nơi thỉnh thoảng anh ghé về công tác.
X. luôn dễ thương và đáng yêu trong mắt anh, chừng mực không mời gọi quá lố. Hoàn cảnh X. đơn chiếc, còn T. thì từ trong máu đã là kẻ ân cần rộng rãi, giản đơn và dễ mềm lòng. X. quý mến và mở lòng với anh, đương nhiên rồi.
Cuối cùng rồi họ cũng đưa nhau vào khách sạn, tự nguyện, tràn trề tình thương mến thương. X. tận tình chiều anh cho tới phút 89 rồi chặn lại ngay trước cầu môn, ngọt lịm khẽ khàng xin anh viện trợ cho một khoản tiền không nhỏ.
T. nói, trời sập cũng không làm anh tỉnh hồn nhanh như vậy. Giá mà X. cầu xin vào một thời điểm khác, trước hoặc sau, thì có khi xẻ thịt anh ra cũng được. Vậy là trận ấy không có kẻ thắng mà chỉ có hai bên cùng đại bại ê chề. Nhớ đời.
Chuyện thứ tư
Lúc đứng trên một cây cầu cao vào nửa đêm nhìn xuống dòng sông sâu đen thẫm, T. nghĩ gì?
Anh nghĩ, dưới mặt nước đó là một thế giới vô cùng dịu mát, êm đềm, trong trẻo và thanh tịnh. Nơi đó chỉ có sự lặng thầm thấu hiểu, và sẽ luôn được mơn man vuốt ve. T. cứ đứng nhìn mãi nhìn mãi vào cái hố đen hun hút ở dưới mặt nước, và bắt đầu nghe văng vẳng những thanh âm rì rào vẫy gọi. “Xuống đây đi, hãy xuống đây, hãy hòa tan cái thân xác đang đau khổ ấy, hãy buông bỏ tất cả nhọc nhằn, ở dưới này mới sung sướng làm sao...”. Tiếng gọi càng lúc càng tha thiết du dương, vừa gần vừa xa, rồi từ van vỉ chuyển dần sang đe dọa, có nhảy xuống không thì nói. T. không sợ, chỉ là đang tận hưởng cái cảm giác lâng lâng thư thái của người sắp thoát tục thôi.
T. khi đó đúng là chỉ còn cái xác lụn bại không hồn, thế giới mà anh đang sống dường như chỉ toàn bon chen dối trá, lừa lọc phản trắc, cứ mở đầu hân hoan là kết thúc ê chề. Giá trị của một người đôi khi chỉ như một quả bóng bay. Anh thấy mình cũng không ngoại lệ.
T. vừa trắng tay, khánh kiệt chỉ sau một đêm vì quá tin người bạn thân. Anh không biết mình phải đối diện với thực tế bằng cách nào, không muốn gặp bất cứ ai nữa. T. bắt đầu trèo qua thành cầu, di chuyển tìm chỗ thuận tiện. Bóng tối đang đồng lõa với anh.
Ngay lúc đó có tiếng xe máy thắng gấp giữa cầu, người đàn ông cầm lái thiếu điều chúi nhủi xuống đường. Từ phía sau xe lao thẳng ra là một người phụ nữ trẻ mặt trắng bệch, chạy thục mạng về phía thành cầu và không ngừng lại giây nào khi lướt ngang T., cắm mặt nhảy luôn xuống sông. T. không la lên được tiếng nào, chỉ chới với đưa tay ra chực giữ lại nhưng hụt. Anh kinh hãi nhìn theo mặt sông tối om chỉ thấy cái xoáy nước sâu hút lặng lờ. Nhưng điều khiến T. bị ám ảnh chính là gương mặt xám xịt của người đàn ông đi cùng trước khi nhìn thấy anh để hô hoán lên tiếp cứu. Đó là sự hả hê độc ác cố kìm nén ẩn sâu trong ánh mắt, là sự thách thức từ cái quai hàm bạnh ra. T. lạnh toát cả người. Những tiếng réo gọi du dương dưới lòng sông bỗng dưng tắt ngúm.
T. tin có một cuộc sống khác ngoài cái thế giới mà anh được sinh ra và đang phải sống. Luôn có những đôi mắt vô hình dõi theo mình.
Những chuyện vu vơ như vậy còn nhiều, lần nào T. cũng tự kể, tự kết thúc bằng một câu hỏi không thể vu vơ hơn. Kiểu, nếu như em là anh lúc đó thì em sẽ làm gì. Một người càng sống càng nhận ra vẫn chưa hiểu hết về chính mình dù là trong quá khứ sẽ không bao giờ chán mình, bởi sẽ chẳng có ai đó chen vào lập trình đời sống tình cảm của mình được. Tâm hồn bình an chỉ là một cách thỏa hiệp, ngày nào còn cựa quậy và lỗi nhịp, ngày đó thấy đời còn đáng sống, và phải sống cho kỳ hết.
T. nói, lâu quá lâu rồi anh vẫn nhớ câu hỏi của em, hồi mình chưa đủ lớn,“rồi sao nữa?”. Thật là, tình yêu nói chung là thứ không nên chuyển đổi sang thì tương lai xa quá nếu không muốn nhìn nó biến dạng đi ngoài ý muốn.
Thôi thì T. cứ kể chuyện, và tôi cứ nghe, chẳng ai cần ai trả lời điều gì...
8.2017
Bình luận (0)